Site icon Nguyện Ước

Phong thủy tốt nhất của gia đình: Không trách cha mẹ, không trách bạn đời, không trách con cái

Phong thủy tốt nhất của gia đình là sự êm ấm, hòa thuận

Cảnh phục dựng một gia đình trung lưu Hà Nội có 3 thế hệ vào thế kỷ 19 (ảnh: Pháp luật).

Phong thủy tốt nhất của gia đình không phải quần áo đẹp hay đồ ăn ngon, mà là sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình.

Sách Lễ có câu: “Cha con trung nghĩa, anh em hòa thuận, vợ chồng tương hợp, gia đình phú quý”.

Một gia đình hạnh phúc cần có cha con thương yêu nhau, vợ chồng thấu hiểu nhau. Chỉ khi tất cả cùng nhau vun vén mới có thể tạo nên gia đình thịnh vượng. Vì vậy, phong thủy tốt nhất cho gia đình chính là con không trách cha mẹ, vợ chồng không trách nhau, và cha mẹ không trách con cái.

1. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ

Gia huấn Chu Tử viết: “Trọng phú quý, tiền tài, bạc đãi phụ mẫu song thân, không thành người”.

Nếu một người chỉ xem trọng lợi ích và chỉ trích cha mẹ của mình, người đó đã thực sự mất đi cái gốc của nhân cách.

Trong một bộ phim truyền hình có tên “Gia đình hạnh phúc”, ông bố đơn thân Fang Yongfu đã chèo chống một nhà hàng mì để nuôi ba đứa con khôn lớn.

Tuy nhiên, sau khi con trai ông Fang kết hôn, cậu quyết tâm cắt đứt quan hệ với cha mình. Cậu con trai nghĩ mình thiệt thòi hơn những người khác. Cậu nói rằng chỉ vì xuất thân của gia đình mà dù chăm chỉ đến đâu thì trong mắt mọi người, cậu vẫn là con trai của một người bán mì.

Trước lời buộc tội của đứa con ruột, người cha già tỏ vẻ xấu hổ. Ông cúi đầu trước con trai và nói: “Đó là sự bất tài của cha, cha có lỗi với con”.

Cha mẹ đã cho con tất cả những gì tốt nhất

Một số người đổ lỗi cho cha mẹ khi họ không hạnh phúc trong cuộc sống. Họ trách cha mẹ đã không tạo điều kiện tốt hơn cho mình.

Nhưng thực tế, cha mẹ đã cố gắng hết sức để cho con cái tất cả những gì có thể.

Có câu nói: “Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thuần khiết nhất trên thế gian. Ngoài tình yêu và sự quan tâm, cần có lòng biết ơn.”

Ân điển của sự sinh thành lớn hơn trời biển. Đừng bao giờ hà khắc đối với cha mẹ mình, thay vào đó hãy học cách biết ơn và quan tâm đến cha mẹ. Đó là nền tảng làm người căn bản nhất.

Hiếu thuận là kính yêu cha mẹ từ trong tâm khảm cho đến những hành động bề ngoài (ảnh: Pinterest.com).

Biết ơn dù cha mẹ như thế nào

Cách đây một thời gian, Pang Zhongwang đạt danh hiệu kiện tướng cờ vua Cangzhou năm 2017. Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa đã đích thân đến thăm nhà em. Nhưng khi đoàn người đến nhà Pang Zhongwang, họ chết lặng trước cảnh tượng trước mắt. Thùng các tông, vật liệu phế thải, vỏ chai lọ chất thành đống ngoài sân. Căn nhà nhỏ chật chội thậm chí không có nổi một cái bàn, mà chỉ có hai cái giường.

Mẹ Pang Zhongwang ngồi xe lăn và bố em bị bệnh tâm thần. Nhìn thấy tình cảnh này, hiệu trưởng Qiu Yong cảm thấy đau lòng. Tuy nhiên, Pang Zhongwang không hề phàn nàn bất cứ điều gì về gia đình mình.

Cậu nói “Em không cảm thấy có gì không tốt về gia đình của mình. Mẹ em rất tốt. Ông bà em cũng vậy. Họ hàng nhà em người nào cũng tốt. Em không nghĩ họ làm em xấu hổ. Ngược lại, em cảm thấy rằng những người khác nên ghen tị với mình. “

Pang Zhongwang hiểu rằng mọi thứ mình có được không thể thiếu công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, nên em rất biết ơn và không bao giờ kiêu ngạo.

Trong trăm cái thiện, hiếu đứng đầu (ảnh: cuộc sống hạnh phúc).

