Một người có tu dưỡng hay không đôi khi lại thể hiện ở chính những tiểu tiết trong cuộc sống hàng ngày. Có những quy tắc ngầm mà ai cũng nên biết.
- Mạn đàm về quy tắc giao tiếp giữa người với người: Dĩ hòa vi quý
- 6 quy tắc ứng xử cao minh: Giàu sang quý ở nhân từ, nghèo khổ hay ở khí phách
Câu chuyện của một du học sinh Anh
Trước đây ở trên mạng có đăng tải câu chuyện của một du học sinh Anh, cậu đã kể về một bài học nhớ đời của mình như sau:
“Cũng giống như nhiều du học sinh khác, mình đã thuê trọ ở trong một gia đình ở gần trường. Bởi vì như vậy thì mình vừa có thể tiết kiệm được tiền, lại vừa có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Chủ nhà của mình là ông bà Campbells. Họ đối xử với mình rất hào phóng và tốt bụng. Họ thu tiền nhà của mình mấy bảng Anh một tháng, chỉ mang tính tượng trưng vậy thôi.
Đối với họ thì việc có một du học sinh nước ngoài ở trong nhà mình là việc rất hãnh diện. Họ không chỉ khoe việc này với hàng xóm xung quanh mà còn gọi điện thông báo cho con của họ ở Manchester và London.
Để mình có thể thực hiện được ước mơ đi du học nước ngoài, cha mẹ mình đã phải vay hơn 350 triệu; vì vậy mình càng quý trọng cơ hội này hơn. Ban ngày miệt mài học tập thì cũng là bình thường, nhưng đêm mình cũng học rất khuya, đến khi thư viện đóng cửa thì mới trở về nhà. Cũng may mình gặp được ông bà chủ nhà tốt bụng nên cũng không phải lo lắng gì, chỉ cần tập trung để học cho tốt thôi.
Mỗi ngày khi mình trở về thì đồ ăn ngon miệng đã được bác gái chuẩn bị sẵn để ở trên bàn. Cứ 2 hay 3 ngày là bác gái lại bảo mình đưa quần áo để bác giặt cho sạch sẽ. Nói chung họ đối xử với mình như con cháu ruột thịt trong nhà.
Chỉ vì vô tâm mà làm người khác thấy khó chịu
Thế nhưng qua một thời gian, mình thấy bác trai đối xử với mình có phần lạnh nhạt hơn. Ánh mắt nhìn không còn được thiện cảm như trước. Nhiều lần trong lúc ăn cơm, mình cảm thấy như bác ấy có điều gì muốn nói với mình, nhưng khi nhìn qua bác gái thì bác ấy lại thôi.
Lúc đầu thì mình đoán hay là tại hai bác thu tiền nhà của mình ít quá mà ngại không muốn nói ra. Về sau thì mình mới biết là không phải như vậy…
Một ngày nọ, mình cũng đi học ở thư viện về muộn, bác trai rón rén vào cửa phòng mình và nói: “Lúc còn ở quê nhà, mỗi lần về nhà muộn, cháu đều đóng cửa thật mạnh và ho khan ầm ĩ như vậy sao? Bất kể cha mẹ và mọi người đang ngủ hay sao?”.
Lúc ấy mình thầm nghĩ: “Chẳng lẽ đây là điều bác ấy muốn nói bấy lâu nay hay sao?”
Yên lặng một lát rồi mình trả lời: “Cháu cũng không nhớ rõ… có lẽ cũng chưa ai hỏi cháu câu này. Cháu cũng không để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt như thế này ạ!”
Bác trai mỉm cười và nói: “Bác nghĩ là cháu hơi vô tâm đấy! Bác gái bị bệnh mất ngủ, mỗi khi cháu đi về muộn, những tiếng động đó đều đánh thức bà ấy. Mà bà ấy đã tỉnh thì rất khó để ngủ lại. Cho nên sau này cháu có về muộn thì cố gắng giữ yên tĩnh một chút; như vậy thì bác sẽ cảm thấy rất vui lòng!”
Những tiểu tiết có thể trở thành vấn đề lớn
Bác ấy dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Thực ra bác đã định nhắc cháu từ lâu, chỉ là bác gái sợ làm tổn thương lòng tự trọng của cháu nên ngăn không cho bác nói. Bác tin rằng cháu là một chàng trai hiểu chuyện; chắc sẽ không vì thiện ý của bác mà bị tổn thương chứ?”
Khi nghe xong thì mình miễn cưỡng gật đầu. Lúc ấy mình không cho rằng bác ấy nói sai, cũng không cảm thấy tổn thương; chỉ là cảm thấy bác ấy quá chi li nhỏ nhặt. Mình đã sống với cha mẹ hơn 20 năm, họ chưa từng chi li với mình như thế; thậm chí còn dễ dàng tha thứ cho mình.
Trong lòng mình thầm nghĩ: “Dù sao thì đây cũng không phải là nhà của mình!”. Đương nhiên là mình cũng có chút khó chịu, nhưng vẫn tiếp nhận lời nhắc nhở của bác ấy. Từ đó trở đi, mỗi lần đi về muộn mình đều đóng cửa thật nhẹ nhàng.
Có những quy tắc ngầm mà bạn phải tự biết
Nhưng không lâu sau đó, vào một buổi trưa, khi mình đang ở trong phòng thì bác trai lại đi vào với vẻ mặt u ám và hỏi: “Cháu này! Có lẽ bác hỏi cái này cháu sẽ không vui, nhưng bác vẫn phải hỏi; lúc đi vệ sinh có phải là cháu đã không nhấc miếng lót bồn cầu lên không?”.
Mình bất giác chột dạ, đúng là nhiều khi vì vội quá nên mình cũng không nhấc miếng lót đó lên. Mình lúng túng trả lời: “Dạ… thỉnh thoảng ạ!”
Bác trai giận dữ nói to: “Như vậy sao được? Chẳng lẽ cháu không biết làm như thế thì nước tiểu sẽ bắn tung tóe lên tấm lót sao? Đây không chỉ là mất vệ sinh mà còn là thiếu tôn trọng người khác nữa; đặc biệt là không tôn trọng phụ nữ!”.
Mình vội vàng giải thích: “Thực sự cháu không có ý là không tôn trọng người khác; chỉ là cháu không để ý…”
“Bác đương nhiên biết cháu là người vô tâm; thế nhưng không nên để nó thành một loại lý do được”. Mặt bác ấy đỏ lên giận dữ, trong lòng mình lầm bầm: “Việc nhỏ như thế mà sao bác ấy cứ phải ầm ĩ lên như vậy nhỉ?”
‘Thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của một người’
Bác trai nói tiếp: “Cháu à, nghĩ cho người khác, tôn trọng và quan tâm đến người khác đó là điều tối thiểu nhất của một con người cần phải tu dưỡng. Mà tu dưỡng là thể hiện từ những việc rất nhỏ! Cháu thi đỗ đại học và tìm được một chức vị là điều quan trọng, nhưng ở chung với người khác cho hòa hợp cũng là điều rất quan trọng đấy. Nếu như nói học vị và chức vị là đại biểu cho thân phận của một người; vậy thì thói quen và tu dưỡng là thân phận thứ hai của một người. Mọi người đều dùng thân phận thứ hai để đánh giá người khác đấy!”
Quả thực trong cuộc sống, người khác không cần biết bằng cấp của bạn đến đâu, làm chức vụ cao đến mấy, họ chỉ cần nhìn cách ứng xử thông thường của bạn là cũng đủ đánh giá bạn là người như thế nào rồi. Trong giao tiếp luôn tồn tại những quy tắc ngầm mà bạn phải tự biết, nếu không thì khó tránh khỏi làm người khác khó chịu hay coi thường.
5 quy tắc ngầm trong giao tiếp
Đừng dùng lời nói làm tổn thương người khác
Điều thường thấy trong cuộc sống đó là: “Người nói vô ý, người nghe bận lòng”. Một câu nói vô ý có thể khiến người khác cảm thấy ấm áp; nhưng cũng có thể chạm vào nỗi đau của người khác, tạo thành vết thương khó lành.
Vì vậy chúng ta cần phải thận trọng khi nói bất kỳ điều gì đó với ai. Hãy luôn đặt mình vào vị trí của người khác để xem họ có bị tổn thương hay không; như vậy mới có thể tránh khỏi những phiền phức không đáng có.
Không tùy tiện nhận xét về người khác
Thật khó để hiểu hết được người khác, cũng như bạn rất khó để hiểu hết chính bản thân mình. Không nên chỉ vì một hành động nhỏ nào đó mà lại tùy tiện đánh giá không tốt về người khác; bạn không thể nào biết được toàn bộ câu chuyện đằng sau nó.
Mỗi Thánh nhân đều có một quá khứ, mỗi tội đồ đều có một tương lai. Không nên vì một sai lầm của người khác rồi cứ ghim nó mãi ở trong lòng. Sống ở trên đời thì cứ thản đãng một chút, điều gì bỏ qua được thì bỏ qua, việc lớn coi thành nhỏ, việc nhỏ coi thành không.
Người khác không phải là cái thùng rác cho bạn trút bỏ cảm xúc
Khi có chuyện buồn mà muốn tâm sự với người khác một chút thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng có vài người dường như lại có quá nhiều ‘chuyện buồn’. Họ buồn đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình, bạn bè, công việc, cho đến ăn uống, đi lại… không có việc gì mà không làm cho họ cảm thấy chán nản. Vậy là họ cứ thoải mái đi ca thán nó với người khác, bắt người khác phải chịu đựng lắng nghe.
Phải chăng là người lắng nghe bạn không biết buồn? Chắc hẳn là không phải rồi, chẳng qua là họ biết nhẫn chịu để vượt qua; họ biết cân nhắc cho người khác, nên không phải lúc nào cũng muốn làm phiền người khác. Cuộc sống đa phần đều là không như ý, chỉ là thái độ của bạn đối với nó như thế nào mà thôi.
Biết giữ khoảng cách hợp lý
Người ta vẫn nói “xa thì thương, gần thì thường”, trong giao tiếp cũng vậy, dù thân thiết đến mấy cũng đừng lúc nào cũng dính với nhau như hình với bóng; hãy tạo cho nhau một khoảng trống riêng tư; điều gì quá đi thì cũng đều không tốt.
Quân tử kết giao nhạt như nước, không cần cứ phải gặp nhau suốt ngày mới là thân thiết; chỉ cần khi có việc thì có thể xuất hiện kịp thời để giúp đỡ nhau, đó mới là trọng yếu.
Chừa cho người khác một đường lui
Làm việc đừng quá cứng nhắc, nói lời đừng quá tuyệt tình. Có những việc dù đã nắm được cái lý nhưng cũng không nhất định phải nói ra; có những người, dù biết là họ đã mắc sai lầm, nhưng cũng không nhất định phải chỉ ra. Chừa lại cho người khác một đường lui cũng là thiện đãi chính mình.
Có người được nhiều người yêu mến, có người lại khiến người khác muốn tránh xa; khác biệt đôi khi lại chính là ở những tiểu tiết trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ vì sự vô tâm của bạn mà lại khiến cho người khác cảm thấy khó chịu trong lòng.
Có những quy tắc ngầm mà bạn nên để ý, tuy không ai muốn nói ra, nhưng đa phần mọi người đều hành xử như vậy.
Tổng hợp