Có người biểu hiện ra là rất tốt nhưng không hiểu sao lại luôn gặp thất bại, cuộc sống vô cùng khó khăn, phải chăng đạo trời không công bằng?
- Nhân quả tuần hoàn: Cứu người cũng là cứu chính mình
- Mọi cuộc gặp gỡ đều là nhân quả: Câu chuyện xác chuột và cây du sống sót
Kỷ Hiểu Lam là một học giả lớn thời nhà Thanh, ông đã ghi lại nhiều điều kỳ lạ mà chính ông tai nghe mắt thấy trong cuốn sách “Duyệt Vi thảo đường bút ký”. Ông cũng trình bày chi tiết một số ví dụ về luân hồi để cảnh tỉnh người đời sau, chứng minh luật nhân quả báo ứng là tuyệt đối không sai. Kỳ thực, mọi việc con người làm và mọi suy nghĩ của con người đều dưới sự giám sát của Thần linh, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về từng lời nói và việc làm của mình.
Cuộc sống cơ hàn đều có lý do đằng sau
Ở phủ Hà Gian có một người đàn ông tên là Phùng Thụ Nam, anh viết văn rất hay và rất thông minh. Tuy nhiên, anh sống ở kinh thành hơn 10 năm mà vẫn không đạt được thành công gì. Cũng có vài lần gặp được cơ duyên, nhưng cuối cùng anh đều thất bại. Cuộc sống vô cùng nghèo khó, tâm lý áp lực, chán nản.
Một ngày nọ, anh đến chùa cầu khẩn Thần linh cho biết tại sao mình lại có số phận như vậy. Đêm đó, anh nằm mơ thấy có người nói với anh: “Ngươi không nên oán hận những thống khổ ở thế gian và hoàn cảnh cá nhân của mình. Thực ra vận mệnh của ngươi ở kiếp này đều là do chính ngươi gây ra, vậy thì oán hận có ích gì? Ở kiếp trước ngươi thích dùng lời lẽ đạo đức giả để có được thanh danh là bậc trưởng lão trung hậu. Khi gặp việc gì khó khăn, ngươi biết rằng không thể làm được, nhưng vẫn cố gắng hết sức để xúi giục người khác làm điều đó, để người khác cảm ơn vì sự khẳng định của ngươi.
Khi có người xấu phạm pháp, ngươi biết rằng tội ác của anh ta là không thể tha thứ, nhưng ngươi hết lần này đến lần khác bênh vực anh ta để bản thân được sự biết ơn. Những gì ngươi làm là ra vẻ hành động như một người tốt và đổ sự oán giận của mình cho người khác. Sự xảo quyệt và gian trá của ngươi quá nhiều! Hơn nữa, khi làm những việc này, ngươi đã bàng quan không quan tâm, dù tốt hay xấu thì người khác sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nhưng hễ là động chạm đến một chút lợi ích của ngươi thì liền trốn tránh, lo sợ. Chỉ cần một chút nỗ lực thì ngươi có thể cứu giúp người khác ra khỏi tai họa và khó khăn, nhưng ngươi lại vì sợ phiền toái mà khoanh tay đứng nhìn. Từ đây có thể nhìn ra, nếu người khác có vẻ như thân thiết với ngươi, nhưng thực ra lại xa cách, có vẻ như quan tâm đến ngươi, nhưng thực ra lại thờ ơ, thì đó là điều đương nhiên.
Nếu một người vô tình làm điều gì sai, người đó có thể bù đắp bằng những việc làm tốt khác. Nhưng nếu tâm địa của một người trở nên xấu xa thì thiên lý, luật lệ sẽ không dung tha. Ngươi hãy tự mình nghĩ xem, đời này có phải số phận của ngươi nên như vậy không?”
Phùng Thụ Nam sau khi nghe điều này đã vô cùng hối hận, không lâu sau đó thì chết vì bệnh tật.
Không công mà hưởng lộc thì tài lộc sẽ sớm cạn kiệt
Ở huyện Ngân có một thư sinh rất có tài viết văn, nhưng anh liên tục gặp phải thất bại và không đạt được công danh gì. Sau này, vị thư sinh này lâm bệnh nặng, trong lúc bị bệnh mê mang, anh nằm mơ thấy mình đến chỗ quan nha. Dựa vào tình hình, anh cảm thấy đây có thể là âm phủ.
Lúc này, một người đàn ông mặc quan phục từ phía đối diện đi tới, chàng thư sinh thấy ông ấy là người quen cũ liền vội vàng hỏi liệu anh có chết sớm vì bệnh tật không. Vị quan này nói: “Thọ mệnh của ngươi vẫn chưa kết thúc, nhưng lộc số của ngươi đã tận. Chỉ e không lâu nữa ngươi sẽ đến đây.” Chàng thư sinh nói: “Cả đời tôi kiếm sống bằng cách mở trường dạy học, hơn nữa tôi cũng chưa bao giờ làm điều gì thương thiên hại lý, tại sao lại hết lộc số trước?”
Vị quan thở dài nói: “Chính bởi vì ngươi làm việc dạy học, nhưng lại bỏ mặc không quan tâm đến đạo đức của bọn trẻ. Âm phủ cho rằng, không công mà hưởng lộc thì chẳng khác nào trộm cắp hoặc lãng phí lương thực, nên phải khấu trừ bổng lộc tương xứng để bồi thường. Vì vậy, thọ mệnh của ngươi chưa hết mà lộc số thì đã hết trước rồi. Giữa quân, thân, thầy thì làm thầy được vinh hiển cao quý, cho nên, cần phải truyền thụ đạo đức, học thức, hướng dẫn người ta làm người tốt. Ngươi thu học phí của người khác, nhưng lại dạy hư học trò, dẫn người ta đi sang con đường lệch lạc, lẽ ra ngươi đáng bị khiển trách nghiêm khắc nhất.
Ngươi có quan lộc thì phải cắt giảm quan lộc. Nếu không có quan lộc, thì phải tiêu giảm thực lộc. Mọi chi tiết đều được tính toán rõ ràng. Người đời thường phàn nàn về sự bất công của ông trời khi thấy một số học giả hoặc các bậc thầy Nho gia, có những người sống trong cảnh nghèo khó và có những người chết trẻ. Nhưng làm sao họ có thể biết rằng, những người này lâm vào hoàn cảnh này là do lỗi lầm của chính họ trong cuộc đời?”
Từ 2 câu chuyện này có thể thấy rằng, Thần linh có thể nhìn thấy vô cùng rõ ràng ngay cả những ý niệm bất chính nhỏ bé nhất ẩn sâu trong lòng của một người.
Người xưa có câu: “Trên đầu ba thước có thần linh”. Quy luật nhân quả báo ứng dù bạn có tin hay không thì nó đều tồn tại một cách khách quan, đều có tác động đến bạn. Vì vậy, tuân theo đạo trời và làm nhiều việc thiện mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, như vậy, con người mới có thể có được vận may và tương lai tốt đẹp.
Theo Vision Times