Lời nói cay độc có thể tạo ra ác nghiệp thảm khốc. Câu chuyện một con bò lấy mạng ba người là một minh chứng cho làm việc xấu sẽ gặp quả báo.
- Ác khẩu làm tổn thương người khác sẽ tạo nghiệp rất nặng
- Tại sao sau khi Đức Phật chuyển thế lại trầm mặc ít nói?
Người xưa từng nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”. Lời nói khác nhau có thể đem lại những kết quả khác nhau. Lời nói tốt lành có thể khích lệ người khác, nhưng lời nói cay độc lại gây ra những hậu quả khôn lường.
Trong “Kinh Pháp Cú Thí Dụ – Cuốn 1” có ghi lại một câu chuyện Phật giáo về nghiệp báo từ tiền kiếp. Thông qua đạo lý báo ứng nhân quả, Đức Phật đã chỉ rõ cho mọi người thấy ác khẩu làm tổn đức và gây ra kết cục bi thảm như thế nào.
Con bò giết chết ba người
Vua Phất Gia Sá đã đọc đi đọc lại “Kinh Thập Nhị Nhân Duyên” và nhận ra rằng 5 ước muốn và hạnh phúc mà ông đã phấn đấu trong quá khứ, chẳng hạn như giàu có, tình dục và danh vọng, hóa ra chỉ là gốc rễ của những rắc rối. Những thứ này căn bản không thể lấp đầy hố sâu ham muốn trong lòng ông. Vì vậy, vua Phất Gia Sa đã đưa ra một quyết định trọng đại. Ông đã triệu tập quần thần và tuyên bố rằng ông sẽ truyền ngôi cho thái tử, còn ông sẽ cạo tóc xuất gia đi tu. Sau khi thấu hiểu những phiền não của đời người, vua Phất Gia Sa phát tâm theo Phật Đà tu hành.
Một ngày nọ, nhà sư Phất Gia Sá đến Vương Sá Thành để xin khất thực. Không ngờ vừa tới cổng thành, ông đã bị một con bò mới sinh con xong húc chết. Khi chủ nhân của con bò nhìn thấy con bò mình nuôi thật sự đã giết người, anh ta không khỏi sợ hãi. Anh ta tin rằng đó là một điềm dữ và ngay lập tức quyết định bán lại con bò.
Sau đó, một người xuất hiện và mua con bò này. Khi người mua dắt bò ra sông uống nước, con bò tấn công người chủ mới từ phía sau. Kết quả người chủ mới cũng bị bò húc chết. Con trai của người chủ mới rất tức giận khi biết tin, sau khi nhìn thấy con bò, anh ta đã lập tức giết chết con bò. Sau đó, anh ta đem thịt bò ra chợ bán.
Lúc ấy, có một người nông dân rất thích ăn đầu bò. Ông bèn mua đầu bò và dùng đòn gánh mang về nhà. Ngay khi còn cách nhà hơn một dặm, anh ta quyết định ngồi dưới gốc cây bên đường để nghỉ ngơi trước. Anh ta treo chiếc đầu bò trên cây. Một lúc sau, chiếc đầu bò treo trên cây rơi xuống do sợi dây bị đứt. Chiếc sừng của con bò rơi xuyên qua đầu người nông dân khiến người đàn ông tử vong tại chỗ.
Nhân duyên đằng sau
Vua Bình Sá là một người bạn thân thiết của vua Phất Gia Sá, ông nghe nói về chuyện liên quan đến con bò. Ông đã vô cùng ngạc nhiên, một con bò có thể giết chết ba người liên tiếp trong một ngày. Đồng thời, ông cũng cảm thấy rằng sự việc xảy ra là có nguyên nhân.
Thế là ông dẫn quần thần đến trước mặt Đức Phật. Sau khi Vua Bình Sá cung kính cúi đầu sát đất làm lễ với Đức Phật. Ông đã kể lại mục đích chính của chuyến viếng thăm Đức Phật. Ông muốn biết làm thế nào một con bò lại có thể giết chết ba người liên tiếp trong một ngày. Nhân duyên nào đã dẫn đến quả báo đáng sợ như hôm nay.
Sau khi vua Bình Sá cung kính thỉnh Đức Phật chỉ dạy, Đức Phật bèn giải thích lý do bên trong.
Ba thương nhân quỵt tiền bà cụ
Hóa ra ngày xưa có ba thương nhân cùng nhau sang nước khác làm ăn. Có thời điểm, họ ở nhà một người phụ nữ lớn tuổi sống một mình. Vốn dĩ ba thương nhân nên trả tiền ăn, ở cho bà cụ. Nhưng khi thấy bà cụ không có ai chăm non, họ đã nảy ra ý nghĩ quỵt tiền. Cuối cùng, cả ba lặng lẽ rời đi trong khi bà cụ đã ra ngoài. Khi bà già trở về nhà, bà ngạc nhiên thấy những người thương nhân đã đi hết. Bà bèn sang hỏi hàng xóm bên cạnh. Khi biết tin ba thương nhân đã bí mật rời đi, bà đã vô cùng tức giận và vội vàng đuổi theo.
Cuối cùng, sau một hồi vất vả, bà đã đuổi kịp ba người thương nhân kia. Khi thấy họ, bà giận dữ mắng mỏ và yêu cầu trả ngay tiền phòng, tiền ăn. Tuy nhiên, vì ba thương nhân này đã chọn bí mật rời đi mà không trả tiền, nên tất nhiên họ không dễ dàng thừa nhận khoản nợ và ngoan ngoãn trả tiền. Vì vậy, cả ba đã bóp méo sự thật và trách bà lão quá tham lam. Họ nói với bà cụ: “Bà à, chúng tôi đã thanh toán tiền rồi, sao bà còn đến đòi tiền chúng tôi?”. Vừa nói xong, họ liền tiến lên vừa đánh vừa mắng bà cụ.
Bà cụ chỉ có một thân một mình chịu sự ức hiếp đành bất lực, bà chỉ có thể nói với ba thương nhân rằng: “Ta chỉ là một bà lão nghèo khó không chỗ dựa. Các người bắt nạt ta, thậm chí lại còn dã man đến mức dám đánh mắng ta. Ta già rồi. Ta không còn sức lực để đấu lý với các người. Nhưng ta sẽ không bao giờ tha thứ cho tất cả những hành động xấu xa mà các người đã gây ra cho ta. Ta xin thề rằng chỉ cần kiếp sau chúng ta gặp nhau, ta nhất định sẽ giết các người. Cho dù các người đã tu thành đắc đạo, ta cũng nhất định phải lấy mạng của các người”.
Lời nói cay độc tạo ra ác nghiệp khôn lường
Sau khi Đức Phật kể xong câu chuyện. Ngài nói với vua Bình Sá rằng bà cụ ở tiền kiếp chính là con bò trong kiếp này. Ba người thương nhân lúc đó là vua Phất Gia Sá, người chủ mới và người đã mua đầu bò. Họ đều bị con bò này giết chết.
Đức Phật cũng dạy: “Nếu dùng những lời lẽ cay nghiệt để phỉ báng, vu oan và làm nhục người khác sẽ sinh ra oán hận. Nếu dùng ngôn ngữ khiêm nhường, cung kính để đối đãi với người khác thì không tạo ác nghiệp và không sinh ra oán hận. Vì vậy, khi nói lời nói cay độc, chẳng khác nào trong miệng ngậm một chiếc rìu sắc. Do đó, tự nhiên sẽ làm tổn thương người khác và chính mình.”
Sau khi vua Bình Sá và các quan đại thần nghe lời Đức Phật, họ càng ấn tượng và thấu hiểu quy luật nhân quả. Mọi người không khỏi vui mừng và thành kính cảm tạ lời Đức Phật chỉ dạy.
Lời nói tuy rằng ở bên ngoài nhưng lại là tấm gương phản chiếu nội tâm của con người. Lời nói cay độc có thể tạo ác nghiệp và chịu báo ứng thảm khốc.
Theo Vision Times