Mạn đàm về quy tắc giao tiếp giữa người với người: Dĩ hòa vi quý
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, chữ “Hòa” có nội hàm vô cùng phong phú. Giao tiếp giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia đều cần coi trọng chữ này. Người với tự nhiên cũng cần giảng chữ Hòa. ‘Dĩ hòa vi quý’ vẫn luôn là truyền thống đạo đức được người xưa tôn sùng.
Nội dung chính
Chỉ một chữ “Hòa” nhưng ẩn chứa nội hàm thâm sâu
Ý nghĩa chính của chữ Hòa nghĩa là Hòa thuận, hài hòa. Đối với một người mà nói, chính là lòng dạ khoáng đạt, có nhu có cương thích hợp. Đối với một quần thể mà nói chính là chung sống an ổn lẫn nhau.
Trong “Thượng Thư. Nghiêu Điển” có miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình thời vua Nghiêu, vua Thuấn ở Trung Hoa. Khi đó trên dưới hòa thuận, bách tính an cư lạc nghiệp. Cũng chính là cái gọi là “mặt trời mọc thì đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”. Một lý tưởng xã hội mà Nho gia luôn đề xuất và muốn hướng tới.
Để có thể hình thành một xã hội như vậy, chính là cần dựa vào chữ “Hòa”. Gia tộc hòa thuận, bách quan hòa hợp, thiên hạ thái bình. Xã hội lý tưởng ấy đều dựa trên một chữ Hoà. Mà muốn có được điều ấy thì việc cơ bản nhất là mỗi người đều phải tự giác tuân thủ những chuẩn tắc, đạo đức chung trong xã hội. Vì thế cần “khắc minh tuấn đức” (có thể làm sáng tỏ cái đức cao thượng), dùng đạo đức để thu phục lòng người.
Giao tiếp giữa quân tử và tiểu nhân khác nhau bởi một chữ “Hòa”
Trong “Luận Ngữ. Học Nhi”, Khổng Tử có nói rằng: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, nghĩa là: Tác dụng của Lễ là lấy “Hòa” làm cảnh giới cao nhất. Xây dựng các chuẩn mực xã hội khác nhau cần thúc đẩy sự hòa hợp giữa con người với con người, và giữa con người với thiên nhiên. Nhưng Khổng Tử tin rằng “Hòa” không phải là không có nguyên tắc. Trong “Luận Ngữ. Tử Lộ” có nói rằng: “Quân tử Hòa mà không Đồng, tiểu nhân Đồng mà không Hòa”.
Khổng Tử chỉ ra sự khác biệt trong cách giao tiếp giữa bậc quân tử và kẻ tiểu nhân. Người quân tử có chủ kiến của riêng mình, nhưng đồng thời cũng có thể rộng lượng, khoan dung với người khác. Có thể chung sống hòa thuận với người khác. Đây gọi là “Hòa mà không Đồng”.
Tiểu nhân dễ chịu ảnh hưởng từ người khác. Thế này cũng ừ, thế kia cũng gật, a dua nịnh hót. Nhưng một khi đã xung đột lợi ích thì không thể chung sống hòa hợp với người khác. Đây chính là “Đồng mà không hòa”.
Trong giao tiếp thì nên “Hòa” chứ không nên “Đồng”
Trong “Tả Truyện” có ghi lại cuộc đối thoại giữa Yến Anh và Tề Cảnh Công: Tề Cảnh Công hỏi Yến Anh: “Hoà với Đồng khác nhau sao?”. Yến Anh dùng ví dụ trả lời:
“Khác chứ. Hoà thì như là bát canh. Các thứ thịt, cá, rau, muối, dấm, nước đúng cân đúng lượng, hoà hợp với nhau, ăn vào mát ruột. Đạo vua tôi cũng vậy. Trong một việc, vua cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, bề tôi cần sửa ngay. Vua cho là trái, có phần nào phải, bề tôi cần biết ngay. Có như thế, chính trị mới công bằng, dân mới không thấy có cái gì trái.”
“Hoà cũng như là tiếng nhạc, năm thanh, sáu luật, phải hợp với nhau. Như vậy tiếng nhạc mới hoàn hảo. Nay như Lương Khâu Cứ, điều gì vua cho là phải, y liền tán đồng cho là phải ngay. Điều gì vua nói là trái, cũng tán đồng cho là trái ngay. Như vậy chỉ có Đồng, chứ không phải là Hoà. Nếu canh chỉ có một chất nước mà thôi, thì sao gọi là canh; nếu đàn cầm, đàn sắt chỉ có một âm thanh, sao gọi là nhạc. Hoà khác với Đồng. Như Bệ Hạ và Lương Khâu Cứ, chỉ có Đồng mà thôi”.
“Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt rượu nồng”
Bàn về chữ Hòa, mọi người dễ liên tưởng tới câu nói của Mạnh Tử: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Đây là câu được Mạnh Tử nói trong thời chiến tranh. Cái gọi là “nhân hòa” chính là lòng người cùng hướng, là sự gắn kết nội bộ.
Mạnh Tử còn nói: “Người vui với niềm vui của dân, thì dân cũng vui với niềm vui của họ. Người lo nỗi lo của dân, thì dân cũng lo nỗi lo của họ”. Bậc quân vương thánh minh là người đồng cam cộng khổ với dân. Trong lòng chứa cả bách tính thiên hạ. Như vậy mới được dân chúng kính yêu ủng hộ.
Trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, làm thế nào để có thể giữ được hòa khí? Cổ nhân đã để lại rất nhiều lời dạy sâu sắc cho chúng ta: “Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt rượu nồng. Quân tử nhạt mà thân thiết, tiểu nhân ngọt mà tuyệt tình”. Có thể thấy, dưới con mắt người xưa thì quân tử kết giao không có bất cứ mục đích công danh lợi lộc nào. Giống như nước, thanh khiết, trong vắt, nhìn thấu triệt.
Theo Secret China