Tướng tùy tâm sinh: Muốn có tướng mạo thoát tục, phải có nội tâm phi phàm
Người xưa vẫn luôn tin rằng “tướng tùy tâm sinh”, nghĩa là biểu hiện bên ngoài của một người thay đổi đẹp hay xấu là tùy vào cái tâm của người ta thiện hay ác. Vậy nên một người có vẻ ngoài thoát tục thì nhất định nội tâm cũng phải phi phàm.
- Tâm sinh tướng, làm thế nào để có ngoại hình đẹp và vận mệnh tốt?
- Nhân tướng học: Tướng anh hùng và tướng ác nhân
Nội dung chính
Tướng tùy tâm sinh
Có câu ngạn ngữ: “Hữu tâm vô tướng, tướng tùy tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, nghĩa là có tâm mà không có tướng thì tướng sẽ do tâm mà sinh ra; có tướng mà không có tâm thì tướng sẽ bị tâm tiêu diệt. Tướng mạo của một người sẽ thay đổi tùy thuộc vào suy nghĩ thiện ác và hành động tốt xấu của người đó.
Cố tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng phỏng vấn một nhân viên ứng tuyển vào nhà Trắng. Trợ lý của ông cho rằng ứng viên này rất có năng lực, nhưng Lincoln lại không chấp nhận. Người trợ lý ngạc nhiên hỏi: “Ngài thấy anh ta không tốt sao?”. Lincoln đáp: “Không phải, mà vì tôi không thích ngoại hình của anh ta”.
Người trợ lý tò mò hỏi tiếp: “Vẻ ngoài không ưa nhìn chẳng lẽ cũng là lỗi của anh ta sao?”. Lincoln nói: “Ngoại hình của một người trước 40 tuổi là do cha mẹ quyết định; nhưng ngoại hình sau 40 tuổi là bản thân anh ta quyết định”.
Thật vậy, ngoại hình mà cha mẹ ban cho thì không có cách nào thay đổi, nhưng nhân cách và những trải nghiệm cuộc sống sẽ để lại dấu ấn trên khuôn mặt, lời nói và hành vi của mỗi người. Tướng mạo của một người trong nửa cuộc đời còn lại là do tâm của người đó quyết định.
Khắc hình ma quỷ, tướng mạo hung ác
Tương truyền, ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, có một người thợ điêu khắc rất giỏi; đặc biệt có sở trường khắc họa hình yêu ma quỷ quái. Các tác phẩm của anh rất sống động nên được rất nhiều người tán dương. Nhờ vậy mà công việc làm ăn của anh rất phát đạt và kiếm được rất nhiều tiền.
Có một ngày, người thợ điêu khắc tình cờ nhìn vào gương và phát hiện khuôn mặt của mình không biết từ lúc nào lại trở nên hung ác và xấu xí. Anh rất buồn phiền về việc này nhưng cũng không hiểu nguyên nhân là do đâu.
Một ngày nọ, anh đến chùa và kể nỗi khổ tâm của mình với vị hòa thượng trụ trì. Vị hòa thượng nói: “Bần tăng có thể giúp thí chủ; nhưng trước hết thí chủ cần phải làm cho chùa các pho tượng Quan Âm với đủ mọi thần thái khác nhau”. Người thợ điêu khắc vui vẻ đồng ý; anh chỉ muốn làm sao có thể thay đổi được tướng mạo xấu xí của mình lúc này.
Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển
Để có thể khắc họa được hình tượng Bồ Tát một cách đẹp nhất, anh phải không ngừng nghiên cứu về tâm thái và thần khí của Quan Âm Bồ Tát; suy nghĩ về biểu cảm của Quan Âm. Thậm chí có những lúc anh gần như quên đi chính mình, cảm thấy mình cứ như là Quan Thế Âm vậy.
Hai năm sau, những bức tượng Quan Âm với các thần thái khác nhau đã hoàn thành và được đặt trang trọng trong khuôn viên nhà chùa. Người xem không khỏi tán dương ca ngợi, ai nhìn vào cũng có thể khởi lên thiện niệm; những bức tượng thực sự như là có thần khí.
Lúc này, người thợ điêu khắc mới đến tìm vị trụ trì; những mong được ông chỉ cho bí quyết giúp thay đổi tướng mạo. Vị hòa thượng cười và đưa cho anh một chiếc gương; anh nhìn vào thì kinh ngạc, cứ ngỡ là một người nào khác. Khuôn mặt anh lúc này có nét từ bi, hòa nhã, phong thái trang nghiêm, đĩnh đạc đường hoàng.
Hình tướng bên ngoài là tấm gương phản chiếu nội tâm
Tướng tùy tâm sinh, tướng là tấm gương phản chiếu của nội tâm. Tâm như thế nào thì ngoại hình sẽ thế ấy. Vậy nên mới nói: Tướng là kết quả của tâm, còn tâm là nguyên nhân của tướng.
Đại thi hào Tô Thức từng nói: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa”, nghĩa là trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa. Cho dù thân khoác áo vải thô sơ mà trong tâm chứa đầy thơ ca bác học thì tướng mạo bên ngoài cũng tự nhiên mà quý phái cao sang.
Trong “Tứ khố toàn thư” có chép: “Đừng nhìn tướng mạo mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta; đừng nghe thanh âm mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người; đừng quan sát hành vi mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta”. Ở đây cũng là nhấn mạnh cái tâm quyết định cái tướng của con người.
Như câu chuyện về cố tổng thống Lincoln ở trên, không phải là ông chấp vào bề ngoài, mà từ bề ngoài ông đã có thể nhìn sâu vào được nội tâm của người đó.
Theo Vạn Điều Hay