Tại sao có người ăn bao nhiêu cũng không bị mập? Người gầy trời sinh ra đã như vậy rồi hay sao? Làm thế nào để có được thể chất như người gầy? Dưới đây là 7 bí mật của người gầy, có thể giúp cho bạn có một thân hình thon thả và khỏe mạnh.
- Tác dụng tuyệt vời của thiền định đối với sức khỏe
- Mùa lạnh cần thận trọng 4 điều để tránh bị tổn thương dương khí
Bí mật 1: Người gầy không thích ăn? Sự thật: Ăn uống phù hợp, cơ thể khỏe mạnh thon gọn
Nhiều phương pháp giảm cân chủ trương bỏ bữa và không ăn tinh bột. Trên thực tế, mặc dù ăn ít đường và nhiều đạm có thể giúp giảm cân nhanh chóng nhưng tỉ lệ mập trở lại thì rất cao.
Một số người bỏ bữa và ăn bánh mì, nhưng bánh mì vẫn có chất béo và đường được sử dụng trong quá trình sản xuất. Ngay cả bánh mì không cũng chứa chất béo và lượng calo không hề thấp. Hơn nữa, bánh mì mềm xốp, ăn nhiều mà vẫn không thấy no; chỉ một lúc sau đã lại thấy đói; lượng ăn không giảm mà còn tăng lên.
Ăn một bát cơm đều đặn để duy trì cảm giác no, tự nhiên sẽ thôi không muốn ăn thức ăn nhiều đường và dầu mỡ nữa.
Bí mật 2: Hút thuốc lá có thể giảm cân? Sự thật: Không hút cũng không mập hơn
Tin đồn về việc mập lên sau khi bỏ thuốc lá đã được nghe thấy từ lâu; và một số thậm chí còn sử dụng nó như một lá chắn chống lại việc bỏ thuốc lá.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, các thành phần hóa học trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến vị giác; giảm độ nhạy cảm đối với thức ăn và ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Ăn vặt, nhai kẹo cao su để bỏ thuốc lá cũng có thể gây tăng cân.
Điều đáng mừng là việc lấy lại cân sau khi cai thuốc lá chỉ là hiện tượng ngắn hạn và có tác động hạn chế đến cân nặng lâu dài. Tỷ lệ tăng cân giữa người hút thuốc và không hút thuốc không chênh lệch nhiều. Người cai thuốc lá từ từ sẽ không bị tăng cân quá nhiều; chỉ cần chú ý đến chế độ ăn uống và tập luyện nhiều hơn là có thể phòng tránh được.
Bí mật 3: Người gầy biếng ăn? Sự thực: Ăn uống vừa đủ, sức ăn cũng không tự nhiên mà tăng lên
Cảm giác thèm ăn là bản năng sinh tồn của con người. Có một hệ thống tinh vi trong cơ thể con người chịu trách nhiệm điều chỉnh sự thèm ăn: Vùng dưới đồi của não phụ trách tích hợp và giải thích các tín hiệu no và đói từ các bộ phận khác nhau của cơ thể. Khi tín hiệu đói mạnh hơn tín hiệu no, vùng dưới đồi kích thích trung tâm đói tăng lượng thức ăn; khi lượng calo nạp vào quá nhiều sẽ kích thích trung tâm no giảm lượng thức ăn để duy trì sự cân bằng.
Khi cơ chế kiểm soát không thành công, cơ thể đã có đủ calo nhưng vẫn không thể dừng lại và dẫn đến béo phì. Hệ thống kiểm soát lượng thức ăn được kết nối với nhau; nhịn đói không những không có tác dụng mà thậm chí nó còn kích thích khiến ăn nhiều hơn.
Bí mật 4: Người gầy ít uống nước? Sự thực: Uống nhiều nước vừa khỏe vừa đẹp
Nhiều người thường phàn nàn rằng họ béo lên ngay cả khi uống nước. Thực tế, nước không những không có calo mà còn tiêu hao calo khi cơ thể chuyển hóa nước; nó còn giúp đào thải các chất cặn bã cũ sinh ra trong quá trình giảm cân. Nếu bạn muốn giảm cân thì hãy uống nhiều nước hơn.
Theo quan sát, hầu hết những người cho rằng uống nước sẽ béo lên nằm ở độ tuổi trên 40; tốc độ trao đổi chất cơ bản bị giảm sút. Dù ăn ít thì họ cũng tiêu thụ ít calo hơn nên sẽ tiếp tục bị béo. Ngược lại, lúc này bạn phải ăn nhiều hơn một chút, gia tăng quá trình trao đổi chất, đồng thời tập thể dục để giảm cân.
Uống nhiều nước sẽ giúp máu lưu thông, tuần hoàn trơn tru; uống nhiều nước sẽ giúp bạn gầy và khỏe mạnh hơn. Tốt nhất nên uống 2 lít nước mỗi ngày (trừ những người có chức năng thận kém).
Một chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên thay nước bằng đồ uống và súp. Nên uống nước khi thức dậy vào buổi sáng; khoảng thời gian giữa hai bữa ăn và 3 đến 5 giờ chiều là tốt nhất. Uống nước trước khi tập thể dục, tăng cường tiết mồ hôi, đạt được tác dụng của quá trình trao đổi chất và giải độc; có lợi cho việc kiểm soát cân nặng.
Bí mật 5: Người gầy đều là bẩm sinh đã thế? Sự thật: Mập và gầy 7 phần là do tự mình, 3 phần là do số phận
Nhiều người từng khổ sở trong việc giảm cân chắc sẽ than thở rằng “hít không khí cũng mập lên”; cho rằng mập là di truyền và không thể khắc phục được. Nhưng liệu gen có thực sự là thủ phạm của béo phì?
Béo phì do nhiều yếu tố gây ra, không chỉ thể chất, lối sống, thuốc, bệnh tật. Có hơn 200 gen liên quan đến béo phì. Cơ chế tác động rất phức tạp, không thể đưa ra phương pháp giải quyết cho một loại gen béo phì cụ thể. Tuy nhiên, một số bệnh béo phì khởi phát sớm hoặc bệnh lý thực sự liên quan đến một khiếm khuyết gen duy nhất; có 6 hoặc 7 loại gen như vậy. Chúng thường phát triển trong vài tháng sau khi sinh hoặc trong thời thơ ấu.
Do gen ảnh hưởng đến tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, lượng thức ăn và mức hoạt động; bởi vậy người gầy chưa chắc đã ăn ít, nhưng có thể ăn chậm mà no lâu, cá tính cũng hiếu động hơn. Cho dù người gầy có ăn nhiều thì cũng chậm tăng ký hơn so với người béo phì.
Đối với việc nhấn mạnh “cải biến thể chất, cam đoan không còn béo phì”, hay phương pháp giảm cân bắt đầu bằng xét nghiệm nhóm máu và gen, tất cả chỉ là mánh lới quảng cáo. Cách cơ bản nhất để giảm cân chính là kiểm soát hoàn cảnh. Vì vậy hãy ngừng phàn nàn về tổ tiên của bạn, ít nhất còn có một việc công bình: Ngoại trừ những trường hợp cực kỳ đặc biệt, đa số mọi người chỉ cần ăn ít và vận động nhiều thì nhất định sẽ giảm cân.
Bí mật 6: Người gầy đều là vận động viên thể dục? Sự thật: Tùy thời tập thể dục, thịt mỡ sẽ bị đánh tan
Tập thể dục là cách tốt nhất để tăng tỷ lệ trao đổi chất và tiêu thụ calo. Chạy 30 phút có thể làm tăng mức tiêu thụ khoảng 200-300 calo. Tập thể dục cũng giúp tránh bị mập trở lại, duy trì thành quả giảm cân.
Nhưng đối với những người hiện đại đã quen với việc ngồi trên ghế sofa ăn khoai tây chiên thì nhắc đến việc tập thể dục, họ nghĩ rằng trong phòng tập phải đổ mồ hôi và thở hổn hển, vì vậy ngại không dám bước vào.
May mắn thay, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả khi tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện các bệnh mãn tính do cân nặng gây ra.
Mức độ hoạt động cũng liên quan đến tính cách. Những người có thân thể cân đối thì nhanh nhẹn và hoạt bát hơn, tính cách năng động hơn, không dễ thụ động và lười biếng.
Bí mật 7: Người gầy đều không bị căng thẳng? Sự thật: Rèn luyện giúp chống căng thẳng
Khi buồn, không vui hoặc chán nản, nhiều người sẽ vô tình ăn các món ăn tráng miệng, đồ ăn nhẹ hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ để giải tỏa. Khi ăn uống não bộ sẽ tiết ra serotonin khiến con người cảm thấy dễ chịu hơn một lúc; đây là cách giảm căng thẳng đơn giản nhất nhưng cũng đẩy nhanh quá trình tích tụ calo và rơi vào bẫy béo phì.
Khoảng 70% mọi người tăng cân khi bị căng thẳng. Ngoài ăn nhiều, căng thẳng còn khiến người ta lười vận động, cơ thịt đau nhức, ngủ không ngon; rất dễ dẫn đến béo phì.
Tập thể dục có thể chống căng thẳng; giữ cho mình một tâm trạng thoải mái sẽ giúp kiểm soát cân nặng; đặc biệt là tập trung vào những người và những điều bạn yêu thích. Khi hưng phấn, não bộ sẽ tiết ra adrenaline, kích thích dây thần kinh giao cảm; tăng cường hoạt động; thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo. Do đó, bạn nên khám phá thêm những sở thích khác như ca hát, nhảy múa để cảm thấy vui vẻ, thay vì ăn uống.
Theo Aboluowang