Cảm giác lạc lõng nhất trong đời có lẽ là khi không ai cần đến bạn, “cảm thấy có ích” chính là một loại cảm giác hạnh phúc.
- Hiểu thấu công thức ‘3 và 7’ để nắm được hạnh phúc trong tay
- Cội nguồn của hạnh phúc là “lòng biết ơn”
Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống
Tạp chí CommonWealth của Đài Loan từng thực hiện một cuộc khảo sát lớn về giáo dục cuộc sống từ phổ thông đến đại học. Họ phát hiện ra rằng, gần một nửa số học sinh trung học “không biết phải làm gì”; hơn một phần tư học sinh đã nghĩ đến tự tử; và nhiều học sinh nghĩ rằng “Dù làm gì cũng không cảm thấy có ý nghĩa”. Nó cho thấy những người trẻ tuổi ở Đài Loan đang lạc lối trên đường đời.
Vậy ‘ý nghĩa’ là gì? Ý nghĩa chính là phát hiện ra ‘giá trị tồn tại’ của chính mình; nghĩ rằng ai đó cần bạn, coi trọng bạn, cho rằng khả năng của bạn là cần thiết, rằng bạn có sức ảnh hưởng với người khác. Điều đáng sợ nhất chính là cảm giác tịch mịch và không ai cần đến bạn.
Khi còn trẻ, tôi từng hỏi một tiền bối rằng tại sao anh ấy lại chọn làm một bác sĩ ngoại khoa. “Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại làm việc đó”, anh ấy nói với tôi: “Tuy nhiên, khi tôi chứng kiến một bệnh nhân hấp hối được tôi cứu, đó là lúc tôi biết công việc của mình là xứng đáng”.
Mặc dù bác sĩ ngoại khoa phải chịu nhiều áp lực nhưng cũng nhận được nhiều phản hồi từ bệnh nhân. Thông qua chuyên môn của mình, bệnh nhân có thể được phục hồi sức khỏe; bác sĩ được tôn kính, đây chính là ý nghĩa.
Cảm thấy có ích là một loại cảm giác hạnh phúc
Chủ tịch của một công ty y sinh đã từng hỏi tôi: “Ban đầu vì sao anh lại muốn viết một cuốn sách”.
Tôi nói: “Cũng giống như anh, anh muốn sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn, còn tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người tốt hơn”.
Mọi người đều hy vọng mình là người ‘hữu dụng’. Trong sâu thẳm, mọi người đều muốn đóng góp cho thế giới và được người khác công nhận. Một bác sĩ lâu năm nói với tôi: “Nhiều người khuyên tôi không nên chăm sóc bệnh nhân nhiều như vậy. Nhưng kỳ thực không phải là bệnh nhân cần tôi, mà là tôi cần bệnh nhân mới đúng. Bệnh nhân yêu mến tôi, cần tôi, thì tôi sẽ cảm thấy bản thân có ích”.
Anh ấy nói rất đúng! Một trong những nhu cầu lớn nhất của con người đó là cảm thấy có ích. Khi một người không thể phát huy hết giá trị của bản thân, không thể dành được sự quan tâm của người khác, thì trong lúc không hay không biết, sẽ dần cảm thấy trống rỗng, cuối cùng là chán nản và trầm cảm. Đó là lý do tại sao Mẹ Teresa đã nói: “Điều đáng sợ nhất của nghèo đói đó là cảm giác tịch mịch và không có ai cần đến”.
Vậy nên ‘cảm giác có ích’ chính là một loại hạnh phúc. Thông qua việc cho đi, bạn sẽ trở thành một người giàu có. Bạn có thể phó xuất vì người khác, có thể để cho mọi người cảm thấy cần bạn, biết ơn bạn, đó là điều vô cùng hạnh phúc.
Giữ lòng bàn tay của bạn hướng xuống
Tôi nhớ đến một câu nói của Kinh Quốc tiên sinh: “Lòng bàn tay của bạn nên hướng xuống chứ đừng hướng lên”. Hướng xuống là cho đi, hướng lên là nhận lấy. Bất kể bạn có bao nhiêu, chỉ cần bạn có thể cho đi, thì đó chính là giàu có; chỉ cần nhận lấy thì bạn chính là nghèo khó rồi.
Chúng ta thường chỉ quan tâm đến thế giới nhỏ hẹp của riêng mình: “Việc này đối với tôi có lợi gì không?” Hoặc “Tôi có thể đắc được gì không”. Mọi thứ đều dựa trên cái được và mất của bản thân. Và cuối cùng thật khó mà tránh khỏi tính toán chi li, than phiền, buồn khổ. Thay vào đó, nếu như chúng ta nghĩ: “Tôi có thể làm gì cho người khác?” Tấm lòng tự nhiên sẽ mở rộng ra.
Mẹ Teresa cũng từng nói: “Mỗi một người đến trước mặt bạn, dù sao cũng phải làm cho anh ta trở nên tốt và vui vẻ hơn lúc rời đi. Bạn phải làm nhân chứng sống cho lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong nét mặt bạn có sự nhân từ; trong ánh mắt bạn có lòng thiện lương; trong nụ cười của bạn có lòng nhân ái”.
Mỗi ngày bạn đều tự hỏi: “Hôm nay tôi có thể làm gì cho người khác?”. Tìm được mục tiêu thì bạn sẽ cảm thấy có ích và không bị mê lạc trong cuộc sống.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: