Đời người lao đao khốn khổ vì ba chữ Danh-Lợi-Tình
Ba chữ danh-lợi-tình cuốn lấy người đời vào bao nỗi hoan lạc bi ai xưa nay. Người xưa trọng danh hơn lợi, vì vậy mà đạo đức cũng cao hơn. Người nay vì trọng lợi hơn danh nên đạo đức vì thế mà kém sút.
Nội dung chính
Vì một chữ lợi mà sa vào tù tội
Mới gần đây, ngày 7-10-2022, tập đoàn Đầu tư An Đông và một số tổ chức có liên quan đã tố bà Trương Mỹ Lan (SN 1956) Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì lý do bà có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019.
Lại nói cách đây chưa lâu, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thời gian xảy ra dịch Covid 19, nhiều người dường như không còn lương tâm đã trục lợi trong sự khốn cùng của cả dân tộc, nổi bật có lẽ là đại án Việt Á. Tính tới nay đã tạm giam gần 100 người về nhiều tội khác nhau mà phần lớn trong đó là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy, UBND, CDC, Sở y tế… của nhiều tỉnh, thành khắp nước. Qua điều tra, tổng giám đốc Công ty Việt Á đã thu lãi 4.000 tỉ đồng. Riêng việc chi “bôi trơn” đã lên khoảng 800 tỉ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit xét nghiệm.
Còn có những tập đoàn kinh tế thu lợi bất chính từ việc mua bán bất động sản; thậm chí cưỡng đoạt những dự án địa ốc màu mỡ với giá rẻ mạt và bán lại với mức giá chênh lệch gấp hàng chục; hàng trăm lần trên khắp cả nước mà thỉnh thoảng báo chí vẫn nhắc tới nhiều năm gần đây. Và hàng trăm hàng ngàn những đơn vị, tổ chức, công ty, tập đoàn, cá nhân…nhăm nhăm tìm kiếm cái lợi không chính đáng khác.
Từ những công ty, tập đoàn lớn đến những người làm ăn nhỏ lẻ; từ quý ông quý bà quyền cao chức trọng đến những thường dân thấp cổ bé họng, cả xã hội dường như nháo nhào chạy theo lợi. Người muốn tìm kiếm danh vọng địa vị thật ra cũng lại chỉ là tạo nền tảng để sau này lấy lại cả vốn lẫn lãi, lợi ích vẫn là mục đích cuối cùng.
Chuyện kể từ hồi ký một ông quan cuối thời Nguyễn
Trong cuốn sách Khúc Tiêu Đồng, một quyển hồi ký có giá trị của một vị quan cuối đời nhà Nguyễn đã kể lại nhiều chuyện có nhắc đến tính ham danh của con người thời ấy.
Ông kể lại rằng thời ấy cả những người nghèo nhất, ngày chỉ lo đủ ba bữa ăn thôi vẫn khảng khái nói câu “Trọng nghĩa khinh tài”. Tôi còn nhớ một chuyện ông kể: thời ông còn làm tri huyện Phù Cát, trong hạt lúc ấy thanh thiếu niên thất học nhiều quá vì thiếu trường, mà ngân sách eo hẹp; chính phủ chưa mở trường khắp tỉnh được nên ông triệu tập kỳ hào, thân sĩ, phú hộ…đến huyện bàn với họ việc dựng trường, xong ông sẽ xin chính phủ cấp thầy dạy và trả lương.
Ông nhờ lý hương, chánh phó tổng cùng thành tâm thiện chí hô hào và nhờ vậy mà trong vài tuần quyên được một số tiền lớn. Nhờ thời ấy người ta còn ưa danh tiếng với dân làng nên không chỉ quyên tiền, những người giàu còn giúp thêm hạng liệu; nhiều người khác còn cho gia nhân gánh gạo đến đó nấu cơm cho thợ ngày này qua ngày khác mà không lấy một xu công. Và ta nhớ đến một số tổ chức từ thiện hiện nay, họ làm từ thiện cũng lại để…trục lợi.
Người xưa ham danh hơn lợi
Xưa người nào có chút sức học đều lo học tập để mong sau này có thể thi đỗ ra làm quan làm mở mày mở mặt cho gia đình làng họ; có những chức của làng như như chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, hương trưởng, những người này không học tập thi cử, được đề bạt làm việc giúp quan nhưng chưa được vua ban phẩm hàm; vì vậy mà họ làm không cho làng chứ chẳng có lương lậu gì mà có khi còn phải bỏ của nhà ra để lo việc làng nữa.
Cái họ được là chút hư danh nhờ hay tới lui nhà quan và được chia “miếng thịt làng” khi trong làng có việc cúng tế; miếng thịt của làng kỉnh tượng trưng cho việc họ cũng có danh vọng hơn dân thường, vậy nên từ đó mới có câu “Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ” và cũng do đó mà người Pháp trêu các quan Nam là “Những người làm việc vì cái đầu heo”. Bởi vì quan thì được kỉnh cả cái đầu heo; tượng trưng cho địa vị đứng đầu phủ, huyện của họ.
Dù là “Danh” hay “Lợi” thì vẫn là bị “Tình” chi phối
Thời nào cũng vậy, những người ham danh tiếng vẫn giúp ích được nhiều hơn; từ người làm chính trị tới những người làm kinh tế, văn hóa..vv.. tuy nhiên nếu thái quá nó cũng trở thành bất hảo; bởi những kẻ giàu có mà hám danh sẽ bỏ tiền ra mua lấy chức mà lũng đoạn quan trường; hay tạo thành những chuyện cười cho thiên hạ; bị gọi là những kẻ lo việc bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
So với hạng hám lợi thì hạng hám danh dù sao vẫn đỡ hại cho xã hội hơn. Nó ít xui người ta đến chỗ bất chấp thủ đoạn mà làm việc ác. Và thời nào ta cũng thấy nhiều kẻ vừa hám lợi vừa hám danh; có lợi rồi thì muốn có danh và ngược lại. Đó là tâm tham của con người, và tâm tham này là do “Tình” mà đưa đến.
Dù là “Danh” hay “Lợi” thì người ta vẫn bị “Tình” chi phối mà lao đao khốn khổ cả một đời. Thứ cảm xúc tham muốn đó, yêu đó; chán đó, vui vẻ đó, muộn phiền đó, hưng phấn đó, ủ dột ngay đó…khiến tâm tình không lúc nào bình thản được.
“Tình” như giọt nước nhưng có thể đục mòn sinh mệnh
Tôi có một người bạn, một ngày cô kể với tôi câu chuyện, nhà cô bị dột; cô phát hiện những giọt nước bị rỉ từ ống nước trên cao nhỏ xuống la phông, cô thấy rồi nhưng thay vì tìm lỗ rỉ để bịt lại thì cô cứ nấn ná để chờ vài hôm, lại vài hôm…một ngày kia, cả dàn la phông nhà cô bở ra vì những giọt nước và đổ sập xuống một mảng lớn.
Câu chuyện cũng có điểm tương đồng với một hình thức tra tấn mà tôi từng được đọc qua; người ta bắt trói một tù nhân ngồi vào cái ghế và đặt dưới một vòi nước; rồi vặn vòi nước cho nhỏ từng giọt, từng giọt xuống đầu anh ta đêm cũng như ngày; suốt ngày này qua ngày khác, những giọt nước vẫn âm thầm nhỏ và đến một ngày anh ta hóa điên rồi chết.
Cái Tình kia cũng vậy, nó như không là gì đối với ta cả; nhưng nó từng chút; từng chút một; ngấm ngầm năm này tháng nọ dày vò ta, gặm mòn sinh lực của ta; cho đến một ngày ta đổ sập xuống như tấm trần la phông nhà cô bạn kia hay chết như anh tù nhân nọ.
Đừng để chữ “tình” nhấn chìm ta trong bể khổ
Thời hiện đại con người thêm nhiều bệnh mới, trong đó có bệnh trầm cảm; người quá yếu đuối không khống chế được “Tình” nên bị những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm tâm trí và trong óc dấy lên sự tuyệt vọng, xui họ tìm những lối giải thoát cực đoan.
Sống giữa cuộc đời, chẳng thể đoạn bỏ hết được Danh Lợi Tình kia; nhưng xem nhẹ chúng để không bị chúng cuốn trôi là một điều cần thiết. Trong đó tâm Danh Lợi còn có chút hình tướng dễ nhận ra; còn cái Tình này quả là phải từng thời từng khắc đều nên cảnh giác nó: Đừng tham lam và hơn thua quá. Khi được đừng vui quá, khi mất chẳng nên buồn; khi gặp bất công đừng oán giận bất mãn quá, mà khi được tôn vinh ngưỡng mộ cũng chẳng nên hoan hỉ.
Không phải nói mặt lạnh như băng, mà là coi những vui buồn được mất đến với mình như cơn gió thoảng qua; mà sự thực rồi nó cũng chỉ thoảng qua thôi; chẳng có cái gì ở lại với người ta hoài mãi được…Như vậy cái Tình kia sẽ không cuốn ta đi, dìm ta xuống trong những đau khổ hối tiếc khôn nguôi mà uổng phí thời gian ngắn ngủi trong một đời vô thường chẳng biết được hôm nào sẽ là ngày cuối cùng còn thở chốn nhân gian.
Xem thêm: