Site icon Nguyện Ước

Ít ai biết đằng sau câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” vẫn còn một vế nữa

Ít ai biết đằng sau câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” vẫn còn một vế nữa

Ít ai biết đằng sau câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” vẫn còn một vế nữa (ảnh mparamitalin.com)

Trong giao tiếp giữa nam và nữ thì người xưa thường nói “Nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩa là nam nữ phải giữ khoảng cách thích hợp, không được tùy tiện tiếp xúc gần gũi. Tuy nhiên ít ai biết đằng sau câu này vẫn còn thêm một vế nữa.  

Nam nữ thụ thụ bất thân

Mạnh Tử, tên là Mạnh Kha, ông được cho là ông tổ thứ 2 của Nho giáo; là người kế thừa và phát triển những tư tưởng của Khổng Tử. Trong “Mạnh Tử – Ly Lâu thượng” có bàn về vấn đề “Nam nữ thụ thụ bất thân”.

Sách viết rằng, Thuần Vu Khôn là một học giả của nước Tề, là một người rất thích biện luận. Trong một lần đến thăm Mạnh Tử, ông hỏi: “Thưa ngài, có người nói rằng đàn ông và phụ nữ không được trực tiếp trao và nhận đồ vật bằng tay, đó là hành vi đúng đắn. Vậy điều đó có đúng không?”

Mạnh Tử đáp: “Đúng rồi, đây là một cách cư xử chuẩn mực”.

Thuần Vu Khôn lại hỏi tiếp: “Vậy chẳng may chị dâu của tôi rơi xuống sông, tôi có thể dùng tay để cứu chị ấy không?”

Mạnh Tử trả lời ngay: “Nhìn thấy chị dâu rơi xuống sông mà không cứu thì khác gì loài lang sói tàn ác. Giữa nam và nữ không nên trực tiếp trao nhận đồ vật bằng tay, đó là lễ nghi; nhưng nếu chị dâu rơi xuống sông thì cứ dùng tay để cứu. Bởi vì đây là một tình huống khẩn cấp, phải biết rằng trong tình huống đó thì tính mạng con người đang bị đe dọa!”.

Trong tình huống cấp bách thì có thể tạm bỏ qua lễ nghi (ảnh Pinterest)

Dùng nhân nghĩa cảm hóa nhân tâm

Thuần Vu Khôn biện luận: “Ngày nay thiên hạ đang bị bạo quyền đè nén; vậy tại sao ngài không bước ra cứu giúp? Chẳng lẽ ngài lại chấp vào cái lễ nghi thông thường; lại bị kìm hãm bởi tiết độ của văn nhân; không chịu diện kiến chư hầu, để mặc dân chúng đau khổ lầm than thế sao?”

Mạnh Tử cười đáp: “Để cứu dân chúng chìm trong bạo quyền, anh phải dùng đạo lý nhân nghĩa để cảm hóa quân vương; từ đó cứu giúp dân chúng. Nếu chị dâu của anh bị chết đuối, anh có thể gạt phép xã giao sang một bên và lấy tay ra để cứu giúp. Nhưng anh không bao giờ có thể bảo tôi từ bỏ đạo lý. Không lẽ dùng đôi tay có thể cứu thiên hạ sao?”

Câu tiếp theo của “Nam nữ thụ thụ bất thân”

“Nam nữ thụ thụ bất thân” vốn là lễ nghi trong gia đình quyền quý xưa; được quy định trong kinh điển của Nho giáo. Nó dùng để chỉ việc đối xử giữa nam và nữ không cùng huyết thống hoặc không phải vợ chồng. Ban đầu là để chỉ nam nữ không có quan hệ hôn nhân thì không được trực tiếp trao đồ vật cho nhau; về sau này thì dùng để chỉ giữa những người khác giới nên có khoảng cách nhất định.

Nam nữ thụ thụ bất thân, tẩu nịch viên chi dĩ thủ (ảnh zhihu)

Tuy nhiên, tư tưởng Nho giáo cho rằng, trong một vài tình huống đặc biệt cấp bách thì cũng có thể bỏ qua lễ nghi. Mạnh Tử nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã”. Nghĩa là: Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là ‘quyền’. “Quyền” ở đây là chỉ sự ứng biến, tuy trái với đạo thường nhưng vẫn hợp lẽ.

Do đó, câu tiếp theo của “Nam nữ thụ thụ bất thân” chính là “Tẩu nịch viên chi dĩ thủ” – nghĩa là chị dâu bị đuối nước có thể đưa tay ra để cứu giúp. Nó cũng thể hiện tính uyển chuyển của Nho giáo chứ không hề cứng nhắc như người ta tưởng tượng.

Nhà sư cõng cô gái qua sông

Việc này cũng giống như câu chuyện nhà sư cõng cô gái qua sông ở trong Phật giáo. Chuyện kể rằng, có một lão hòa thượng dẫn theo một tiểu hòa thượng đi hóa duyên. Trên đường trở về thì đi tới một con sông. Lúc này có một cô gái đang loay hoay ở bên bờ sông mà không biết làm cách nào để đi qua.

Lão hòa thượng không ngần ngại cõng cô gái qua sông (ảnh Facebook)

Lão hòa thượng không chút đắn đo mà cõng cô gái qua sông. Cô gái qua được sông thì cảm ơn rối rít rồi rời đi. Nhưng trong lòng tiểu hòa thượng thì lại thắc mắc: “Sư phụ sao lại cõng một cô gái qua sông như thế được?”

Khi đi về tới gần chùa, tiểu hòa thượng không nhịn được nữa mới hỏi Sư phụ của mình: “Thưa thầy! Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông như vậy được?”. Lão hòa thượng điềm đạm nói: “Ta đã đặt cô gái ấy xuống ở bờ sông rồi mà con vẫn còn cõng cô ấy ở trên lưng sao?”. Tiểu hòa thượng nghe vậy giật mình tỉnh ngộ.

Các giới cấm hay lễ nghi trong Phật giáo và Nho giáo thì cũng để người ta thuận theo đó mà sửa cái tâm của mình. Nhưng nếu quá bám chấp vào hình thức mà bỏ quên cái tâm; gặp việc cấp bách nguy hiểm đến tính mạng người khác cũng không ra tay giúp đỡ; như vậy thì chẳng phải là cũng quá ác độc, cũng giống như loài lang sói rồi hay sao?

Theo Tinh Hoa