Âm nhạc không phải dùng để giải trí hay tiêu khiển, mà có ý nghĩa rất quan trọng, chính là tương thông với trời đất và nuôi dưỡng tâm hồn của con người.
Ý nghĩa của âm nhạc
Sự xuất hiện của âm nhạc vẫn còn là một điều bí ẩn đối với con người. Dường như cùng với sự tồn tại của con người, âm nhạc cũng tự nhiên được tạo ra. Chúng ta thậm chí còn không biết âm nhạc có mục đích gì? Con người hiện đại có lẽ không hiểu rõ điều này, nhưng người xưa lại vô cùng rõ ràng.
Trong “Lễ Ký – Nhạc Ký” có viết rằng: “Nhạc giả thiên địa chi hòa dã; lễ giả, thiên địa chi tự dã; Hòa, cố bách vật giai hóa; tự, cố quần vật giai biệt”. Có nghĩa là “nhạc là cái điều hòa của trời đất. Lễ là cái trật tự của trời đất. Hài hòa, nên trăm vật đều thay đổi; Trật tự, nên vạn vật đều khác biệt”.
Vì vậy, một khi hoàng đế của các triều đại lên nắm quyền, trước hết sẽ tiến hành quy chính lễ nhạc, đặc biệt là ở triều đại của Đường Thái Tông. Nguyên nhân rất đơn giản, chính là bởi vì âm nhạc trên có thể tương hợp với trời, dưới có thể tương hòa với đất, ở giữa có thể tương thông với con người.
1. Âm nhạc tương hợp với trời
Khúc nhạc “Tử Vân Hồi” của Đường Huyền Tông kể về cảnh hư hư thực thực trong giấc mộng du nơi tiên cảnh.
Đường Huyền Tông trong một lần lâm triều bỗng lấy tay ấn vào bụng lúc lên lúc xuống. Sau khi bãi triều, thái giám Cao Lực Sĩ tiến đến và hỏi Đường Huyền Tông: “Vừa rồi, bệ hạ dùng ngón tay ấn vào bụng nhiều lần, có phải vì thánh thể không thoải mái không?”
Đường Huyền Tông nói rằng: “Không phải. Đêm qua ta mơ thấy được đến cung trăng, các vị tiên nữ đã diễn tấu cho ta nghe bản nhạc trên Thiên Thượng. Quả là âm thanh du dương trong trẻo mà ở nhân gian không thể nghe được! Bản nhạc khiến ta chìm đắm trong âm thanh tuyệt diệu thanh khiết này không thể dứt ra. Sau đó, các vị tiên nữ đã diễn tấu bản nhạc Thanh nhạc để tiễn biệt ta. Bản nhạc thần tiên này thống khổ, trong trẻo mà lại phảng phất bi thương làm cảm động lòng người. Sau khi tỉnh dậy, ta vẫn cảm thấy còn vương vấn những âm thanh du dương từ nơi xa ngút ngàn như thể đang vang vọng ở bên tai. Ta liền thổi sáo ngọc để nhớ và ghi lại bản nhạc đó. Vừa rồi lâm triều, ta sợ rằng mình sẽ quên mất giai điệu này, vì vậy ta đã thầm tưởng sáo ngọc trong tay của mình, thỉnh thoảng lại ấn để nhớ lại âm luật, chứ không phải là do thân thể không thoải mái”.
Cao Lực Sĩ bái lạy và chúc mừng Đường Huyền Tông tâu rằng: “Đây quả là chuyện nghìn năm khó gặp, xin bệ hạ thổi sáo cho lão nô một lần được không?”.
Đường Huyền Tông thử thổi một lần, âm thanh thanh tao xa xăm, như có như không, phi thường không thể tả! Cao Lực Sĩ lại bái lạy chúc mừng Hoàng đế Đường Huyền Tông và thỉnh cầu hoàng đế đặt tên cho khúc nhạc thần tiên này. Đường Huyền Tông mỉm cười và nói: “Bây giờ hãy gọi nó là ‘Tử Vân Hồi’ đi”.
Sau đó, Thái Thường Khanh, người phụ trách Lễ Nhạc, đã đưa bài nhạc này vào bản nhạc lớn của nhà Đường. Bây giờ vẫn còn có tảng đá khắc ở Thái Thường phủ năm đó làm chứng cho việc này. Điều này cho thấy rằng, những khúc nhạc trong nhân gian có thể tương thông với các vị thần.
2. Âm nhạc tương hòa với đất
Bản nhạc ở một tần số nhất định có thể cộng hưởng với một vật phẩm nào đó có tần số tương ứng, làm xảy ra một loại cảm ứng nhất định. Chẳng phải điều này rất xảo diệu hay sao?
Hoàng Phủ Trực là một vị tướng nước Thục, rất giỏi nhận biết âm luật. Khi gõ vào đồ gốm, ông liền đoán ra được đồ gốm này được nung vào năm nào, tháng nào. Ông đặc biệt thích gảy đàn tỳ bà.
Vào năm Nguyên Hòa, thời Đường Hiến Tông, Hoàng Phủ đã viết một bản nhạc. Trong lúc đang hóng mát, ông đã chơi bản nhạc này bên ao. Ban đầu, bản nhạc này sử dụng Hoàng Chung dương luật, nhưng tiếng đàn gảy ra lại theo Nhuy Tân Dương luật. Ông đã điều chỉnh dây đàn và gảy lại nhiều lần, nhưng tiếng nhạc gảy ra vẫn là Nhuy Tân Dương luật . Hoàng Phủ Trực vô cùng hoang mang khó hiểu, ông thầm nghĩ: “Chắc đây là điềm chẳng lành”.
Cách một ngày sau, Hoàng Phủ Trực lại chơi bản nhạc bên ao, âm thanh vẫn là theo Nhuy Tân Dương luật giống như ngày hôm trước. Ông đã thử gảy bản nhạc ở nơi khác thì âm thanh lại chuyển thành Hoàng Chung dương luật. Đêm đó, ông tiếp tục ở bên ao liên tục điều chỉnh tiếng nhạc.
Đột nhiên, ông cảm thấy sóng nước gần bờ đang gợn lên, và có thứ gì đó đang làm sóng nước gợn lên giống như những con cá nhảy trong nước. Cho đến khi ông buông dây đàn ra thì mặt nước lại yên ắng không còn âm thanh nào cả.
Vì vậy, Hoàng Phủ Trực đã triệu tập người để múc nước từ trong hồ ra ngoài. Sau khi nước trong hồ đã được rút cạn và trải qua nhiều ngày tìm kiếm dưới lớp bùn, mọi người đã đào được một mảnh sắt ở độ sâu 1 trượng. Mảnh sắt này hóa ra là một loại Khánh, một trong những nhạc khí thời cổ đại có tên là “Phương Hưởng”.
3. Âm nhạc tương thông với người
Tư tưởng và vận mệnh của con người đều có thể từ âm nhạc mà biểu hiện ra. Những bậc cao nhân thời xưa đều coi âm nhạc là căn cứ để suy đoán những sự việc sẽ diễn ra trong tương lai.
Khi Tùy Dạng Đế đi ngao du đến Giang Đô, con trai của nhạc công Vương Lệnh Ngôn từ trong cung trở về nhà. Vương Lệnh Ngôn hỏi con trai mình: “Hôm nay con đã trình diễn cho hoàng thượng nghe bản nhạc gì?” Người con trai trả lời: “Là ‘An công tử’”. Vương Lệnh Ngôn bảo con trai mình diễn tấu bản nhạc đó một lần. Sau khi nghe xong, ông nói: “Con đừng theo Hoàng thượng đến Giang Đô. Bài hát này không có cung thanh, Hoàng thượng nhất định sẽ không trở về”.
Chúng ta gọi “Thiên, địa, nhân” là tam tài, tất cả đều có mối quan hệ với âm nhạc, chính là tương hợp với trời, tương hòa với đất và tương thông với con người. Mục đích của âm nhạc chính là làm cho mọi thứ trên thế gian trở nên hài hòa hơn.
Theo Vision Times