Nguyễn Du từng nói “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”, người cậy tài khoe khoang bản thân thì sẽ rất dễ gặp tai họa.
- Cậy tài khinh người, nói lời châm chọc người khác mà lỡ đường công danh
- Có tài cũng khổ, bất tài cũng khổ, chỉ người đạo đức mới được an nhiên
Cậy tài khinh công
Trong tác phẩm “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam vào đời nhà Thanh có kể lại một câu chuyện như sau:
Ở quê nhà của Kỷ Hiểu Lam có một người tên là Đinh Nhất Sĩ. Người này thân thể cường tráng, nhanh nhẹn, lại còn luyện tập quyền thuật và khinh công. Nơi cao đến 2 hoặc 3 trượng (1 trượng = 3,33m) mà anh ta chỉ cần phi thân một cái là có thể nhảy lên trên; khoảng đất rộng mấy trượng mà anh ta chỉ nhảy một cái là qua được ngay.
Kỷ Hiểu Lam kể rằng, bản thân ông lúc còn bé cũng từng được chứng kiến công phu của người này. Lúc ấy ông đang đứng ở giữa nhà, nhìn về phía cửa trước thì thấy Đinh Nhất đang đứng ở ngoài cửa. Khi ông vừa xoay người về cửa sau thì đã lại thấy Đinh Nhất Sĩ đứng ở bên ngoài cửa sau rồi. Hơn nữa, mái nhà cao như vậy mà Đinh Nhất Sĩ chỉ cất mình một cái là có thể nhảy qua mái nhà. Điều này chứng tỏ anh ta đã thực sự luyện được công phu.
Sau này, có lần Đinh Nhất Sĩ đi qua thị trấn Đỗ Lâm thì gặp được một người bạn mời anh ta đến quán rượu bên cầu cùng uống rượu. Hai người đứng ở bờ sông, khi đã uống rượu thỏa thích thì người bạn nói với Đinh Nhất Sĩ: “Anh có thể nhảy qua bên kia sông không?” Người bạn nói còn chưa dứt lời thì Đinh Nhất Sĩ đã phi thân nhảy qua bên kia rồi.
Cậy tài khoe khoang, tự mình chuốc lấy tai họa
Vị bằng hữu kia thấy vậy liền gọi Đinh Nhất Sĩ trở về, vừa nói xong thì anh ta lại nhảy trở về rồi. Nhưng không ngờ ở chỗ vách đất dựng đứng phía bờ người bạn, ngay lúc Đinh Nhất Sĩ nhảy đi thì đã nứt ra một khe hở. Đinh Nhất Sĩ không nhìn thấy nên khi anh ta nhảy trở về, chân vừa chạm đất thì bờ sông liền sụp xuống. Thế là anh ta rơi luôn xuống sông và bị dòng nước cuốn trôi.
Khổ nỗi là khinh công của anh ta rất lợi hại nhưng lại không biết bơi. Trong lúc luống cuống, Đinh Nhất Sĩ từ trong nước nhảy lên được vài thước nhưng không thể nhảy tới bờ sông được. Nhảy lên rồi lại rớt xuống 4, 5 lần như vậy thì anh ta kiệt sức và bị chết đuối.
Kỷ Hiểu Lam vì thế mà cảm thán, đại ý rằng trong thiên hạ không có cái họa nào lớn bằng cái họa ỷ tài ỷ thế. Kẻ ỷ vào giàu sẽ chết vì kiệt quệ; kẻ ỷ vào thế sẽ chết vì thất thế; kẻ ỷ vào mưu sẽ chết vì mắc mưu; kẻ ỷ sức sẽ chết vì kiệt sức. Người ỷ tài ỷ thế thường thích khoe khoang, cả gan mạo hiểm, cuối cùng chuốc họa vào thân.
Cậy sức mạnh hơn người
Trong “Thái căn đàm” có viết: “Chim ưng đứng như đang ngủ, hổ đi như đang ốm, nhưng đó lại là thủ đoạn chúng vồ mồi, cắn xé con mồi. Cho nên người quân tử thông minh sẽ không để lộ tài năng; tài hoa không tỏ rõ thì mới có sức mạnh vô song”.
Người quá cậy vào tài năng của mình thì tai họa cũng sẽ đi liền theo đó. Chuyện kể rằng, vào thời Chiến Quốc, Tần Vũ Vương là vị quân chủ thứ 32 của nước Tần. Ông được xem là người có sức khỏe bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tần Vũ Vương từ nhỏ đã yêu thích võ nghệ, đam mê cưỡi ngựa, đánh trận. Càng lớn thì cơ thể lại càng cường tráng, sức khỏe hơn người; nghe nói ông có thể dùng một tay nâng vật nặng 100 cân (50kg) lên xuống 50 lần mà mặt không đổi sắc.
Thi nâng đỉnh
Cũng vì cậy khỏe mà có một lần Tần Vũ Vương đã thách đấu với lực sĩ của mình là Mạnh Thuyết; thi xem ai có thể nâng đỉnh cao hơn. Mạnh Thuyết thi trước nhưng không thể nhấc hết cả 3 chân đỉnh lên.
Đến lượt Tần Vũ Vương thì ông đã nâng được chiếc đỉnh lên cao khoảng 2 gang tay so với mặt đất. Nhưng vì quá sức nên ông mệt tới mức hai mắt chảy máu, xương cốt, kinh lạc đứt gãy, đến tối thì tắt thở mà chết. Năm đó ông chỉ mới 23 tuổi, là độ tuổi sung sức nhất; tài năng mới nở rộ thì đã vụt tắt.
Người cậy tài khoe khoang thì rồi cũng sẽ gặp tai họa. Người càng tài giỏi lại càng phải khiêm tốn nhún nhường, đó mới là cách hành xử của bậc trí huệ.
Tổng hợp