Thần Phật chỉ xét nhân tâm chứ không nhìn vào hình thức bề ngoài. Một người dù là ăn mày nhưng có tấm lòng hiếu thuận thì sau khi chết vẫn có thể thăng thiên đắc phúc báo.
- Hào quang tỏa sáng trên đầu người con có hiếu
- Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ không còn
- Người con trai hiếu thảo tìm ra cách chữa bệnh trầm cảm nặng cho mẹ
Làm quan ở cả dương gian và âm phủ
Ái Tân Giác La Miên Nghi, tự Bội Khanh, là hậu duệ trong hoàng thất triều Thanh. Ông đỗ tiến sĩ vào thời kỳ Hàm Phong. Năm Đồng Trị thứ tám (1869), được điều nhiệm giữ chức Binh bộ thị lang Thịnh Kinh (Nay là thành phố Thẩm Dương).
Tại Thịnh Kinh, Miên Nghi có mời Văn Tuyết Môn tới giảng dạy cho con, chủ và khách đều vô cùng hòa hợp. Khi đó có vị huyện lệnh thường xuyên phải tới Thịnh Kinh làm ban sai (bắt phu và trưng thu tài sản cho quan phủ). Miên Nghi cũng qua lại thân thiết và rất coi trọng người này nên mỗi lần ông đến đều giữ lại ăn cơm.
Vị huyện lệnh này cũng đồng thời kiêm nhiệm một chức quan tại âm phủ. Mỗi lần tới âm phủ đều phải ăn mặc chỉnh tề. Sau đó nằm trên giường, nhiều thì ba đêm, ngắn thì vài giờ đồng hồ mới quay về. Có người hiếu kỳ muốn hỏi chuyện dưới âm phủ, ông đều từ chối trả lời, chỉ đáp “Không thể tiết lộ”.
Ngày nọ, ông lại đến Thịnh Kinh, đang chuẩn bị cùng Miên Nghi, Văn Tuyết Môn ăn cơm. Khi vừa cầm đũa lên liền bỏ xuống, lập tức đứng dậy cáo từ. Ông mặc quan phục chỉnh tề rồi tìm một gian phòng trống và nằm xuống. Bởi mọi người đều biết ông làm quan sai tại âm phủ nên không lấy gì làm kỳ lạ.
Quả phụ hiếu thuận, đi ăn mày để chăm cha mẹ chồng
Hơn một giờ sau, huyện lệnh rời khỏi giường. Văn Tuyết Môn ngạc nhiên vì thấy lần này sao quá nhanh nên tò mò hỏi. Huyện lệnh đáp: “Trước đây mỗi lần xử án đều không thể tiết lộ bí mật cho người dương gian biết. Nhưng lần này thì khác, là vì có một người phụ nữ ăn mày hiếu thuận được thăng thiên. Minh phủ vô cùng kính trọng bà, nên rất nhiều quan sai tới tiễn biệt, tôi cũng là một trong số đó. Chuyện kỳ lạ đối với thế gian có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện, vì vậy tôi có thể kể cho các ông.”
Huyện lệnh kể, người phụ nữ ăn xin đó lấy chồng năm mười sáu tuổi, nhưng một năm sau chồng cô không may qua đời. Từ đó cô thủ tiết phụng dưỡng mẹ chồng vô cùng cung kính. Sau đó vì gia cảnh ngày càng nghèo khó, bất đắc dĩ phải đi ăn mày. Tuy nhiên tâm hiếu thuận của cô không thay đổi, trăm ngày như một đều vô cùng hiếu kính. Sau khi mẹ chồng qua đời, phải đi ăn xin mới có tiền làm ma và an táng; cứ mỗi dịp lễ tết đều tới cúng và tảo mộ.
Đắc phúc báo
Văn Tuyết Môn lại hỏi: “Nếu bà ấy đã hiếu thuận như vậy, tại sao thiên thượng không ban phúc cho bà ấy, để bà ấy tới bước khốn cùng phải làm ăn mày?” Huyện lệnh đáp: “Nghèo khó là báo ứng của bà ấy, nên phải hoàn trả. Giờ đây quả ác đã hết, thiện quả đã thành, thì có thể lên trời. Nếu mọi người không tin, có thể phái người tới dưới cây liễu trong Ủng Thành phía cửa Nam, tìm thi thể của bà ấy”.
Huyện lệnh miêu tả chi tiết quần áo và vị trí của thi thể nên Miên Nghi lập tức cử người tới cửa Nam kiểm tra. Quả nhiên tại đó họ tìm thấy thi thể một người phụ nữ ăn mày, trang phục, vị trí, sự tích khi còn sống quả thực như huyện lệnh nói. Điều thần kỳ hơn là thời gian bà qua đời đúng vào lúc giữa trưa, cũng là khi huyện lệnh xin cáo từ lúc đang ăn cơm trưa.
