Theo nhà Phật, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi thì mọi thứ đều đã được an bài; mọi người chỉ là diễn viên trong một vở kịch đã có sẵn kịch bản. Nhưng “ông Trời có đức hiếu sinh”, luôn cấp cơ hội cho con người thay đổi vận mệnh của mình; có người chỉ nhờ một chút thiện tâm cứu người mà cuối cùng lại cứu được mạng sống của chính mình.

Thầy lang gặp cướp giữa đường

Thuở xưa có một vị thầy thuốc họ Hách, y thuật cao siêu mà lại không kiêu ngạo. Mọi người đều muốn tìm anh để xem bệnh. Vào một ngày kia, anh đang trên đường trở về nhà sau khi đã cứu được một bệnh nhân nguy kịch. Vì nhà bệnh nhân cách nhà anh 15km nên đi đến lúc trời tối rồi mà vẫn chưa về tới nhà. 

Thầy lang (thầy thuốc) Hách có phần hơi nhút nhát, đi một mình trời tối vậy anh cũng cảm thấy sợ. Vì vậy anh nhặt một cành cây cầm trên tay cho thêm can đảm. Mới đi được mấy bước bỗng nghe thấy tiếng hét lớn: “Là ai?”. Thầy lang Hách bình tĩnh nhìn lại thì thấy trước mặt có 4 người đàn ông; toàn bộ khuôn mặt đều bôi nhọ nồi đen thui, trên tay cầm côn sắt lấp loáng trong đêm.

Thầy lang Hách biết mình đã gặp phải toán cướp, liền vội vàng nói: “Tôi là thầy lang giúp người ta xem bệnh, xin hãy tha cho tôi được không?” . Đám cướp lục soát anh từ trên xuống dưới và lấy sạch tiền; sau đó đẩy anh một cách thô bạo rồi nói: “Cút đi! Đừng để cho ông nhìn thấy mặt mày thêm nữa!”.

Làm việc nghĩa, ra tay cứu người

Thầy lang Hách thoát chết, tâm lý vẫn còn hoảng hốt. Anh cắm đầu mà chạy bừa, cũng không biết là đã đi tới chỗ nào. Anh đột nhiên nghe thấy bên tai có tiếng khóc của trẻ con. Anh nghĩ: “Ôi, tôi hôm nay làm sao vậy, hết chuyện này đến chuyện khác. Thôi thì nhiều một chuyện chi bằng bớt một chuyện, kệ nó đi tiếp thôi”.

Thầy lang Hách vừa lẩm bẩm trong miệng như vậy vừa bước đi nhanh hơn. Nhưng càng chạy xa anh lại càng nghe thấy tiếng đứa bé khóc lớn hơn. Từng tiếng khóc cứ xông thẳng vào tai anh. Hai chân của thầy lang Hách không thể đi được nữa: “Mình chính là thầy lang tế thế cứu nhân, sao có thể trơ mắt thấy nguy không cứu được?” Nghĩ vậy, anh liền lần theo tiếng khóc và đi tìm đứa bé.

Khi đến nơi anh kinh ngạc nhìn thấy 2 con sói đang vây quanh một đứa bé. Thầy lang Hách vội vàng nhổ một đống cỏ khô châm lửa đốt; sau đó cầm trên tay và chạy lại chỗ đứa bé. Hai con sói nhìn thấy lửa sợ hãi bỏ chạy. Thầy lang Hách dựa theo lời kể của đứa trẻ và dẫn nó về nhà.

Thầy lang ra tay cứu người nhưng lại bị hiểu lầm
Thầy lang ra tay cứu người nhưng lại bị hiểu lầm (ảnh Sina)

Cứu người nhưng lại bị oan ức

Người mẹ của đứa trẻ đang ngồi khóc dưới ánh đèn. Khi nhìn thấy đứa trẻ được đưa về nhà bà mừng quá dở khóc dở cười. Mẹ cháu bé cho biết: “Nhà tôi ra ngoài đánh bạc, cả nửa tháng cũng không thấy mặt đâu. Lần này ở chỗ chúng tôi đang có dịch ‘sơn lý nhiệt’; cháu nhà tôi cũng đã bị lây bệnh này. Bác của cháu nói là không bỏ đứa bé đi thì không được. Nếu không đứa bé còn lại cũng không thể sống được. Chao ôi! Ông ấy nói xong thì cứ thế mà mang đứa bé bỏ đi như vậy”.

Thầy lang Hách nghe xong thì biết là bệnh này có thể trị được. Ông liền an ủi mẹ đứa bé rồi dặn dò bà đi lấy mấy vị thuốc đến. Thầy lang Hách điểm ra tên của các vị thuốc, mẹ đứa bé nói: “May quá, trong nhà đều có cả”. Nói xong bà vào bếp sắc thuốc. Sau đó chiên một quả trứng và nói là muốn mời thầy lang Hách một ly rượu.

Đúng lúc này, cửa nhà bị đạp một cái “Rầm”, một người đàn ông với đôi mắt đỏ như máu xông vào túm lấy cổ áo thầy lang Hách và chửi: “Đồ hoang dâm, đêm hôm khuya khoắt mày muốn dụ dỗ vợ tao à?” thầy lang Hách bị anh ta siết cổ; mẹ đứa bé muốn giải thích nhưng bị đạp té xuống đất.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Gần như ngay lúc đó, một người nhảy từ trên xà nhà xuống chỉ vào mặt người đàn ông và mắng: “Anh là cái loại đàn ông kiểu gì vậy? Tôi thực sự không thể chịu đựng được nữa”. 

“Anh là ai?” người đàn ông hoảng sợ hỏi.

 “Tôi là ăn trộm, muốn đánh hay muốn xử phạt gì thì đưa ra công đường, tùy anh. Nhưng tôi phải thay họ nói một lời công đạo”, tên trộm nói.

Hóa ra tên trộm này đi ngang qua đây lúc trời tối; thấy trong nhà chỉ có một người phụ nữ nên lẻn vào và leo lên xà nhà. Anh ta định chờ cho đến lúc người phụ này ngủ say thì xuống lấy trộm đồ. Nhưng không ngờ nhờ vậy mà anh ta đã nghe được cuộc nói chuyện giữa người phụ nữ này và vị thầy lang. Nghe xong thì sống mũi cay cay; so với một người tốt như vậy thì tên trộm thấy mình là một người chẳng ra gì.

Anh ta ở trên xà nhà không thể chịu được nữa nên mới liều mạng nhảy xuống. Sau khi nghe tên trộm thuật lại, người đàn ông cần đèn dầu hướng vào mặt thầy lang Hách rồi kêu lên một tiếng: “Ôi! Anh tôi”. Sau đó xoay người quỳ rạp xuống đất, “thiện tâm của anh đã cứu được mấy mạng người. Anh thử nhìn xem tôi là ai?” Thầy lang Hách không nhận ra được người đàn ông trước mặt.

Thiện ác hữu báo, cứu người cũng là tự cứu  chính mình
Thiện ác hữu báo, cứu người cũng là tự cứu chính mình (ảnh Sohu)

Thiện tâm cảm động lòng người

Người đàn ông nói: “Không dám nói dối, hãy để tôi nói cho anh biết sự thật. Tôi là một trong những tên cướp đã cướp tiền của anh ở trên núi. Anh xem, tất cả số tiền cướp được của anh đều ở đây. Đây trả lại cho anh, người anh em, hôm nay nếu anh không lưu lại ở đây thì tôi chỉ có đâm đầu chết ngay tại chỗ. Nếu không thì anh hãy đưa tôi đi gặp quan!” Nghe người đàn ông nói vậy, thầy lang Hách cũng đành phải lưu ở lại.

Kết quả là 3 người vừa uống rượu vừa nói chuyện thành thật với nhau. Thầy lang Hách cũng nói thật việc anh không muốn cứu đứa nhỏ khi mới nghe nó khóc. Uống rượu đến rạng sáng, người đàn ông và tên trộm nhất định đòi đưa thầy lang Hách về nhà.

Hai người đàn ông đều nói: “Tiên sinh chẳng những cứu đứa bé, còn cho chúng tôi bài học về lương tâm. Chúng tôi phải tiễn tiên sinh, phép tắc cũng là như thế mà phải không?” Thầy lang Hách không từ chối được tấm thịnh tình của họ, vì vậy cả 3 người cười nói cùng nhau lên đường.

Thiện ác hữu báo, cứu người cũng là cứu chính mình

Chưa đi đến làng của thầy lang Hách thì từ phía xa đã ngửi thấy mùi khét. Khi đến gần thì thấy tường nhà sụp đổ, người chết la liệt khắp nơi. Thầy lang Hách hét lên “không ổn” rồi lập tức ngất xỉu trên mặt đất. 

Người đàn ông sợ hãi không biết phải làm sao. Anh ta đành véo vào người thầy lang Hách thì thấy anh cũng từ từ tỉnh lại. Thầy lang Hách định thần lại và đi tìm vợ con nhưng chẳng thấy bóng dáng một người nào. Thầy lang Hách nghĩ rằng đêm qua nhất định là đã có đám thổ phỉ ghé qua và giết sạch mọi người trong làng.

Đúng lúc ấy thì lại nghe có tiếng gọi từ xa truyền đến: “Cha”. Thầy lang Hách quay đầu lại thì thấy chính là anh vợ đang dắt theo 2 con lừa, trên lưng lừa chính là vợ và con của thầy lang Hách. Thì ra tối hôm qua, vợ của thầy lang Hách không thấy anh về, trong lòng rất buồn. Cô đoán là anh đã đi ăn uống ở bên ngoài nên dứt khoát dắt con nhỏ trở về nhà của mẹ đẻ.

Nhà mẹ đẻ hiểu chuyện, tận tình khuyên bảo. Hôm nay trời vừa rạng sáng đã nói con trai cả dắt em gái trở về nhà. Bà sợ con rể về tìm người không thấy lại nổi giận. Họ cũng vừa tới và thấy là thôn làng đã bị cướp.

Mọi chuyện đều là thiên ý

Khi sự việc được nói rõ ràng ra thì mọi người đều choáng váng: Nếu đêm hôm qua thầy lang Hách không cứu đứa bé mà trở về nhà thì cả nhà đã bị giết dưới tay của thổ phỉ. Nếu thầy lang Hách đưa đứa bé về nhà mà không gặp phải sự hiểu lầm của người chồng; vậy thì có thể cũng sẽ nhanh chóng trở về nhà và không tránh khỏi kết cục bi thảm… Nghĩ qua nghĩ lại một lúc thầy lang Hách mới thở dài nói: “Thiên ý, thật sự là thiên ý mà!”

Hai người đàn ông kia nghe thấy thế thì nói rằng: “Vì sao lại gọi là thiên ý? Hách tiên sinh thiện hữu thiện báo, đúng lý là như thế! Đây là như lời cổ nhân đã từng nói, ‘hay làm việc thiện thì không cần hỏi chuyện tương lai!'”.

Theo Secret China