Kiến thức càng ít lại càng kiêu ngạo. Hiểu biết nhiều rồi, tâm tình rộng mở, lại càng cảm thấy phải khiêm tốn và tôn trọng người khác.
Chú gà trống kiêu ngạo
Có một chú gà trống to lớn thường cất tiếng gáy mỗi ngày, chú rất tự cao về tiếng gáy của mình. Một hôm khi đang nghênh ngang đi dạo thì gà trống gặp một chú vịt con. Gà trống giọng đầy tự hào mà hỏi chú vịt:
– Này vịt con, hãy nói cho ta biết ai có được chất giọng hay hơn ta? Ngoài ta ra thì khó mà tìm được ai có tiếng gáy hay như thế.
Vịt con nhìn gà trống rồi đáp:
– Ông suốt ngày quanh quẩn bên chuồng của mình, chưa bao giờ đi ra ngoài để ngắm nhìn thế giới. Những chú ngỗng trời sẽ đi du ngoạn vào ngày mai. Sao ông không thử đi cùng họ xem sao?
– Nhưng ta không biết bay thì biết làm sao đây?
– Không sao cả, ông có thể cưỡi trên lưng họ mà.
“Xem kìa! Có một con ngỗng trời đang cõng một con gà trống trên lưng của nó! Thật là thú vị!” Mọi người thích thú khi thấy chú gà trống đồng hành cùng với đàn ngỗng.
Thiên nga hát vang trong hồ nước
Chúng cứ bay mãi cho đến khi tới một cái hồ nước lớn. Đàn ngỗng đáp xuống hồ và bắt đầu kiếm ăn. Gà trống nhân lúc không có gì làm liền cất tiếng lên gáy. Nghe thấy tiếng gáy của gà trống, một con thiên nga trong hồ cũng cất tiếng hát. Đây là lần đầu tiên gà trống nghe thấy tiếng hát của thiên nga, chú còn cứ ngỡ đó là từ những con chim trên cây.
“Tôi ở đây”, thiên nga nhỏ lên tiếng. Lúc này gà trống mới để ý có một con thiên nga nhỏ đang nhìn nó từ cách đó không xa. Gà trống hỏi: “Anh là ai? Có phải anh vừa cất tiếng hát không?”
“Tất nhiên rồi!” thiên nga đáp: “Hãy để tôi và những người bạn hát tặng anh một bài nhé!” Thế là đàn thiên nga cùng nhau hát. Tiếng hát du dương hòa theo làn gió; hay đến nỗi những con ve sầu cũng ríu rít phụ họa theo.
Thanh âm của vạn vật cũng thật là hùng vĩ
Khi đàn ngỗng trời ăn xong thì lại tiếp tục lên đường. Chúng bay mãi cho đến khi tới một khu rừng rộng lớn. Lúc này gà trống lại choáng ngợp trước tiếng hót của muôn vàn loài chim trong rừng – những âm thanh mà nó chưa từng được nghe trước đây.
Bỗng chú gà lại nghe thấy tiếng róc rách vui tai. Chú tò mò tìm đến nơi phát ra âm thanh, thì ra đó tiếng suối reo và thác đổ. Tiếng suối reo chầm chậm rõ ràng khiến tâm hồn thanh tịnh; thác nước đổ xuống vang dội khắp khu rừng, thật là hùng vĩ. Hòa cùng tiếng nước chảy là tiếng gió lao xao xuyên qua từng cành lá.
Gà trống chưa bao giờ chìm ngập trong một không gian say mê như thế này, chú cứ muốn đứng nghe mãi mà không muốn rời bước chân; đàn ngỗng phải thúc giục chú tiếp tục lên đường.
Lúc này đàn ngỗng lại bay đến một bờ biển, gà trống bị choáng ngợp bởi âm thành dạt dào của muôn trùng con sóng từ đại dương. Rồi nó nhìn thấy hải âu bay lượn tự do gọi nhau vang cả bầu trời. Đàn ngỗng trời cũng vui vẻ hòa ca cùng hải âu. Gà trống nhận ra giọng hát của những chú ngỗng trời này cũng thật hay.
Một chuyến đi này đã đủ để chú gà trống nhận ra mình rất nhỏ bé và bình thường trong thế giới rộng lớn này. Từ đó chú bỏ hẳn tính kiêu ngạo, tự cao tự đại của mình.
Khiêm tốn không kiêu ngạo, đó là cách hành xử trí tuệ
Danh họa Leonardo da Vinci từng nói: “Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo; kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Vậy nên những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà vươn thẳng lên trời; còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất”.
Triết gia Vương Dương Minh cho rằng: “Ngàn tội trăm ác, đều từ kiêu ngạo mà ra”. Con người phải cứng cỏi để đứng vững trước sóng gió cuộc đời, nhưng nhất định không được kiêu căng.
Người không biết giấu đi tài năng của mình, đó chính là ngạo mạn; người không ý thức được chính mình ỷ vào tài năng mà trở nên kiêu căng, đó lại là ngu xuẩn. Tự thổi phồng bản thân thì đạo đức sẽ ngày càng đi xuống.
Có tài mà không kiêu, chính là phẩm chất; không có tài nhưng biết nỗ lực, đó chính là có đức; và khi bạn đặt mình ở vị trí thấp nhất, tuy rằng phúc chưa đến nhưng họa đã rời xa.
Có một người nổi tiếng từng nói rằng: “Tôi cho rằng người khác tôn trọng tôi là vì tôi giỏi. Dần dần tôi mới hiểu, người khác tôn trọng tôi là vì họ rất giỏi; vì người càng giỏi càng hiểu được việc tôn trọng người khác”.
Quả vậy, người khiêm tốn mới có thể rộng lượng bao dung người khác; người kiêu ngạo thì cơ bản là không xem người khác ra gì.
Tổng hợp