Những thói quen tốt sẽ giúp trẻ có được “lợi tức” mà hưởng cả đời không hết, còn những thói quen xấu sẽ khiến trẻ không thể hoàn trả hết “khoản nợ” trong cả đời… Do vậy, các bậc phụ huynh cần giúp trẻ hình thành những thói quen tốt.
- Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận
- Sức mạnh của thói quen: Thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn
Một nhà văn từng nói: “Không có con đường tắt dẫn đến thành công, nhưng bạn cần có những thói quen tốt”. Quả thực, nếu bạn phân tích và tìm hiểu những số phận khác nhau của con người, cố gắng tìm ra những quy luật nào đó; vậy thì thói quen tốt và lòng dũng cảm để nắm bắt cơ hội sẽ quan trọng hơn tài năng thiên phú.
Lúc còn nhỏ là thời gian tốt nhất để hình thành những thói quen tốt. Lúc này đứa trẻ giống như một tờ giấy trắng, nếu có thể hình thành những thói quen tốt dưới sự hướng dẫn của cha mẹ thì chúng ta có thể từ từ vẽ ra những bức tranh tuyệt đẹp trên tờ giấy trắng này.
Thói quen 1: Có kế hoạch khi làm việc
Những người làm việc có kế hoạch sẽ chiếm được lòng tin của mọi người, chứ không phải là kiểu người đợi nước đến chân mới nhảy. Một số đứa trẻ luôn gặp rắc rối trước mỗi kỳ thi, bởi vì lúc bình thường học hành nửa vời, khi làm bài tập thì qua loa chiếu lệ; mỗi ngày đi học vội vội vàng vàng thường không tìm được quần áo, sách vở khi thức dậy vào buổi sáng…
Khi trẻ có thói quen xấu ở phương diện này, các bậc cha mẹ phải dạy trẻ hiểu tầm quan trọng của việc lập kế hoạch. Cha mẹ cũng có thể để con sắp xếp lịch trình cho ngày hôm sau trước khi đi ngủ và để chúng chép nó vào giấy dán lên chỗ học tập để dễ thực hiện. Nếu phát triển thói quen tốt này, con bạn chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ nó trong suốt cuộc đời!
Thói quen 2: Hiểu đạo lý và đối xử tử tế với người khác
Mọi người đều thích gặp gỡ và nói chuyện với những người luôn tươi cười và gần gũi. Khi một người có thể đối xử chân thành, thân thiện, khoan dung độ lượng với người khác thì họ đi đến bất cứ nơi đâu cũng sẽ được mọi người yêu mến.
Cha mẹ nên dạy con biết những phép lịch sự căn bản, ví như nói “xin chào”, “cảm ơn”, “xin lỗi” trong cuộc sống hàng ngày; khi nhờ người khác giúp đỡ có thể nói “Bạn có thể giúp đỡ mình một chút được không?” Và quan tâm đến người khác nhiều hơn… Theo thời gian, trẻ không chỉ trở thành một người lễ phép, mà còn dưỡng thành thói quen biết nghĩ cho người khác trước. Những điều này sẽ trở thành vốn liếng cả đời cho đứa trẻ.
Thói quen 3: Những việc của mình thì mình phải tự giải quyết
Nhiều bậc cha mẹ sợ giao việc cho con thì con trẻ sẽ làm hỏng hết. Nhưng mọi người lần đầu tiên làm việc gì đó thì ai mà không có sơ xuất? Hãy cho con nhiều cơ hội để thử sức, dần dần, bạn sẽ thấy khả năng của con vượt xa sức tưởng tượng của bạn! Hãy để con bạn phát triển thói quen tốt “tự làm việc của mình”. Điều cha mẹ cần làm là buông tay cho đến khi con cái học được cách tự chăm sóc bản thân.
Đặc biệt là sau khi trẻ vào tiểu học, bạn không cần phải lo những việc như thức dậy, gấp chăn, dọn phòng, chuẩn bị cặp sách… cho trẻ nữa. Cha mẹ có thể tổ chức “buổi lễ nhỏ” cho con để kỷ niệm sự trưởng thành của con, sau đó nhắc nhở con: “Khi vào tiểu học, con đã là người lớn rồi, sau này con sẽ tự làm việc của bản thân mình. Cha mẹ tin tưởng con có thể làm tốt điều đó”.
Thói quen 4: Không lấy đồ của người khác
Giúp trẻ hình thành ý thức về quyền sở hữu và phân biệt ranh giới giữa đồ của mình và người khác. Hãy nói với con rằng: “Con có thể quản lý đồ của mình, nhưng không được lấy đồ của người khác. Muốn lấy đồ của người khác thì phải được sự cho phép của họ, không được lén lút lấy đi, cũng không được chiếm đoạt một cách công khai”.
Một số trẻ sẽ lén lút dùng tiền của người lớn để mua đồ, khi nhìn thấy đồ chơi của các bạn học khác cũng “tiện tay” mang về nhà. Nguyên nhân là do trẻ chưa nhận thức được về quyền sở hữu, cha mẹ cần giúp con chịu trách nhiệm.
Khi trẻ thích lấy đồ của người khác, đừng dễ dàng coi trẻ là kẻ trộm, trước tiên hãy giúp trẻ phân biệt rõ ràng: Đồ vật có đồ riêng và đồ chung. Đồ riêng thì không nên tùy tiện đụng vào, đồ chung thì sau khi sử dụng phải để lại chỗ cũ, ai lấy trước thì dùng trước, người đến sau phải học cách chờ đợi.
Thói quen 5: Tôn trọng thời gian
Việc sắp xếp cuộc sống hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi điều độ có thể nâng cao ý thức trật tự của trẻ, hình thành ý thức về thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng để trẻ học được cách đúng giờ không phải là điều dễ dàng. Trong khi làm gương, cha mẹ có thể cố gắng trao quyền chủ động cho con mình: “10 phút nữa hãy tắt TV và làm bài tập về nhà”, “20 phút nữa con phải thức dậy”. Dần dần, trẻ sẽ không còn kiếm cớ để lười biếng nữa.
Thói quen 6: Giữ lòng khiêm tốn
Học cách phát hiện ra ưu điểm của người khác và học hỏi từ họ. Hãy nói với con rằng: “Mỗi người đều có những điểm sáng của riêng mình. Chúng ta cũng nên nghĩ đến những điểm sáng của người khác, liệu chúng ta có làm được như vậy không?” Lúc này, việc duy trì lòng khiêm tốn là điều vô cùng cần thiết.
Thói quen 7: Suy ngẫm về lỗi lầm của mình
Việc trẻ mắc sai lầm trong cuộc sống và trong học tập là điều bình thường, làm thế nào để lần sau không lặp lại lỗi lầm như vậy đòi hỏi trẻ phải nhìn nhận lỗi lầm của mình và sửa chữa một cách triệt để.
Khi trẻ làm sai, cha mẹ đừng chỉ trách móc mà hãy hỏi trẻ: “Con có biết mình đã làm sai điều gì không?”. Sau khi trẻ trả lời, hãy nghiêm túc thỏa thuận với trẻ: “Vậy chúng ta hãy ghi nhớ bài học này và đừng phạm phải lỗi lầm này nữa nhé”.
Trong việc học cũng vậy, những đứa trẻ biết suy ngẫm lại có thể kịp thời đúc kết kinh nghiệm, kiểm tra những thiếu sót và bù đắp lại những chỗ hổng, giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc sai lầm lần nữa. Về lâu dài, điều này có thể “khắc phục” những lỗ hổng kiến thức và tạo nền tảng vững chắc cho trẻ trong tương lai.
“Để lại cho con núi vàng cũng không bằng giúp con có những thói quen tốt”. Trong những năm đầu đời của trẻ, việc để trẻ phát triển một số thói quen tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành và thậm chí cả cuộc đời của trẻ.
Nói chung, phải mất 21 ngày để hình thành thói quen. Cũng như câu nói “Băng dày 3 thước đâu phải bởi giá lạnh 1 ngày“. Tương tự như vậy, những thói quen này cũng có thể áp dụng cho người lớn chúng ta. Trong khi hướng dẫn và giúp đỡ con cái, các bậc cha mẹ cũng có thể dưỡng thành những thói quen tốt cho bản thân mình.
Theo Sound of hope