Nói chuyện phiếm là việc bình thường, nhưng ngồi lê đôi mách thì lại là chuyện khác. Họa từ miệng mà ra, không nên lan truyền tin đồn thất thiệt.
- Người tạo khẩu nghiệp bị Thần giáng tội
- 3 năm học nói, cả đời học nghe’ – 6 cách trở thành người biết lắng nghe
Khi bạn nghe A nói xấu B, dù bạn không tin lắm nhưng mối quan hệ của bạn và B vẫn sẽ thay đổi. Nói cách khác, bất kể bạn nghe thấy gì, bạn vẫn bị ảnh hưởng một cách vô thức. Tệ hơn nữa, nếu bạn nói với C về điều đó một lần nữa, vậy thì nó sẽ không có hồi kết. Tin tức cứ lan truyền không ngừng, thêm mắm thêm muối; lúc đầu có thể chỉ là một cái ao nhỏ, nhưng cuối cùng lại trở thành một cái hồ lớn.
Truyền bá tin đồn
Trong một ngôi làng nhỏ kia, ban đầu chỉ có một giáo viên. Một ngày nọ, có một người đàn ông lạ chuyển đến làng. Dân làng thấy ông không chỉ đọc thơ, đọc sách, hơn nữa còn là một người chính trực, vì vậy mới mời ông đến trường dạy học; người đàn ông này cũng đồng ý. Quả nhiên giáo viên mới được phụ huynh và học sinh rất hoan nghênh.
Người giáo viên cũ của làng cảm thấy rất khó chịu, mới nói với vợ rằng: “Người giáo viên đó lai lịch không rõ ràng”.
Người vợ nói lời này cho hàng xóm, lại thêm một câu: “Nghe nói giáo viên mới lai lịch không rõ ràng, không biết trước đây đã làm chuyện xấu gì”.
Người hàng xóm nói chuyện với người thân, anh ta lại thêm một câu: “Nghe nói giáo viên mới lai lịch không rõ ràng, trước đây không biết đã làm chuyện xấu gì; nói không chừng đã từng phạm tội ở đâu đó”.
Người thân chạy đến chỗ người bạn nói chuyện, không quên cho thêm ít dấm vào: “Nghe nói giáo viên mới lai lịch không rõ ràng. Trước đây không biết đã làm chuyện xấu gì, nói không chừng đã từng phạm tội ở đâu đó; có khi còn là tội phạm bị truy nã”.
Tin đồn thất thiệt làm tổn thương người khác
Khi tin đồn lan rộng, giáo viên mới không còn cách nào khác, đành phải buồn bã rời khỏi trường. Kẻ đầu têu của tin đồn này – người giáo viên cũ của trường, cảm thấy lương tâm bất an, vì vậy mới quyết định đi xin lỗi.
Chỉ thấy giáo viên mới hái một bông hoa bồ công anh và thổi mạnh! Hàng trăm hạt giống vậy là bay đi khắp nơi. Sau đó ông ta nói: “Nếu như ông có thể thu hồi những hạt đó lại, tôi sẽ tha thứ cho ông”.
Người giáo viên cũ nói: “Chuyện này sao có thể được… nhiều hạt giống như thế, làm sao có thể thu hồi lại hết được!”.
Người giáo viên mới nghiêm nghị nói: “Những lời đồn đại là do ông tạo ra, nó cũng giống như những hạt giống này vậy, không thể thu hồi lại được; hơn nữa còn nảy mầm và lớn lên, sau đó lại gieo rắc thêm nhiều hạt giống nữa. Vậy nên tôi có tha thứ cho ông hay không thì nó cũng không có ý nghĩa gì cả!”
Vậy là người giáo viên mới đã bỏ đi và không bao giờ trở lại ngôi làng này nữa, để lại cho mọi người bao nhiêu tiếc nuối và hối hận.
Người bị lan truyền tin đồn sẽ khắc cốt ghi tâm
Đối với việc bạn không hiểu mà đưa ra phán đoán hấp tấp thì sẽ không khách quan; đối với người bạn không hiểu mà đưa ra nhận xét lung tung thì không những không khách quan mà còn vô đạo đức. Họa từ miệng mà ra, nhất định phải kiểm soát tốt cái miệng của bạn.
Hãy tưởng tượng, nếu ai đó nói với bạn một số tin đồn không đúng sự thật, phản ứng của bạn sẽ như thế nào? Cảm giác bị tổn thương? Hay là tức giận? Bạn có bất bình mà hỏi: “Rốt cuộc là ai nói? Tại sao lại nói tôi như vậy?”
Nếu bạn cũng sợ người khác đối xử với mình theo cách này, vậy thì bạn không nên làm việc đó. Một nhà hiền triết cổ đại từng nói rằng, trước khi định mở miệng nói gì thì phải tự vấn qua 3 cánh cổng.
Cánh cổng đầu tiên, hãy tự hỏi: “Những lời này có đúng không?” Nếu quả thực đúng, vậy thì bạn có thể đi qua cánh cổng thứ hai. Ở cánh cổng thứ hai, nhà hiền triết sẽ hỏi: “Những lời này có cần thiết không?” Nếu quả thực cần thiết, vậy thì bạn có thể đi đến cánh cổng thứ ba. Tại đây ông ấy sẽ hỏi: “Những lời này có thiện ý không?” Nếu quả thực có, vậy thì lúc đó hãy nói ra.
Họa từ miệng mà ra
Bạn nói chuyện với người khác hàng ngày, nhưng chính bạn là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi vì trong số những người bạn nói chuyện, chỉ có một người có thể nghe thấy tất cả những gì bạn nói, và người đó chính là bạn; những người khác sẽ chỉ nghe thấy một phần những gì bạn đang nói.
Ngôn ngữ là một thứ có tư tưởng rất mạnh, nó giống như một chiếc bu-mê-răng; khi được ném vào không khí, nó sẽ quay vòng vòng, và cuối cùng là quay trở lại với chính bạn. Vì vậy chúng ta phải nói những lời tốt đẹp, chúc phúc cho người khác, mang lại lợi ích cho người khác và chính mình. Cũng như vậy, khi bạn chửi bới người khác thì cũng tương đương với việc bạn đang chửi rủa chính mình. Bởi vì âm thanh đến từ đâu? Là ai nghe nhiều nhất? Là chính bạn phải không?
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vậy nên ai cũng phải kiểm soát thật chặt cái miệng của mình để tránh tai họa.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: