‘3 năm học nói, cả đời học nghe’ – 6 cách trở thành người biết lắng nghe
Biết lắng nghe là một trong những kỹ năng sống rất quan trọng mà không phải ai cũng chú ý, đôi khi nó có thể quyết định đến sự thành bại của bạn.
- Lời nói sắc như dao có thể để lại vết sẹo trong lòng người khác
- Sự tu dưỡng bắt đầu từ những tiểu tiết – 5 quy tắc ngầm trong giao tiếp
Nội dung chính
3 năm học nói, cả đời học nghe
Một nhà hiền triết từng nói: “Trời ban tặng cho con người hai tai, hai mắt, nhưng chỉ có một cái miệng; chính là muốn con người nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn và nói ít đi”. Chúng ta thường học cách nói sao cho hay, cho giỏi, nhưng lại không mấy chú ý tới việc lắng nghe người khác.
Có nghiên cứu chỉ ra rằng, con người chỉ nhớ 25 – 50% những gì họ đã nghe. Vì vậy khi chúng ta nói chuyện với ai đó trong 10 phút, họ chỉ nghe tối đa 1 -5 phút. Hầu hết mọi người đều bị mất tập trung khi nghe người khác nói.
Scott Eblin – tác giả cuốn “Overworked and Overwhelmed: The Mindfulness Alternative” (tạm dịch: Quá sức và quá tải: Phương pháp thay thế chánh niệm) nói rằng: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ có nhiều thách thức đối với việc duy trì sự tập trung; vì ngày nay có quá nhiều thứ khiến bạn phải chú ý. Bộ não của chúng ta đã không theo kịp với công nghệ. Việc này khiến mọi người luôn trong tình trạng bấn loạn khi tranh luận hoặc giao tiếp”.
Người ta thường chỉ nghe những gì bản thân muốn nghe. Điều đó cũng không có gì bất ổn nếu như bạn làm đúng và thế giới không có gì thay đổi. Ông Gregersen – Giám đốc điều hành của Trung tâm lãnh đạo tại Đại học MIT đặt câu hỏi: “Nhưng nếu thế giới luôn thay đổi và điều chúng ta làm bị sai thì sao? Chúng ta phải biết chú ý đến những suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và quan điểm của người khác. Hãy luôn lắng nghe những thông tin mới, ngay cả khi bạn chưa cần đến nó”.
6 cách để bạn trở thành một người biết lắng nghe
1. Đừng lắng nghe chỉ vì muốn tỏ ra lịch sự
Ajit Singh – giáo sư tư vấn tại khoa Y thuộc Đại học Stanford cho biết: “Thông thường, người ta hay lắng nghe nhau vì muốn tỏ ra lịch sự, chứ không phải vì tò mò. Lắng nghe là điều rất cần thiết, nhưng ý định lắng nghe nên xuất phát từ sự tò mò. Một cuộc hội thoại thực sự sẽ không xảy ra khi chúng ta giả vờ lắng nghe; và nó chắc chắn sẽ không xảy ra nếu chúng ta không chịu lắng nghe”.
Bạn nên dụng tâm để nghe một cách thực sự, chứ không phải nghe qua loa cho xong chuyện. Như vậy đối phương sẽ cảm nhận được sự chân thành của bạn và sẵn sàng tâm sự những điều sâu sắc hơn.
2. Đừng quá tập trung vào những gì bạn muốn
Ông Gregersen cho rằng, “Hãy thoát ra khỏi những lịch trình và ý định ban đầu của bản thân. Hãy thực sự lắng nghe những gì người khác đang cố gắng nói. Chúng ta cần thông tin mới, chứ không phải là những thứ mà ai cũng biết. Nếu chúng ta kết thúc cuộc trò chuyện và không biết thêm điều gì thú vị thì chúng ta chưa phải là một người biết lắng nghe”.
Cách tốt nhất là hãy tạm thời buông bỏ định kiến của bản thân, mở rộng tấm lòng chấp nhận tất cả. Với những điều bạn chưa đồng ý thì có thể từ từ suy nghĩ thêm, đừng vội phản bác ý kiến của người khác, dù là trong suy nghĩ. Chỉ có như vậy thì bạn mới có thể nghe được những điều mới mẻ.
