Có nhiều người ăn nói tùy tiện, không cần biết cảm xúc của người khác như thế nào, chỉ cần nói cho thỏa chí của mình là được. Nhưng những lời ác khẩu làm tổn thương người khác sẽ tạo nghiệp rất nặng, nhất định rồi sẽ bị quả báo.

Chú khỉ dâng mật ong lên Đức Phật

Có một câu chuyện cổ Phật giáo kể rằng, ở thành phố Shravasti có một người giàu có rất tôn thờ Phật giáo tên là Shizhi. Một hôm, ông ta chuẩn bị thật nhiều món ăn ngon để cúng dường Đức Phật và các tăng nhân. Sau khi nhận lễ, Đức Phật dẫn chúng tăng trở về tịnh xá. Đi được nửa đường, khi Đức Phật và chúng tăng dừng chân ngồi nghỉ bên một gốc cây, thì bỗng có một con khỉ từ trên cây nhảy xuống, xin mượn chiếc bát trong tay Đức Phật.

Con khỉ cầm bát chạy đi, một lúc sau quay lại thì dâng lên một bát chứa đầy mật ong cho Đức Phật. Đức Phật nhận lấy bát mật ong và chia đều cho các tăng nhân; khỉ ta thấy vậy thì nhảy múa vui nhộn. 

Ác khẩu báo ứng; Ác khẩu nhân quả; Tội ác khẩu
Chú khỉ dâng mật ong lên Đức Phật (ảnh Twitter)

Một thời gian sau, chú khỉ qua đời và chuyển sinh thành người vào gia đình Shizhi. Khi đứa trẻ này được sinh ra, mọi bát đĩa nồi niêu trong nhà đều đựng đầy mật ong. Vợ Shizhi thấy chuyện lạ như vậy nên mới đặt tên cho con là Mật Thăng.

Thời gian trôi mau, Mật Thăng chẳng mấy chốc mà đã trưởng thành. Anh chán ghét cảnh thế tục và muốn được xuất gia. Cha mẹ anh đều rất vui mừng và đồng ý với quyết định của anh.

Nhờ kết thiện duyên với Phật Pháp nên mau chóng tu thành chính quả

Mật Thăng quy y cửa Phật. Do thiện duyên từ kiếp trước nên rất nhanh đã tu thành chính quả. Một lần, khi đi ra ngoài hóa duyên cùng các tăng nhân khác, mọi người đều cảm thấy khát khô cổ họng, chỉ mong có một chút nước gì đó để uống. Lúc này Mật Thăng liền tung chiếc bát của mình lên trời, và khi nhận lại thì đã thấy bát chứa đầy nước mật tươi mát. Mật Thăng liền đưa cho các hòa thượng khác uống để giải khát.

Khi trở về tịnh xá, một số hòa thượng đã hỏi Đức Phật: “Trước kia Mật Thăng đã tu được phúc gì? Tại sao lúc nào cũng có thể cầu xin được mật ong?”

Đức Phật trả lời: “Mọi người có nhớ cách đây rất lâu, có một con khỉ đã mượn chiếc bát đi lấy đầy mật ong để dâng lên cho ta và chúng tăng không? Vì thiện tâm đó nên khi chết nó đã được chuyển sinh làm người. Và cũng vì thành tâm đó, nên bây giờ bất cứ lúc nào cũng có thể có được mật”.

Kinh phật ác khẩu; Tu khẩu là gì; Tu khẩu miệng
Đức Phật khai thị cho chúng tăng về nhân duyên tiền kiếp của chú khỉ (ảnh Facebook)

Nói lời ác khẩu bị đày làm kiếp khỉ

Chúng tăng lại hỏi: “Thưa Đức Phật, vậy kiếp trước Mật Thăng đã làm gì mà bị đày làm khỉ ạ?”

Đức Phật nhìn một lượt các hòa thượng và chậm rãi nói: “Mật Thăng bị đày làm khỉ là do việc của 500 năm trước. Đó là khi Phật Ca Diếp còn tại thế. Khi đó có một hòa thượng nhìn thấy một hòa thượng khác nhảy qua một con suối nhỏ, liền cười và nói hòa thượng kia cứ như con khỉ vậy.

Lời nói đùa này đã phạm vào tội ác khẩu và bị đày làm kiếp khỉ. Sau đó hòa thượng đã nhận ra lỗi của mình, liền sám hối với vị hòa thượng kia để không bị đày xuống địa ngục. Cũng vì cái duyên đó nên con khỉ mới có thể gặp được Phật, và kiếp này có thể nhanh chóng tu thành chánh quả như vậy”.

Người ác khẩu sẽ chịu quả báo như thế nào?

Chỉ một câu đùa giỡn người khác mà đã bị quả báo phải đầu thai thành khỉ, vậy đối với những người ăn nói tùy tiện, thường xuyên chê bai chế nhạo người khác thì kết cục sẽ như thế nào?

Chuyện kể rằng, ở vùng nọ có một người tên là Chúc Kỳ Sinh. Anh ta thường hay dùng lời nói của mình để bẻ cong sự thật, chế nhạo, mỉa mai những thiếu sót của người khác. Hơn nữa còn hay dẫn dụ người khác làm việc xấu.

Mỗi khi gặp người có tướng mạo xấu xí, Chúc Kỳ Sinh liền cười nhạo và châm biếm họ. Mỗi khi gặp người khôi ngô tuấn tú thì anh lại đùa cợt trêu ghẹo họ. Mỗi khi gặp người trí thức thông minh thì anh ta lại bình phẩm một phen ‘từ đầu đến chân; ngược lại, nếu gặp người ngốc nghếch hơn mình thì anh ta sẽ ra sức bắt nạt họ.

Gặp người bần cùng nghèo khó, anh ta không những không thương xót mà còn khinh bỉ; gặp người giàu có thì lại ghen ghét, phỉ báng họ. Khi gặp quan chức thì anh ta tìm mọi cách moi móc đời tư của người ta.

Khi gặp người hoang phí tiền bạc thì anh ta lại ra sức khen ngợi là người rộng rãi. Khi gặp người nham hiểm, chuyên lừa lọc, độc ác thì anh ta ca ngợi là cao cả, đức độ.

Tu khẩu đức; Tu thân khẩu ý; Khẩu nghiệp là gì
Chế nhạo, mỉa mai người khác sẽ tạo nghiệp rất nặng (ảnh Sohu)

Báo ứng mất mạng chỉ vì không tu khẩu

Đặc biệt là khi gặp người nào đàm luận về Phật Pháp thì Chúc Kỳ Sinh ra sức nhạo báng và châm chọc việc ăn chay của họ. Khi gặp người nào nói về Nho học và tu dưỡng đạo đức thì anh ta cười nhạo họ là đạo đức giả, ngụy quân tử.

Khi thấy ai nói chuyện tử tế thì anh ta giễu cợt rằng: “Chỉ được cái nói hay!”. Khi gặp người làm việc thiện thì anh ta nói rằng: “Thật kỳ lạ, sao anh làm việc tốt này mà lại không làm việc tốt kia”. Đi tới đâu anh ta cũng bình luận và nói những lời trái với sự thật.

Về sau, Chúc Kỳ Sinh đột nhiên mắc bệnh lở lưỡi. Bệnh của anh ta không có cách nào chữa hết được. Hơn nữa mỗi ngày đều phải dùng châm đâm vào lưỡi cho máu chảy ra đầy miệng thì mới bớt đau được. Khi muốn nói gì đó thì sẽ vô cùng đau đớn. Cuối cùng anh ta chết vì lưỡi bị teo.

Lời nói sắc như dao, dù không cố ý thì nhiều lúc cũng vô tình làm tổn thương người khác; còn như cố tình châm chọc, chế giễu, hạ nhục người khác thì sẽ tạo nghiệp rất nặng. Vì vậy, dù là ai thì cũng nên quản thật chặt cái miệng của mình; tránh nói lời ác khẩu với người khác mà bị quả báo.

Tổng hợp