Người xưa có câu “nhân vô thập toàn”, nhưng quả thực có những người chúng ta không nên kết giao: người kiếm sống bằng nghề bất chính, người tâm lượng hẹp hòi, người lười biếng, người cực đoan.

Cuộc sống không đòi hỏi một sự hoàn hảo tuyệt đối, tuy nhiên có những người họ bị khiếm khuyết trong tính cách xuất phát từ nền tảng giáo dục và sự nhận thức. Chúng ta không thể nhắm mắt coi như không thấy, không hiểu. Có những kiểu người khi kết giao với họ, bạn sẽ gặp rắc rối, thậm chí là tai hoạ. Bởi vậy, chúng ta cũng nên nhận dạng kiểu người này để tránh xa.

1. Người kiếm sống bằng nghề bất chính

Mỗi người có quyền lựa chọn cho mình một nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống: một công việc theo chuyên môn đã được học, góp vốn đầu tư với bạn bè, làm thêm các việc kinh doanh khác… Dựa vào nỗ lực, chúng ta có thể làm giàu một cách đường đường chính chính. Tuy nhiên, cũng có những người phát tài bằng nghề bất chính: những nghề gây hao tán tài sản, tổn hại cho con người và xã hội về thời gian, sức khoẻ, danh tiếng, đạo đức…

4 kiểu người không nên kết giao kẻo gặp tai hoạ
Người làm việc bất chính dẫu giàu có cũng không thể gọi là thành công (ảnh: Giadinhmoi)

Ví dụ điển hình là người từ nhỏ không chịu khó học tập lại sống trong một gia đình không nhận được sự giáo dục tử tế. Thời gian trôi đi, họ lang bạt khắp nơi kiếm sống, vì để có tiền mà làm liều. Họ lừa đảo trộm cướp, buôn hàng giả hàng cấm, môi giới dịch vụ bất hợp pháp như bán dâm, đâm thuê chém mướn… Những người này thuộc kiểu người vì tiền không từ thủ đoạn.

Tài sản của những người này tăng lên nhanh chóng giống như trúng số. Họ bắt đầu mua sắm thỏa thích và hưởng thụ cuộc sống. Tất nhiên điều đó không bền vững. Người như vậy rất đáng sợ. Họ mang tới nguy hại lớn cho bất kể những ai kết giao và cho cả xã hội. Bởi hành vi của họ bất chính, nhất định sẽ gặp báo ứng. Với người độc hại như thế này, chúng ta không thể kết giao.

2. Người tâm lượng hẹp hòi

Trong cuộc sống lại có kiểu người, họ dư giả về vật chất nhưng tâm họ nghèo nàn. Họ giàu có nhưng đời sống tinh thần không vui vẻ. Họ giàu có nhưng không mang lại lợi ích cho người xung quanh và xã hội. Biểu hiện ra ngoài là đối nhân xử thế kém, bản thân thường nói và làm những điều quá đáng nên họ bị mọi người xa lánh. Hiện tại họ không có được mối kết giao thân tình, cuối cùng cũng trở thành người cô độc.

Người ích kỷ, hẹp hòi (ảnh: Photo-cms-baonghean)

Kiểu người này thường sở hữu gương mặt có đôi lông mày luôn chau lại tạo thành rãnh nhăn ngang dọc trên trán. Họ thường xuyên tỏ ra khó chịu với mọi thứ. Hay bắt lỗi người và không có khái niệm bao dung. Xung quanh họ toả ra nguồn năng lượng tiêu cực vì họ rất dễ tức giận.

Với kiểu người này thì chúng ta nên tránh xa để không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực từ họ. Nếu kết giao, thứ bạn nhận lại thường là sự trách móc vì họ không có khả năng nhận lỗi. Điều đó sẽ khiến bạn cảm thấy không được đồng cảm, thấu hiểu. Chịu nhận áp lực từ lối sống cứng nhắc, ngang ngược của họ, lâu ngày bạn sẽ mệt mỏi và cuối cùng bạn cũng phải từ bỏ. 

3. Người lười biếng

Có một kiểu người rất lười biếng. Số lượng người như thế này chiếm khá nhiều. Họ không có mục tiêu sống rõ ràng, nên không sẵn sàng làm việc. Cả ngày lo rong chơi, nhà cửa không dọn dẹp, bộ dạng cẩu thả, thân thể thường xuyên nồng nặc mùi rượu, không xây dựng các mối quan hệ hợp tác tích cực… Những người này vì lười nhác, nên cuộc sống gia đình bê bối, sa sút. Cuối cùng lâm vào cảnh bần hàn, nghèo túng. 

Lười biếng và nghèo túng đi đôi với nhau (ảnh: Vietnamplus)

Trong hoàn cảnh như vậy, họ vẫn không muốn học một nghề để mưu sinh. Chỉ biết chui vào một góc, mượn rượu giải sầu, thậm chí chấp nhận sống cuộc đời độc thân. Tiếp xúc với những người này không có nghĩa lý gì. Cái nghèo của họ là điều tất yếu phải xảy ra. Lý do gì để bạn kết giao với người như vậy?

4. Người tự ti cực đoan

Lại có một kiểu người khác, bình thường họ có vẻ rất trung thực, nhưng vì khả năng giao tiếp không tốt họ không thích giao lưu, trò chuyện. Họ cũng không có công việc tốt, cuộc sống của họ từ đó dần trở nên khó khăn. Người ngoài tỏ ý muốn giúp đỡ thì chính họ không tự tin vào bản thân mình. Họ không muốn thay đổi, cũng không dám đối mặt với hiện thực cuộc sống.

Bởi tính cách cực đoan, khi va vấp chuyện trái ý họ dễ bị kích động. Cộng thêm khó khăn trong cuộc sống khiến họ có biểu hiện chán nản, tự ti. Những người như thế này tính cách nóng nảy, cái tôi lớn, lòng tự ái cao. 

Khi cha mẹ, người trên chỉ dạy, họ không đủ nhận thức để liễu giải vấn đề, họ nghĩ họ đang bị đòi hỏi và chèn ép. Luôn nghĩ bản thân phải chịu sự bắt nạt vô cớ nên cảm xúc của họ bị đè nén, tới một thời điểm nhất định nó sẽ bùng nổ. Vì không kiểm soát được cảm xúc nên có thể họ sẽ phát điên lên, gây tai hoạ cho người khác, thậm chí tự làm tổn thương chính mình hoặc tự tử.

Người tự ti (ảnh: Tamly.blog)

Khi gặp người tính cách này, chúng ta không nên tùy ý làm nhục họ. Một khi chạm tới mức cực điểm giới hạn, sự hung hãn của họ bùng phát lên, e rằng đến cơ hội bỏ chạy của bạn cũng không có. Bởi vậy, gặp phải người này, cần dùng cử chỉ thân thiện đối đãi. Cũng không nên qua lại thân thiết.

Xã hội phức tạp, luôn tồn tại một số kiểu người như vậy. Dù đối nhân xử thế rất cần sự chân thành. Nhưng chúng ta cũng phải có năng lực nhận định nhất định. Đối với những người chúng ta cho rằng không nên quá gần gũi, thì tốt hơn hết nên tránh xa. Đây không phải là một loại trốn tránh, mà là một phương pháp đúng đắn trong ứng xử. 

Nếu gặp 4 kiểu người có khiếm khuyết về nhận thức như trên thì chúng ta không nên kết giao kẻo gặp tai hoạ.

Tổng hợp