Con người đều cho rằng hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng của đời người. Vậy theo nhà triết học Aristotle thì như thế nào là hạnh phúc thực sự?
Sự khác biệt giữa mục đích và phương tiện
Truy tìm hạnh phúc là đề tài muôn thuở của con người, người ta cho rằng hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng trong cuộc đời của mình. Thực ra, mục đích cuối cùng của việc mưu cầu danh lợi của con người cũng là để có được hạnh phúc. Nhà triết học nổi tiếng Aristotle đã chỉ dẫn mọi người cách đạt được hạnh phúc, đó chính là thông qua sự hoàn thiện về đạo đức.
Trước hết, nên phân biệt được giữa giá trị bên ngoài và giá trị bên trong, tức là nên phân biệt giữa phương tiện và mục đích. Ví dụ, học tập có thể là một phương tiện, tức là thông qua học tập, một người có thể được nhận vào một ngôi trường tốt. Sau khi tốt nghiệp từ ngôi trường tốt này, người đó sẽ có một công việc tốt và thu nhập tốt, trong tương lai sẽ có một cuộc sống ổn định. Nhưng đối với một số người, việc học tập bản thân nó đã là mục đích. Nghĩa là học tập đã trở thành mục đích của họ, họ dành cả đời cho việc học, bởi học tập mang lại cho họ hạnh phúc.
Một ví dụ khác, nếu một người tập thể dục để trở nên khỏe mạnh, thì tập thể dục chính là phương tiện và phương pháp để có được sức khỏe. Khi có sức khỏe người đó có thể làm những việc mình yêu thích, hoặc bản thân việc tập thể dục có thể khiến người đó cảm thấy hạnh phúc. Trong trường hợp này, tập thể dục vừa là phương tiện vừa là mục đích của họ. Nhưng một số người chỉ thích tập thể dục, vì vậy tập thể dục chỉ là mục đích của người ấy.
Đối với những người khác nhau sẽ có sự khác biệt về giá trị bên trong và giá trị bên ngoài. Ví dụ, khi bạn nghĩ rằng học tập chỉ là phương tiện để kiếm được một công việc tốt thì việc học có giá trị bên ngoài đối với bạn. Nhưng những người khác lại coi học tập là mục đích thì việc học có giá trị bên trong đối với họ.
Hạnh phúc là gì?
Về hạnh phúc, Aristotle cho rằng hạnh phúc chỉ có giá trị bên trong đối với mọi người, chứ không phải giá trị bên ngoài. Nghĩa là mọi người đều coi hạnh phúc là mục đích cuối cùng hơn là phương tiện. Bởi vì, không ai nói rằng mình thông qua hạnh phúc để có được tiền tài, danh vọng hay tình yêu mà là điều ngược lại. Cho nên, hạnh phúc chỉ có thể là mục đích chứ không thể là phương tiện. Vì vậy, mọi người đang tìm kiếm hạnh phúc, mọi người đều muốn đạt được nó và mọi người cũng đang phấn đấu vì nó.
Nhiều người coi danh vọng là mục tiêu cuối cùng trong cuộc sống. Nhưng theo giải thích của Aristotle, danh vọng không phải là hạnh phúc, bởi vì danh vọng chỉ có được khi dựa vào sự chấp thuận của người khác. Nói cách khác, để lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm, được người đời sau ca ngợi thì không thể tách rời sự giúp đỡ của người khác. Vậy làm thế nào để hạnh phúc của chúng ta không phụ thuộc vào người khác?
Ông nói hạnh phúc không phải sinh ra đã có sẵn, mà cần phải dựa vào nỗ lực hoàn thiện của con người. Không phân biệt giàu nghèo, địa vị cao thấp, chỉ cần con người dụng tâm suy xét trong cuộc sống hàng ngày và nỗ lực đạt đến sự hoàn thiện về mặt đạo đức thì đều có thể mang lại hạnh phúc cho con người.
Bởi vì đức hạnh, như Gracian đã nói, “Nếu có thể tập hợp tất cả những điều thiện cùng với nhau thì đức hạnh là trung tâm của hạnh phúc. Đức hạnh khiến bạn thận trọng, sáng suốt, hiểu rõ, trí tuệ, dũng cảm, thành thật, đáng kính, chân thật. Nói tóm lại, nó khiến bạn trở thành một con người hoàn hảo. Đức hạnh và trí tuệ là chìa khóa của hạnh phúc. Không có gì đáng yêu hơn đức hạnh, cũng không có gì đáng ghét hơn tội ác. Chỉ có đức hạnh là thật sự tồn tại, tất cả những thứ còn lại đều là hư giả. Đức hạnh quyết định sự tài hoa và vĩ đại, chứ không phải là may mắn. Chỉ có đức hạnh mới làm cho chúng ta thỏa mãn, khiến chúng ta trân trọng sinh mệnh và tưởng nhớ người xưa. Sự hoàn mỹ lớn nhất của vạn vật trên thế gian này chính là không ngừng hoàn thiện về mặt đạo đức của con người”.
Theo quan điểm của Aristotle, những nỗ lực để đạt được sự hoàn thiện về mặt đạo đức mới có thể mang lại hạnh phúc thực sự cho con người.
Theo Vision Times