Đông y trị tai biến mạch máu não thường bằng châm cứu kết hợp với sử dụng thuốc thang, cũng có thể dùng trà hằng ngày để phòng ngừa và trị bệnh.
- Trung y kỳ diệu: Chữa khỏi bệnh zona thần kinh chỉ bằng một điếu ngải cứu
- Trung y Trung Quốc: Ghi nhớ 5 điều này giúp cuộc sống nhân sinh thêm tươi đẹp
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não hay Đông y gọi là trúng phong là chứng bệnh phát sinh cấp, đột ngột để lại biến chứng lớn. Người mắc đột nhiên bị hôn mê; ngã lăn bất tỉnh (đột quỵ) miệng mắt méo lệch hoặc bán thân bất toại (một nửa người không theo ý muốn) tứ chi không cử động được; nói khó, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ. Y học cổ truyền thường dùng châm cứu kết hợp với uống thuốc bắc để trị tai biến. Ngoài ra còn qua việc sử dụng trà hằng ngày để phòng ngừa.
Nguyên nhân tai biến
Nguyên nhân gây tai biến phần nhiều do khí hư từ bên trong, tình chí uất kết khiến cho can phong nội động. Hoặc do ảnh hưởng khí hậu thời tiết 4 mùa đột ngột thay đổi nhất là về mùa lạnh: hàn tà, phong hàn kết hợp; cảm lạnh, tắm bị nhiễm lạnh, say rượu, lao lực, cố gắng quá sức. Còn do: tình chí bị tổn thương; ăn uống không điều độ; nguyên nhân khác.
Nhóm người nào dễ bị tai biến?
Nam giới sau tuổi 40 và nữ giới từ 55 tuổi trở lên dễ có nguy cơ bị tai biến. Khi bước vào tuổi 30, cơ thể bắt đầu có những biểu hiện lão hóa. Nữ giới khi càng nhiều tuổi, những thay đổi này càng rõ. Vào giai đoạn này, đường huyết, huyết áp; thậm chí nồng độ mỡ máu cũng thay đổi và nhiều hơn. Những nhóm người dưới đây dễ bị tai biến:
- Những người nóng tính và dễ xúc động
- Những người không thích vận động
- Người béo phì, ăn uống không điều độ, không tự kiềm chế, và người hút thuốc uống rượu.
Triệu chứng và các thể tai biến mạch máu não
Triệu chứng báo trước còn gọi là tiền triệu trúng phong.
Theo Đông y, các tiền triệu chứng này là: Bất thần thấy sẩm tối mặt, hoa mắt, ngón tay tê dại, chân tay rã rời, hoặc da thịt máy động, co giật. Tự nhiên nhiều đờm, hay quên, có lúc lưỡi tê khó nói hay tự nhiên thấy nảy đom đóm mắt, tê bì chân tay, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, lú lẫn (dấu hiệu có thể xuất hiện vài giờ có khi một vài ngày trước).
Các thể tai biến mạch máu não theo Đông y
Y học cổ truyền phân trúng phong hay tai biến mạch máu não thành 2 thể: Trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ và chia thành bốn giai đoạn: Trung kinh, Trung lạc, Trung tạng, Trung phủ.
Trúng phong kinh lạc
Triệu chứng: Người bệnh vẫn tỉnh táo đột nhiên nửa người không vận động được theo ý muốn (bán thân bất toại) hoặc một nửa mặt miệng, mắt méo lệch (khẩu nhãn oa tà). Bệnh chia ra các thể:
Phong đàm vào lạc mạch: Người bệnh da dẻ tay chân tê dại, đột nhiên phát sinh mặt miệng méo lệch, nói không lưu loát, chảy nước dãi ở khóe miệng, cứng lưỡi, khó nói, nặng thì bán thân bất toại hoặc chân tay co quắp, khớp đau nhức, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác.
Phong dương nhiễu ở trên: Bệnh nhân chóng mặt nhức đầu, ù tai hoa mắt, đột nhiên phát sinh miệng mắt méo lệch, cứng lưỡi khó nói hoặc tay chân nặng nề, nặng thì bán thân bất toại, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền.
Âm hư phong động: Người bệnh hay chóng mặt, ù tai, eo lưng buốt đau. Đột nhiên phát sinh miệng mắt méo lệch nói khó. Nặng thì bán thân bất toại. Chất lưỡi đỏ; rêu lưỡi nhớt. Mạch huyền, tế, sác.
Trúng phong tạng phủ
Triệu chứng: Người bệnh đột nhiên choáng, ngã lăn xuống đất và hôn mê bất tỉnh. Hàm răng cắn chặt, cấm khẩu, không há miệng được, hai tay nắm chặt, đại tiểu tiện bí, thân người và tay chân cứng.
Ba bài thuốc trị và phòng ngừa tai biến mạch máu não của Đông y
Bổ dương hoàn ngũ thang
Thành phần: Sinh Hoàng kỳ 40 – 160g; Xích thược 6 – 8g; Đào nhân 4 – 8g; Đương quy vĩ 8 – 12g; Địa long 4g; Xuyên khung 8g; Hồng hoa 4 – 8g. Cách dùng: sắc nước uống.
Giải thích bài thuốc: Bài thuốc chủ yếu chữa di chứng trúng phong, khí hư huyết trệ, mạch lạc không thông gây nên “bán thân bất toại”, nói khó, miệng mắt méo xệch. Phép trị tai biến chủ yếu là bổ khí hoạt huyết thông lạc. Trong bài: Hoàng kỳ dùng sống lượng nhiều có tác dụng đại bổ nguyên khí là chủ dược. Đương quy vĩ, Xuyên khung, Xích thược hoạt huyết hòa vinh. Đào nhân, Hồng hoa, Địa long hóa ứ thông lạc, khí huyết được lưu thông phần cơ thể bị bệnh được hồi phục.
Huyết phủ trục ứ thang
Thành phần: Đương quy 12 – 16g; Đào nhân 8 – 16g; Chỉ xác 6 – 8g; Sài hồ 8 – 12g; Cát cánh 6 – 8g; Xuyên Ngưu tất 6 – 12g; Sinh Đại hoàng 12 – 16g; Hồng hoa 6 – 12g; Xích thược 8 – 12g; Xuyên khung 6 – 8g; Cam thảo 4g. Cách dùng: sắc nước uống, ngày chia 2 lần.
Giải thích bài thuốc: Đương quy, Đào nhân, Hồng hoa hoạt huyết hóa ứ là chủ dược. Xuyên khung, Xích thược hoạt huyết hóa ứ. Sinh địa phối hợp Đương quy dưỡng huyết hòa âm. Ngưu tất hoạt huyết thông mạch hoạt lạc, Cam thảo điều hòa các vị thuốc. Thường dùng trị các bệnh tim mạch như đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim, xơ cứng động mạch vành, co thắt động mạch vành.
Thiên ma câu đằng ẩm
Thành phần: Thiên ma 8 – 12g; Câu đằng 12 – 16g; Thạch quyết minh (sắc trước) 20 – 30g; Chi tử 8 – 12g; Hoàng cầm 8 – 12g; Xuyên Ngưu tất 12 – 16g; Ích mẫu thảo 12 – 16g; Tang ký sinh 20 -30g; Dạ đằng giao 12 – 20g; Bạch linh 12 – 20g. Cách dùng: Sắc nước uống.
Giải thích bài thuốc: Trên lâm sàng thường được dùng để chữa chứng huyết áp cao, đau đầu, ù tai, hoa mắt, mất ngủ hoặc bán thân bất toại, lưỡi đỏ, mạch huyền sác. Trong bài này có Thiên ma, Câu đằng, Thạch quyết minh đều có công dụng bình can tức phong là quân. Sơn chi, Hoàng cầm thanh nhiệt tả hoả khiến cho nhiệt của can kinh không có chiều hướng mạnh lên, là thần. ích mẫu thảo hoạt huyết lợi thuỷ, Ngưu tất dẫn huyết đi xuống, phối hợp với Đỗ trọng, Tang ký sinh có thể bổ ích can thận; Dạ giao đằng, Phục thần an thần định trí, đều là tá, sứ. Toàn phương hợp lại bình can tiềm dương, tư bổ can thận.
Trà Sơn tra, Xương bồ phòng ngừa tai biến mạch máu não
Theo Y học cổ truyền, Sơn tra có tác dụng tiêu thực hóa tích, hoạt huyết tán ứ. Chủ trị các chứng tích trệ, bụng đau tiêu chảy, sản hậu ứ trệ đau bụng, nước ối ra không dứt, sán khí, đau tinh hoàn. Thạch xương bồ vị cay tính ôn có tác dụng khai khiếu ninh thần, hóa thấp hòa vị. Chủ trị các chứng thần khí hôn mê, hoảng loạn do đàm trọc bế tắc (đàm trọc mông tê), hay quên (kiện vong), ù tai, điếc tai (nhĩ minh, nhĩ lung), báng đầy do thấp (thấp trở bỉ mãn), cấm khẩu.
Bệnh nhân tai biến mạch máu não, có thể dùng Sơn tra và Xương bồ hãm thành trà uống hằng ngày thay nước để bồi dưỡng cơ thể, phòng ngừa tai biến, tăng cường hiệu quả trị liệu. (Những bệnh nhân tai biến đa số thuộc thể chất Đàm thấp, loại trà này thích hợp cho người thể chất này), Nếu cảm thấy chua, có thể cho thêm đường viên hoặc đường đỏ. Khi sắc nước uống, nên cho nhiều nước và uống loãng để vừa có thể bổ sung nước cho cơ thể và hỗ trợ giúp nhuận hoạt, máu lưu thông tốt hơn.
Theo Epoch Times
Có thể bạn quan tâm: