Site icon Nguyện Ước

Ăn chay có phải là độc đạo đến Niết Bàn?

Ăn chay có phải là độc đạo đến Niết Bàn?

(Nguồn: Pixabay)

Nhiều người vẫn thường hay tranh cãi về vấn đề ăn chay hay ăn mặn. Việc ăn chay có thực sự là điểm then chốt để đưa người ta đến cõi Niết Bàn hay không?

Câu chuyện bi hài về sát sinh và ăn chay của gia đình cụ H

Cứ mỗi khi có đám tiệc gì thì nhà bà cụ H lại ồn ào ghê gớm; công việc chuẩn bị một cái đám dù cho có hoành tráng cỡ nào thì cũng không thể nào phát ra những âm thanh chát chúa đến vậy; chỉ là…khi giải quyết một lúc nhiều việc thì họ thường không kiềm chế được mà cãi nhau ỏm tỏi lên; ngày bình thường vốn ít việc họ cũng đã hay cãi nhau như vậy; chỉ là nhiều việc thì mâu thuẫn phát sinh nhiều nên mức độ này tăng lên thôi.

Hôm nay nhà họ lại có đám giỗ và tôi lại nghe thấy ba người nhà họ cãi nhau. Những tiếng nói ban đầu vừa vừa; sau to dần lên và bất ngờ một giọng yếu ớt như gần hết hơi hết sức nói to trội lên để cố gắng trấn át được hai tiếng nói kia; đó là giọng cụ H: “Thôi đi , mấy người không biết cái chi hết á; chết xuống dưới nớ họ lụi, họ lụi cho như ri nề… ” Bà ấy miệng vừa nói tay vừa diễn tả cái hành động “lụi một con dao“ vì nãy giờ họ đang bàn cãi chuyện giết một con gà.

(ảnh dienmaynewsun.com)

Sát sinh thì ngày nào mà chẳng tính là sát sinh

Giọng một người đàn ông trẻ tuổi hơn, là con rể cụ H vang lên, vừa nói vừa cười:

“Lụi cái chi mà lụi, ai lụi? Chớ bộ ngày bình thường sát sinh thì chết xuống âm phủ họ tha; còn ngày rằm sát sinh thì họ mới phạt hả? Sát sinh thì ngày mô mà chẳng phải là sát sinh; trời ơi là trời, tui nhức xương cho cái nhà ni quá. Rồi như còn chưa hả hơi, ông tiếp:

“Rồi ngày thường ăn thịt họ không tính, ngày rằm ăn thịt họ mới tính hả? Rứa rồi ngày mười bốn ăn mặn; thịt còn trong bụng chưa tiêu hết; còn mắc trong răng chưa sạch hết thì qua mười lăm phải tính làm sao? Không lẽ phải đi xúc ruột cho sạch sẽ rồi để mười lăm ăn chay. Người ta tu ở chùa người ta ăn chay trường nó khác mình học đòi làm gì, vẽ vời.”

Hai chữ cuối ông cố tình kéo dài ra như muốn cho nó ngấm vào bốn cái lỗ tai đang ngứa gan nghe ông nói nãy giờ. Bà vợ ông quát:

“Thôi ông dẹp cái giọng ông đi; ông nói nghe thấy mà ghét; ông làm được thì làm, không làm được thì im cha cho người ta tính, bực cả mình”.

Tất nhiên, nhà đó còn cãi nhau mãi về cái vụ ăn chay với sát sinh; nghe vừa buồn cười vừa thấy thật bi hài; thầm nghĩ, giá họ có thể tu được tâm tính của họ thì họ đã khỏi phải mệt mỏi vì cãi nhau suốt ngày; khỏi làm tổn thương nhau, như vậy tốt hơn biết mấy chuyện ăn chay kia.

Sợ sát sinh tạo nghiệp nên tránh né bằng nhiều cách

Sát sinh là một chuyện mà nhà Phật cho là không nên làm nhất vì nó tạo thành nghiệp lớn. Trong đời sống con người từ xưa đến nay nhiều việc giỗ quẩy tế tự thường hay giết động vật để làm lễ dâng lên tỏ lòng thành; tôi biết có người nhà nuôi gà nhưng đến ngày nhà có giỗ thì bắt gà sống ra chợ bán rồi dùng tiền ấy mua gà đã giết mổ về nấu cúng; lại có người bắt gà nhà ra chợ; trả tiền cho người giết gà chuyên nghiệp ở chợ ra tay cắt cổ giùm để tránh tội “sát sinh”.

Lại có nhiều người không chịu dùng xoong nồi chén bát chung; hễ tới ngày ăn chay thì phải dùng cái nồi riêng để nấu chay, dùng cái bát đôi đũa riêng để ăn chay…vậy nên ông con rể cụ H mới la lên rằng “ngày 14 phải đi xúc luôn cái ruột kia cho sạch sẽ để có mà 15 ăn chay”.

Người tu hành ăn chay thực chất là để tránh sát sinh

Thật ra việc ăn chay có phải là điều cốt yếu đưa người ta đến Niết Bàn; không bao giờ phải xuống Địa Ngục nữa không? Câu trả lời là hoàn toàn không. Ăn chay là vì xuất phát từ tâm không muốn tạo nghiệp sát sinh; không muốn vì miếng ngon chốc lát mà hại mạng động vật; và sau cùng là người tu hành tới một mức độ nào đấy thì họ cảm thấy ăn gì cũng như nhau; không còn “thèm”; không còn chấp trước vào bất cứ đồ ăn gì; vì còn mang xác thân người phàm nên họ vẫn có nhu cầu ăn uống; đến lúc đói đưa họ miếng thịt, họ cũng bình thản ăn nó như ăn cơm mà lòng chẳng động đậy gì.

Người tu hành ăn chay thực chất là để tránh sát sinh( Nguồn: Pixabay)

Bởi vì tâm cảnh của các vị ấy đã khác với thường nhân rồi. Họ cho rằng việc ăn chay chỉ là một mặt thôi; ngoài ra còn phải tu nhiều phương diện khác; bỏ đi biết bao nhiêu cái tâm khác nữa như: tâm đố kỵ, tâm hơn thua, tâm tham lam; tâm hư danh, tâm sắc dục,..vv… chứ không phải chỉ mỗi cái tâm ăn chay.

Vậy tránh đi việc sát sinh thì được, nhưng quá cố chấp vào việc ăn chay sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn, hay tạo nên nhiều trở ngại trong cuộc sống hằng ngày. Đến cõi Niết Bàn, đâu thể chỉ dựa vào ăn chay mà thành…

Xem thêm: