Nơi vũ trụ bao la có tồn tại quy luật rất ngay chính và công bằng đó là thiện ác tất có báo ứng; dù xúi giục người khác hay bị buộc làm ác cũng đều phải gánh tội.
- Những câu chuyện về luật nhân quả báo ứng đáng suy ngẫm
- Quả báo xuống âm phủ vì chép Kinh Phật với tâm bất kính
Quy luật vũ trụ rất chính xác và công bằng, bất cứ ai cũng phải tuân theo nguyên lý thiện ác hữu báo; có nợ thì nhất định phải trả. Người nào trốn nợ không muốn trả thì sau này nhất định cũng sẽ phải trả; thời gian càng lâu thì món nợ càng nặng thêm, và người đó càng phải trả nợ nhiều hơn.
Còn người nào xúi giục người khác làm chuyện xấu nhưng lại thoái thác rằng: “Tôi không trực tiếp nhúng tay vào việc đó, người khác gây nên thì tôi có tội tình gì chứ?”, kẻ kia cũng không thể lấy cớ đó mà lấp liếm được! Cũng có người lại biện bạch nói: “Là người khác ép tôi làm chuyện xấu, vậy chỉ có kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm chứ không liên quan đến tôi”. Vậy cũng không thể được.
Dù là người xúi giục người khác làm chuyện xấu hay người bị ép làm chuyện xấu đều có tội! Chúng ta hãy cùng xem một câu chuyện có thật được ghi chép trong cuốn Tử Bất Ngữ của Viên Mục, nhà văn nổi tiếng thời nhà Thanh.
Tống Tông Nguyên người Tô Châu, giữ chức quan Đạo viên. Ông có một người cháu trai tên là Tống Sinh, Tống Sinh mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên được chú nuôi dưỡng trưởng thành; người chú đối với cậu rất nghiêm khắc.
Năm Tống Sinh bảy tuổi, một hôm trên đường đến nhà một thầy đồ để học, cậu lén trốn đi xem xiếc; bị một người hàng xóm nhìn thấy nên kể lại cho chú. Cậu ta sợ quá không dám trở về nhà nên trốn vào thôn Mộc Dốc làm ăn mày. Một người họ Lý đã thương hại cậu ta và giữ lại làm người giúp việc ở tiền trang. Tống Sinh làm việc rất nhanh nhẹn, cẩn thận nên sau này được ông Lý gả a hoàn Trịnh Thị cho làm vợ.
Trong suốt chín năm làm việc, Tống Sinh đã tích lũy được khá nhiều tiền. Một lần, anh vào kinh thành dâng hương, trên đường gặp lại chú ruột. Tống Sinh không thể che giấu nữa và nói ra sự thật cho chú nghe. Khi người chú biết rằng Tống Sinh đã tích lũy được nhiều tiền của; ông ta đã xúi giục anh về nhà và hứa sẽ cưới cho một người vợ khác.
Tống Sinh lúc đầu không đồng ý, anh nói với chú là Trịnh Thị rất hiền lành và họ đã có với nhau một bé gái rồi.
Người chú tức giận nói với Tống Sinh: “Chúng ta là đại gia tộc, sao có thể lấy a hoàn làm vợ được chứ?”, ông ta xúi giục rồi kiên quyết ép Tống Sinh ly hôn với người vợ hiện tại.
Lý Mỗ (người năm xưa thu nhận và cưu mang Tống Sinh, có ân nghĩa với Tống Sinh) sau khi biết chuyện này bèn tự nguyện nhận Trịnh Thị làm con gái mình. Ngoài ra, ông còn chuẩn bị đồ cưới cùng của hồi môn đưa cô về nhà Tống gia.
Nhưng chú của Tống Sinh không đồng ý, vẫn không ngừng xúi giục và còn ép buộc Tống Sinh viết giấy ly hôn với người vợ Trịnh Thị. Sau đó, người chú đã nhanh chóng cưới cho Tống Sinh một người vợ khác là Kim Thị.
Trịnh Thị sau khi nhận được giấy ly hôn của chồng đã khóc lóc thảm thiết; cô cảm thấy tủi nhục, xấu hổ không mặt mũi nào để nhìn mặt người đời nữa; liền ôm theo con gái nhảy xuống sông tự vẫn.
Ba năm sau, Kim Thị cũng sinh hạ được một bé gái. Một hôm, người chú của Tống Sinh ngồi kiệu qua một nơi, bỗng nhiên một cơn gió xoáy nổi lên thổi bay cả màn kiệu. Gia nhân nhìn vào trong kiệu thì phát hiện thấy ông ta đã sùi bọt mép mà chết; trên cổ còn có vết cào. Ông chú của Tống Sinh đã bị âm hồn của Trịnh Thị bóp cổ đến chết.
Ngay đêm hôm đó, Kim Thị mơ thấy một người đàn bà đầu bù tóc xõa, máu me khắp người; nói với nàng rằng: “Ta là Trịnh Thị, chồng ngươi (tức Tống Sinh) bất lương; nghe theo lời xúi giục của người chú ác độc mà ruồng bỏ ta. Vì để giữ trung trinh, không cưới người khác nữa mà nhảy sông tự vẫn. Hôm nay, ta sẽ tìm chú của hắn tính sổ trước; sau đó ta sẽ nhanh chóng đến tính sổ với chồng ngươi. Chuyện này không liên quan gì đến ngươi, ngươi không cần sợ. Thế nhưng ta không bỏ qua cho con gái của ngươi; dùng mạng con gái của ngươi để đền mạng cho con gái của ta, đây cũng là báo ứng công bằng.”
Kim Thị tỉnh dậy kể lại giấc mơ cho chồng. Tống Sinh nghe xong rất sợ hãi bèn cầu cạnh với bạn của mình: “Chuyện này ta phải làm sao đây?” Một người bạn mách với Tống Sinh rằng: “Ở Huyền Diệu quán có Thi đạo sĩ biết vẽ bùa đuổi ma quỷ; cậu hãy đi mời ông ta làm phép, viết văn điệp đem hồn Trịnh Thị giải đến địa phủ Phong Đô; nhà cậu sẽ bình yên thoát nạn thôi.”
Nghe vậy, Tống Sinh liền chi một khoản tiền lớn mời Thi đạo sĩ đến làm phép. Thi đạo sĩ hỏi rõ Tống Sinh ngày tháng năm sinh của Trịnh Thị, rồi viết lên một tờ giấy vàng; dán lên một lá bùa Thiên Sư để đem quỷ áp giải đến Phong Đô. Sau đó, Tống gia quả nhiên bình yên vô sự.
Ba năm sau, Tống Sinh đang ngồi trước cửa sổ thư phòng giữa ban ngày bỗng nhìn thấy Trịnh Thị; nàng mắng anh rằng: “Ta bắt chú của chàng đi trước, rồi sau sẽ tìm đến chàng; là bởi vì làm chuyện xấu ruồng bỏ vợ con không phải là chủ ý của chàng; hơn nữa là vì ta còn nhớ đến duyên phận tình nghĩa phu thê ngày trước. Vậy mà chàng lại nỡ xuống tay với ta trước, dùng văn điệp áp giải ta đến Phong Đô; sao chàng lại có thể xấu xa đến như vậy! Hôm nay kỳ hạn ta bị giam giữ đã hết; ta đã tâu lên Thành Thần nỗi oan khuất của ta; các chư Thần đều khen ta trinh liệt, vì thế đã cho phép ta báo thù. Xem chàng còn có thể trốn đến nơi nào được nữa!”
Từ đó, Tống Sinh trở nên mê man đần độn, thần trí thất thường. Anh ta thường vô duyên vô cớ đập phá đồ đạc trong nhà, khua gậy gộc loạn xạ khắp nơi. Người nhà ai cũng sợ hãi, bèn mời tăng nhân đến làm lễ siêu độ cho Trịnh Thị nhưng vẫn không có hiệu quả gì. Không quá 10 ngày sau đó thì Tống Sinh chết. Mười ngày sau đó nữa, con gái nhỏ của Tống Sinh cũng chết theo cha. Chỉ có Kim Thị là không hề hấn gì.
Theo thiên lý thiện ác hữu báo, người xúi giục người khác làm ác hay bị buộc làm ác, thảy đều có tội; đều sẽ có ngày gặp quả báo. Thậm chí họ còn phải chịu cực hình nơi địa ngục; nếu được chuyển sinh làm người vẫn chưa hết nhân quả báo ứng.
Theo Chánh Kiến