Làm việc thiện có cần phải quá giàu có? Không phải là bạn có nhiều tiền đến đâu mà là tâm bạn rộng đến mức nào. Dù chỉ là một người ăn xin thì vẫn có thể giúp đỡ được người khác. Tâm lương thiện có thể cảm động trời xanh và thường được ban phúc lành.
‘Bang chủ cái bang’ chuyên giúp đỡ những người ăn xin
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Thiên Trường có một viện điều dưỡng, nơi chứa những người ăn xin vô gia cư. Người phụ trách khu điều dưỡng này là một người tàn tật tên là Mao, và ông cũng là một người ăn xin.
Vào đêm giao thừa, ông Mao được một người ăn xin cõng đến chợ xin ăn như mọi khi. Trên đường về, trời mưa to và có tuyết rơi. Người ăn xin cõng ông Mao vừa lạnh vừa mệt mỏi. Lúc đi ngang qua trạm dịch mới tạm nghỉ một lát. Người ăn xin để ông Mao ở trên một cái bàn nhỏ. Cả hai người phủi tuyết ở trên người cho nhau.
Ông Mao đột nhiên kinh ngạc nói: “Sao lại nghe thấy tiếng ha ha ở đây; chẳng lẽ là quỷ hồn đang gào thét?”. Vì vậy ông nói người ăn xin đi xem thử một chút.
Sau khi tìm hiểu, người ăn xin nói: “Có một căn phòng dưới lòng đất và có ba người trong đó. Một người già đang nằm hấp hối; một người khác thì thở thoi thóp; người phát ra âm thanh ‘a a’ là một người trung niên”. Ông Mao hỏi: “Họ vì sao lại đến nơi này?” Người ăn xin nói: “Bởi vì một kiện cáo nhỏ, nha dịch trong huyện đòi tiền và đã đưa họ đến đây”.
Thiện tâm giúp đỡ người đang gặp nạn
Vì vậy, ông Mao vội nói người ăn xin rót rượu cho họ. Họ để cho người trung niên uống trước. Tiếp theo là đến người thở thoi thóp. Hai người kia uống xong cơ thể ấm lên liền có thể đứng dậy. Ông Mao nói họ nâng ông lão nằm bất động kia dậy và cho ông ta uống một chút rượu. Một lát sau, ông lão nằm bất động kia cũng bắt đầu thở dốc. Sau đó thì cũng có thể ngồi dậy được.
Người ăn xin thấy ba người đã ngồi dậy được rồi thì quay trở lại để chuẩn bị cõng ông Mao đi. Ông Mao nói: “Còn chưa xong”. Ông lại hỏi về ba người kia: “Trong nhà có thể nấu cơm không?” Người ăn xin đáp: “không có củi lửa”. Ông Mao lấy ra một ít gạo và tiền đã xin được, đổi lấy mấy bó củi đưa cho họ. Sau đó hai người mới rời đi.
Ông Mao thân thể bị tàn tật, không thể đi lại. Ông thường nhận nuôi những người ăn xin và trông nom cho họ. Thoạt nhìn có vẻ hơi giống bang chủ cái bang. Ông Mao sau khi về đến nhà, vợ của ông đã chuẩn bị rượu và đồ nhắm. Đêm giao thừa của họ đã trôi qua như vậy. Sau khi chìm vào giấc ngủ, ông Mao có một giấc mơ kỳ lạ.
Giấc mơ kỳ lạ mang đến phép màu
Trong giấc mơ, một vị Thần mặc áo giáp vàng nâng cổ áo của ông Mao lên và nói: “Thiên thượng muốn cho chân của ngươi thẳng lại. Thương cảm cho ngươi, thân thể tàn tật mà vẫn có thể cứu giúp được ba người”. Nói xong, vị Thần mặc áo giáp vàng duỗi một tay ra nắm lấy chân của ông Mao và nói: “Thẳng!”
Ông Mao nghe thấy vậy giật nảy cả mình, thoáng cái cũng bừng tỉnh từ trong mộng. Ông sợ tới mức chạy vội tới chỗ bức tường. Vợ ông nghe thấy động thì cũng thức dậy. Bà vội thắp đèn và hỏi: “Ai đó?”, ông Mao nói: “Là tôi”.
Vợ ông ngạc nhiên hỏi: “Ông làm sao mà lại đi được thế này?” Ông Mao mới kể lại giấc mơ cho vợ nghe. Vợ ông nói rằng: “Ông đang mơ à?” Ông Mao nói: “Tôi tỉnh rồi”. Vợ ông hỏi ông đã cứu sống ba người kia khi nào, ông đáp: “Hôm qua”.
Rạng sáng, nhóm người khất thực nhìn thấy ông Mao mới ngày hôm qua còn tàn tật mà nay đã có thể đứng dậy đi rồi. Hai bên nhìn nhau, vừa mừng vừa sợ. Cả đám vây quanh ông đi đến chợ.
Ông Mao khoan thai bước đi ra phố. Tất cả những người nhìn thấy ông đều bị sốc, cả thành phố cũng được một phen xôn xao.
Hành thiện không cần điều kiện mà chỉ cần tấm lòng. Dù là một người ăn xin tàn tật, tiền bạc vật chất là đi xin được nhưng vẫn muốn giúp đỡ người khác. Tấm lòng lương thiện của ông đã làm trời xanh cảm động mà ban phúc lành.
Theo Epoch Times