Về sau Văn Tuyết Môn đã kể lại câu chuyện này cho mọi người. Mặc dù Văn Tuyết Môn trong lịch sử không nổi tiếng, nhưng Văn Đình Thức em trai ông sau này từng là thầy giáo dạy trân Phi của Quang Tự Đế.
Dương Hiếu Tử hiếu thuận, ăn mày để nuôi cha mẹ
Dương Hiếu Tử người Vu Kiều huyện Vũ Tiến tỉnh Giang Tô triều Thanh. Anh là người nổi tiếng hiếu thảo trong làng nên được mọi người gọi là “Dương Hiếu Tử”, còn tên thật của anh là gì thì hiếm ai biết. Gia đình họ Dương vô cùng nghèo khó, cha mẹ lại bệnh tật liên miên quanh năm nằm trên giường; mỗi lần khám bệnh phải chi không ít tiền. Vì thực sự không có cách kiếm tiền, người con trai bất đắc dĩ chỉ có thể chịu khuất nhục mà đi ăn mày.
Mỗi ngày Dương Hiếu Tử đều mang đồ ăn xin được về cho cha mẹ ăn trước; còn mình chỉ ăn phần thừa lại. Nếu không đủ thì thà mình chịu đói để bố mẹ được no. Mỗi lần mang đồ ăn cho cha mẹ, đều quỳ trước mặt họ và cung kính dâng lên trước mặt.
Để tinh thần cha mẹ được vui vẻ, anh còn tự sáng tác ra nhiều bài hát; vừa nhảy vừa hát trước mặt cha mẹ để họ thấy thoải mái, vui vẻ.
Chỉ một lòng chăm lo cho cha mẹ
Sự việc cứ như vậy hơn mười năm, mọi người dân trong vùng đều cảm động trước sự hiếu thuận của Dương Hiếu Tử. Vị phú hộ trong vùng vì muốn giúp đỡ anh, nên dự định thuê anh làm người hầu. Nhưng anh từ chối và nói: “Song thân tôi bệnh lâu năm, liệt giường liệt chiếu. Mỗi ngày ngoài thời gian đi ăn xin, tôi còn phải ở nhà phụng dưỡng thuốc thang; không thể rời đi dù chỉ một ngày. Vì vậy không cách nào tới nhà ông để làm được. Chỉ có thể cảm tạ thành ý của ông”.
Sau đó anh lại đi ăn xin như thường lệ. Có thêm chút tiền thì mời thầy tới thăm bệnh. Sau đó cha mẹ anh lần lượt qua đời. Dương Hiếu Tử liền dùng tiền xin được mua hai cỗ quan tài; cởi áo của mình ra làm quần áo liệm. Anh thà mặc quần áo phong phanh, run rẩy trong gió lạnh cũng không hối tiếc.
Sau khi mai táng xong, anh túc trực bên mộ, nằm ngủ ngoài đồng để thủ hiếu; ngày đêm khóc thương. Chẳng ngờ một tháng sau, vì đau thương quá độ nên qua đời.
Người thiện lương khiến Diêm Vương cũng kính nể
Ngày thứ hai sau khi anh qua đời, có một người trong thôn tên là Từ Đạo; trong lúc đang bị bệnh nằm ngủ ở trên giường thì bị quan sai đưa tới âm phủ. Ông nhìn thấy một vị quan sai mặc áo bào tím bẩm báo với Diêm Vương: “Dương Hiếu Tử đến rồi”. Diêm Vương lập tức đứng dậy đón tiếp. Từ Đạo nhìn kỹ, hóa ra người Diêm Vương nghênh đón chính là người con trai hiếu thuận họ Dương vừa qua đời.
Từ Đạo nghe thấy Diêm Vương nói với họ Dương: “Ngưỡng mộ tấm lòng hiếu thuận của anh đã lâu. Những người đại thiện như anh, địa phủ chúng tôi không dám bất kính. Nay Thiên Đế đã có mệnh lệnh, cho mời anh lên thiên giới”. Từ Đạo vì dương thọ chưa tận, nên sau đó lập tức tỉnh giấc. Sau khi tỉnh dậy, ông kể lại câu chuyện Dương Hiếu Tử ở âm gian. Nhờ sự chia sẻ của ông, mọi người đều biết người con hiếu thuận sau khi chết đã đắc thiện báo được thăng thiên.
Đây có lẽ là Thiên thượng muốn nhờ miệng của Từ Đạo để nói với thế nhân: Hiếu thuận sẽ đắc thiện báo. Cũng giống như vị huyện lệnh làm quan ở âm phủ kia tiết lộ “kỳ tích có tác dụng giáo hóa và khuyến thiện với thế nhân” nên mới tiết lộ cho người thế gian.
Theo Epoch Times