3. Đặt câu hỏi thông minh
Theo Gregersen, để trở thành một người biết lắng nghe thì cách đơn giản nhất là hãy đặt câu hỏi, thay vì trả lời. Bạn đặt càng nhiều câu hỏi ‘trúng’ trọng tâm thì người nghe càng cảm nhận là bạn có quan tâm đến câu chuyện của họ; khi đó họ sẽ càng cởi mở hơn nữa.
Nếu nghe phải những lời ‘nghịch nhĩ’, thay vì phản bác trực tiếp, bạn hãy đặt những câu hỏi dẫn dắt vấn đề, để cho người nói dần dần tự hiểu ra được điều họ vừa nói là sai. Như vậy vừa mang tính thuyết phục, mà đối phương cũng nhận thấy bạn là một người thân thiện biết lắng nghe.
4. Cần để ý đến tỷ lệ thời gian giữa nói và nghe
Trong tình huống thông thường thì sẽ có một người nói nhiều hơn một chút, và người còn lại sẽ trả lời hoặc góp ý. Điều quan trọng là bạn phải biết được vị trí của mình trong cuộc nói chuyện đó. Nếu bạn không phải là nhân vật trung tâm, vậy thì hãy chú ý đừng nói nhiều quá, mà dành nhiều thời gian hơn để nghe.
Trong trường hợp bạn là nhân vật trung tâm, vậy thì cũng không nên nói thao thao bất tuyệt và không để cho người khác có cơ hội lên tiếng. Thỉnh thoảng nên dừng lại để xem có ai muốn nói gì không, hoặc là gợi ý cho người khác nói.
5. Hỏi lại những gì bạn chưa nghe rõ
Adam Goodman – giám đốc Trung tâm lãnh đạo của Đại học Northwestern cho biết, để tránh hiểu sai ý của người nói, mọi người nên thực hiện “lắng nghe tích cực” (active listening). Ông nói: “Khái niệm này đã ra đời từ lâu và sẽ hoạt động hiệu quả nếu được thực hiện đúng. Quy tắc cơ bản là nhắc lại với người nói những gì bạn đã nghe. Nếu người nói đồng ý rằng những gì bạn nghe được là những gì họ muốn nói; vậy thì bạn có thể tiếp tục trò chuyện. Ngược lại, nếu hiểu sai ý thì người nói cần trình bày lại cho đến khi người nghe thực sự hiểu mới thôi”.
Việc này giúp cuộc trò chuyện có chất lượng hơn; và người nói cũng cảm thấy sự chân thành của bạn. Tuy nhiên cũng phải hỏi một cách hợp lý, không nên hỏi quá nhiều mà làm người nói cảm thấy mất hứng.
6. Đợi người khác nói xong rồi hãy trả lời
Leslie Shore – tác giả của cuốn sách “Listen to Succeed” (lắng nghe để thành công) cho biết, cái khó nhất của việc lắng nghe, đó là phải biết đợi một khoảng thời gian ở cuối câu hỏi trước khi đưa ra câu trả lời.
Bà viết trong sách của mình: “Khi chúng ta bắt đầu trả lời trước khi diễn giả kết thúc phần trình bày của họ, chúng ta sẽ mất hai thứ. Đó là thông tin người nói cung cấp, và sự hiểu biết trạng thái cảm xúc của người nói”.
Bà nhấn mạnh: “Khi tôi cho rằng mình là người quan trọng, thì chính ngay lúc đó tôi sẽ suy nghĩ về những gì tôi sắp nói; thay vì lắng nghe những gì bạn trình bày. Khi làm như vậy, tôi đang muốn thể hiện ra rằng tôi quan trọng hơn bạn”. Bà cho rằng làm như thế là ích kỷ và thiếu sự bao dung.
Biết lắng nghe chính là thể hiện của sự tu dưỡng. Người biết lắng nghe thì ai cũng muốn gần gũi, vì họ sẽ luôn cảm thấy mình được tôn trọng.
Tổng hợp