Dù là phụ nữ hay đàn ông, người già hoặc trẻ nhỏ, đều cần tình yêu và sự công nhận. Nắm tay ai đó là một cách có thể đáp ứng cả hai nhu cầu cơ bản này.
Thực tế, bàn tay của chúng ta truyền đạt thông tin chính xác và rõ ràng với người khác thông qua xúc giác. Theo các chuyên gia, duy nhất con người có khả năng đối thoại ý nghĩa thông qua bàn tay của mình.
1. Nắm tay là giao tiếp không lời tự nhiên và cần thiết
Một trong những điều đầu tiên em bé học được là nắm tay. Trẻ sơ sinh sẽ nắm lấy những ngón tay của mẹ một cách tự nhiên.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động bản năng này thực sự là một hình thức giao tiếp mạnh mẽ. Trong khi nắm tay, các dây thần kinh trên da của chúng ta liên kết với hệ thần kinh trung ương, gửi tất cả các thông điệp mà chúng ta xử lý trong tiềm thức.
Tiến sĩ Charles Nelson đã công bố nhiều nghiên cứu khác nhau về ảnh hưởng của các điều kiện bất lợi đối với sự phát triển của con người, đặc biệt ở trẻ em. Ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ chưa từng được ôm, được chạm vào hoặc được âu yếm có biểu hiện bị còi cọc nghiêm trọng và mắc các bệnh thể chất khác. Người lớn thiếu sự tiếp xúc “giữa người với người” có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng.
Giống như giao tiếp bằng mắt, hình thức giao tiếp này có thể mạnh hơn lời nói. Một nghiên cứu của Berkeley về tinh thần đồng đội tại NBA cho thấy rằng các đội thể hiện nhiều tiếp xúc cơ thể hơn sẽ có điểm số cao hơn và giành được nhiều chiến thắng hơn. Điều này chứng tỏ khả năng truyền tải thông tin tiềm ẩn thông qua việc nắm tay.
2. Cảm giác an toàn, được hỗ trợ
Không phải chỉ những đứa trẻ mới cảm thấy an tâm hơn khi có ai đó dắt tay. Nắm tay cho biết chúng ta không đơn độc, xây dựng cảm giác tự tin và tin cậy. Nó có thể giúp chúng ta đối mặt với những trường hợp khẩn cấp; chiến thắng nỗi sợ hãi và hỗ trợ nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Cảm giác an toàn mà cha mẹ dành cho con cái bằng cách nắm tay có tác động tích cực đến hành vi và suy nghĩ của chúng, mang lại lợi ích cho cả gia đình; trong khi một người mẹ nắm tay, đứa con sẽ cảm thấy thoải mái một cách tự nhiên.
3. Thoải mái về thể chất và tinh thần
Con người có phản ứng tự nhiên là căng cơ khi bị đau. Vì vậy, người chồng thường ở trong phòng sinh và nắm tay vợ khi cô ấy vượt cạn. Bạn sẽ dễ dàng chịu đau hơn khi có một bàn tay siết chặt. Cho nên các y tá thường nắm tay bệnh nhân để giúp họ giảm bớt đau đớn.
Nhà tâm lý học Becky Spelman cho biết “Trong tất cả các nền văn hóa, chúng ta thường nắm tay một người đang buồn bã hoặc đau đớn; đó là cách thể hiện sự ủng hộ của chúng ta đối với họ. Vào những hoàn cảnh rất khó khăn, ngay cả những người hoàn toàn xa lạ cũng có thể nắm lấy tay nhau, để an ủi và gắn bó với nhau. Ví dụ, những người sống sót sau vụ máy bay rơi thường kể rằng họ đã đưa tay mình nắm lấy bàn tay của người bên cạnh họ”.
4. Giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nắm tay giúp giảm hormone căng thẳng cortisol, làm giảm bớt lo lắng về thể chất và cảm xúc. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia đã nghiên cứu việc giảm mức độ căng thẳng khi phản ứng với việc nắm tay.
Các phụ nữ từ 16 cặp đôi khác giới được kết nối với một thiết bị có thể truyền điện giật đến mắt cá chân của họ và ghi lại phản ứng trong não. Khi phụ nữ nắm tay bạn đời hoặc chồng của họ, phản ứng đau giảm đi đáng kể. Tương tự, phụ nữ bị bỏng nhẹ sẽ cảm thấy ít đau hơn khi họ nắm tay bạn đời; và đau nhiều hơn khi anh ấy không ở trong phòng.
Nắm tay có thể mang lại cảm giác thanh thản trong cuộc sống hàng ngày; đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Nắm tay nhau trong giấc ngủ chắc chắn sẽ mang lại một đêm thư thái hơn.
5. Thể hiện tình cảm và lòng tốt
Nắm tay là một cách đơn giản để tăng cường tình cảm giữa mọi người với nhau và có lợi cho tất cả. Đó là cơ hội để nuôi dưỡng các mối quan hệ hiệu quả với cha mẹ, con cái, bạn bè, và vợ/chồng của bạn.
Nắm tay là biểu tượng của sự gắn kết giữa hai người luôn quan tâm đến nhau. Những cặp vợ chồng duy trì thường xuyên tiếp xúc cơ thể, họ cảm thấy hài lòng hơn trong mối quan hệ của mình.
“Có một nam châm trong trái tim mỗi người, giúp thu hút những người bạn chân thành. Nam châm đó là sự không ích kỷ, nghĩ đến người khác trước tiên. Khi bạn học cách sống vì người khác, họ sẽ sống vì bạn”.
yogi Paramahansa Yoganand
6. Giảm huyết áp
Khi nắm tay ai đó là bạn đang giúp trái tim của mình được khỏe mạnh. Giảm căng thẳng thường đi đôi với giảm huyết áp, từ đó cũng giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Nắm tay có thể mang lại 6 lợi ích cho thể chất và tinh thần. Vậy bạn còn đợi gì mà không nắm tay ai đó mỗi ngày!
Nguồn: Nspirement
Xem thêm: