Người xưa có câu: “Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, đi có tướng đi”, cử chỉ và dáng vẻ hợp lễ sẽ thể hiện ra là người có tu dưỡng; phong thái nho nhã, đúng mực sẽ cho thấy là người có văn hóa.
- Nhân tướng học: Tướng anh hùng và tướng ác nhân
- Tướng tùy tâm sinh: Muốn có tướng mạo thoát tục, phải có nội tâm phi phàm
Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi, đi có tướng đi
Cổ nhân có câu “Lễ tiết dân tâm”, nghĩa là có thể dùng Lễ để ước thúc lòng dân. Con người có cảm xúc và tình cảm, nhưng không thể vì có tình cảm mà hành vi vô độ. Lễ có thể khởi tác dụng ước chế hành vi và tâm của con người.
Một người dù có địa vị thấp kém, nhưng nếu hiểu biết lễ nghi thì cũng có chỗ đáng được người khác kính trọng. Một người có địa vị cao nhưng không hiểu phép tắc thì cũng khó được người khác tôn kính.
Người giàu sang phú quý lại càng phải coi trọng lễ nghĩa để tránh sinh tâm kiêu ngạo, phóng túng bản thân. Người nghèo khó biết giữ lễ nghĩa thì có thể khiến tâm trí sáng suốt, không dễ thối chí chán nản.
Người xưa coi trọng lễ nghĩa, không chỉ quan tâm đến cách ăn nói mà còn để ý đến tướng đi, tướng đứng và tướng ngồi. Từng cử động nhỏ nhưng lại ẩn chứa nội hàm tu dưỡng thâm sâu.
Đứng có tướng đứng: Đứng ngay thẳng
Tư thế đứng đúng là cần phải “đứng ngay thẳng”, tức là đứng thẳng, ngay ngắn, vững vàng, tự nhiên. Cụ thể là thân trên ngay thẳng, đầu thẳng, mắt nhìn thẳng, nét mặt mỉm cười nhẹ nhàng, cằm hơi thu, vai ngang cân đối, ngực thẳng hơi ưỡn, lưng thẳng, bụng thu lại.
Trọng tâm của thân thể rơi vào chính giữa hai chân. Về tổng thể thì hình dáng cao thẳng, tinh thần sung mãn. Cần tránh tư thể ủ dột hay quá thoải mái, hai chân dạng ra quá rộng hay cử động tùy tiện.
Nếu đứng quá lâu thì có thể lần lượt thay nhau bước lui một chân trái phải, nhưng thân trên vẫn phải giữ thẳng. Chân duỗi ra không được quá xa, hai chân cũng không được dạng ra quá lớn, cũng không nên thay đổi chân quá liên tục. Cần tránh “đứng nghiêng lệch”, tức là tư thế đứng mệt mỏi vô lực, dồn trọng tâm vào một chân.
Ngồi có tướng ngồi: Ngồi ngay ngắn
Tướng ngồi đúng là phải “ngồi ngay ngắn”. Thông thường là thân trên thẳng đứng, đầu ngay ngắn, mắt nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn người đang nói chuyện cùng mình, lưng hơi tựa ghế.
Trong trường hợp trang trọng hoặc có người bề trên đang ngồi thì không được ngồi đầy hết ghế, thường chỉ ngồi 2 phần 3 ghế mà thôi. Hai lòng bàn tay hướng xuống dưới, đặt lên đùi, hai chân gập tự nhiên, ống chân vuông góc với nền nhà, hai bàn chân đặt ngang bằng trên mặt nền nhà.
Về khoảng cách giữa hai đầu gối, nam giới có thể cách một đến hai nắm tay là thích hợp; nữ giới thì không có khoảng cách mới đẹp. Trong trường hợp không trang trọng thì sau khi ngồi yên định rồi thì có thể bắt chéo chân hoặc nghiêng chân. Khi ngồi bắt chéo chân thì phải chú ý để phần đầu gối chồng lên nhau. Ngồi một lúc lâu mà thấy mỏi thì có thể thay đổi tư thế chân.
Trước mặt người bề trên lại phải chú ý: “Bề trên đứng thì bề dưới đừng ngồi, bề trên ngồi thì bề dưới hãy ngồi”. Tuân thủ nguyên tắc có trước có sau, trật tự trên dưới rõ ràng thì mới thể hiện là người hiểu lễ nghĩa. Tư thế ngồi ngay ngắn nhưng cũng phải thoải mái tự nhiên, như vậy mới thể hiện ra vẻ đẹp nho nhã ôn nhu.
Đi có tướng đi: Đi thong thả
Khi đi thì phải thong thả, tức là không vội vàng, cũng không lề mề, phong thái từ tốn an nhiên. Khi đi thì thân trên thẳng, hai mắt nhìn về phía trước. Hai chân bước có tiết tấu, nhịp bước đều đặn, và gần như là đi trên một đường thẳng.
Tướng đi cũng tùy thời mà khác nhau. Khi gặp người bề trên thì phải bước nhanh, tức là bước nhanh về phía trước; điều này là thể hiện sự tôn trọng đối với họ. Khi cáo từ người bề trên thì phải lùi chậm; biểu thị sự lưu luyến và kính trọng đối với họ.
Người xưa giảng “quân tử thận độc”, nghĩa là người quân tử cần phải thận trọng ngay cả khi chỉ có một mình. Vì vậy khi bước vào phòng không có người cũng phải giống như là bước vào phòng có người; không được đi lại và dòm ngó tứ tung.
Tướng đi, tướng đứng, tướng ngồi là những lễ nghĩa cơ bản mà một người phải học ngay từ nhỏ. Người xưa nói “Không học Lễ, không lấy gì để tạo lập chỗ đứng trong xã hội được”. Người ngày nay dễ dàng tiếp xúc với nhiều tri thức khác nhau, nhưng những lễ nghĩa cơ bản lại không được dạy dỗ một cách cẩn thận; cứ mai một dần rồi người thế hệ sau cũng không biết hành xử như thế nào cho đúng phép tắc nữa.
Theo DKN