Ranh giới giữa đúng và sai chỉ là sợi chỉ nhỏ. Cùng là một vấn đề nhưng sẽ có người cho là đúng, mà cũng có người nói đó là sai. Thậm chí có điều bạn cho là đúng nhưng một thời gian sau lại thấy là sai. Đối với một người tu luyện thì góc nhìn của họ lại rất khác biệt: Tràn đầy từ bi và trí huệ.
- Mạn đàm về quy tắc giao tiếp giữa người với người: Dĩ hòa vi quý
- Sống lương thiện là một sự lựa chọn sáng suốt
Câu chuyện thứ nhất: Tất cả đều đúng
Một ngày, có vị tăng nhân đang ngồi đả tọa, kế bên là một tiểu đồng giúp việc; ngoài cửa là hai đồ đệ đang trong cao điểm tranh luận. Cả hai đều không phục sở học và sở ngộ của nhau. Lúc này, vị sư huynh bước vào phòng và thưa với vị tăng nhân rằng:
“Sư phụ, người tu hành nên đạt đến ‘tâm không vướng víu’ hết thảy mọi thứ thế gian; xả bỏ vinh nhục; hết thảy tốt xấu thị phi đều không động tâm. Đây mới là cốt tủy của tu hành. Thế nhưng sư đệ cho rằng con nói không đúng. Xin hỏi sư phụ, quan điểm của con rốt cuộc đúng hay không đúng?”
“Con nói đúng”, vị tăng nhân đáp.
Vị sư huynh vui mừng bước ra cửa và nói với sư đệ rằng sư phụ nói thể ngộ của ta là đúng.
Sư đệ không phục, nên bước vào phòng thưa rằng: “Sư phụ, người tu hành nên đạt đến ‘tâm có chủ tể’ hết thảy mọi thứ thế gian; minh bạch rõ ràng chọn lựa; nhận rõ đúng sai tốt xấu thị phi; đây mới là tu hành. Thế nhưng sư huynh nói con lý giải lệch rồi, sao sư phụ lại nói anh ấy đúng?”
Vị tăng nhân đáp: “Con nói đúng”. Nghe vậy sự đệ phần nào mãn nguyện và vui vẻ lùi ra.
Vị tăng nhân là một người tu luyện tràn đầy trí huệ
Tiểu đồng ở bên cạnh thấy khó hiểu liền thưa: “Ban nãy cách nhìn, liễu giải Phật Pháp của hai người họ hoàn toàn tương phản; sao ngài nói người này đúng, người kia cũng đúng, rốt cuộc là ai đúng đây?”
“Con nói đúng”, vị tăng nhân liền đáp.
Mỗi người khi còn đang trong quá trình tu luyện thì đều có thể ngộ khác nhau trong cảnh giới của bản thân mình. Ai đúng ai sai trong tình cảnh này chỉ là tương đối. Không nên cưỡng ép người khác phải cùng suy nghĩ giống như mình, mà hãy tìm cách để lý giải được cảnh giới của người khác; như vậy mới là người có trí huệ.
Câu chuyện thứ hai: Phán xét với lòng trắc ẩn
Người cha cùng con trai cưỡi chung một con lừa đi trên đường. Một người nhìn thấy và nói rằng: “Hai người tàn nhẫn đến nhường nào! Nhìn xem con lừa đáng thương mệt mỏi làm sao.” Thế là người cha nhảy xuống để con trai cưỡi một mình.
Đi được một đoạn, có người khác nói: “Hãy nhìn cậu con trai tồi tệ kia! Anh ta cưỡi lừa nhưng để người cha khốn khổ của anh ta đi bộ!” Và rồi người con trai vội nhảy xuống để người cha cưỡi.
Thêm một quãng đường nữa, thì có người cười và nói rằng: “Hãy nhìn sự ích kỷ của ông bố! Ông ta cưỡi lừa và để con mình đi bộ.” Tới đây thì người cha nhảy xuống. Cả hai cùng đi bộ và nghĩ rằng sẽ không ai làm phiền hai cha con nữa.
Thế nhưng có tiếng nói vọng từ sau lưng họ rằng: “Hãy nhìn sự ngốc nghếch của hai người này! Con lừa để không và chẳng ai cưỡi nó!”
Góc nhìn của một người tu luyện
Cũng trong tình huống trên, nếu là một người tu luyện thì thiện tâm của anh ta biểu hiện ra là chân chính, là từ bi. Khi thấy cha và con cùng cưỡi trên một con lừa, anh ta sẽ nói: “Con lừa chăm chỉ và trung thành biết bao! Nó phục vụ chủ thật tốt!”
Ở đoạn đường mà con trai cưỡi mà người cha đi bộ, anh ta sẽ nói: “Tình cảm của người cha thật lớn lao!”
Ngược lại, khi thấy con trai đi bộ và để người cha cưỡi anh ta sẽ nói: “Nhìn người con hiếu thảo kia xem! Tuổi còn trẻ vậy mà đã biết tôn kính người lớn và suy nghĩ cho người khác”.
Và rồi khi cả hai cùng đi bộ, anh ta sẽ nói rằng: “Tâm của họ mới tốt làm sao! Họ thà đi bộ còn hơn làm gánh nặng cho con lừa.”
Có thể thấy, cùng một vấn đề nhưng quan niệm và cách giải quyết khác nhau sẽ đưa đến kết quả khác nhau. Đó là bởi vì cảnh giới tư tưởng và hàm dưỡng đạo đức khác nhau. Người tu luyện sẽ luôn tìm thiếu sót của bản thân mình thay vì phán xét hay chê trách người khác.
Theo Chánh Kiến