Ít nhất hãy học cách thấu hiểu

Như Zhang Jiawei đã nói:

“Cha mẹ đã sinh thành bạn trọn vẹn không khuyết tật. Họ nuôi nấng bạn khôn lớn. Cha mẹ hy sinh bản thân để nuôi nấng con cái. Cha mẹ hỗ trợ khi bạn trưởng thành. Họ làm việc chăm chỉ vì bạn. Điều đó vô cùng đẹp đẽ và đáng để bạn biết ơn. Nếu bạn không thể biết ơn thì ít nhất cũng phải học cách thấu hiểu”.

Một người thực sự trưởng thành sẽ không thống hận những điểm bình thường của cha mẹ, mà họ dung hòa với sự không hoàn hảo của cha mẹ.

2. Phong thuỷ tốt nhất của gia đình: Đừng đổ lỗi cho đối tác

Có một câu hỏi trên mạng xã hội: Khi nào bạn cảm thấy mình sai?

Một câu trả lời được nhiều người khen ngợi như sau:

“Tôi không cảm thấy sai khi lúc nhỏ bị người ngoài bắt nạt, hay lớn lên bị sếp khiển trách. Thay vào đó, tôi cảm thấy rất có lỗi, tự trách mình khi những người thân thiết của tôi không những không an ủi mà còn liên tục buộc tội tôi.”

Harold và Maureen là hai nhân vật trong một bộ phim. Họ vốn dĩ sống hạnh phúc, vợ chồng “tương kính như tân”. Nhưng rồi một tai nạn xảy ra sau đó, vì sự đổ lỗi mà giữa họ hình thành vực sâu ngăn cách suốt hơn 20 năm.

Cái chết của con trai họ, David, đã giáng xuống hai người họ một nỗi đau sâu sắc, và người chồng Harold rơi vào tình trạng tự trách mình:

“Nếu tôi quan tâm đến David nhiều hơn, tôi đã biết sớm hơn rằng con mình đang bị trầm cảm .”

“Giá như tôi được ôm con vào lòng trong ngày tôi biết con nghiện rượu và ma túy”.

Nhưng khi Harold buồn nhất, vợ ông là Maureen đã đổ lỗi cho chồng về cái chết của con trai. Cô nói rằng ông không phải là một người cha tốt và không bao giờ quan tâm đến David. Đối với Harold, người đã mất con trai ở tuổi trung niên, điều đó chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Vợ chồng oán trách nhau sẽ hình thành nên hố sâu ngăn cách (ảnh: divorcelovetoknow).

Sự đổ lỗi giữa vợ chồng tạo nên vực sâu ngăn cách

Sau đó, Maureen chuyển đến căn phòng nơi David ở, và nói chuyện một mình với những bức ảnh đen trắng của David cả ngày.

Hai vợ chồng trở thành những người xa lạ nhất, bị ngăn cách bởi một vực sâu không thể vượt qua. Leon Festinger, nhà tâm lý học xã hội học người Mỹ, đã đưa ra một nhận định rất nổi tiếng gọi là “Định luật Festinger”: 10% cuộc đời của bạn được tạo nên từ những gì xảy ra với bạn, và 90% còn lại được tạo nên từ cách bạn phản ứng.

Trong nhiều trường hợp, không phải điều gì đó phá hủy hôn nhân mà chính là thái độ của bạn đối với nó.

Đổ hết lỗi cho đối phương sẽ chỉ kích thích mâu thuẫn vợ chồng, càng ngày càng đẩy đối tác ra xa.

Hôn nhân hạnh phúc nhất là khi vợ chồng cùng nắm đôi bàn tay ấm áp và vững vàng tiến về phía trước.

Người vợ một mực ủng hộ chồng

Có người cho rằng Luo Yonghao ngu ngốc, hoang tưởng và điên rồ. Nhưng anh cho rằng vợ mình còn “ngốc” hơn.

Lúc đầu, anh ấy làm việc ở New Oriental. Mức lương 300.000 nhân dân tệ một năm của anh đủ để viết một cuốn sách bán chạy nhất về bí quyết thành công. Nhưng anh đã lựa chọn nghỉ việc và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Vợ anh không phàn nàn gì về điều này.

Anh sản xuất điện thoại di động và bị phá sản. Sau đó, anh bước vào ngành công nghiệp thuốc lá điện tử, và trong vòng 20 phút, nhà nước ban hành lệnh cấm hút thuốc…

Việc liên tục thất bại khiến anh lãnh một khoản nợ 600 triệu nhân dân tệ. Anh suy sụp muốn tự tử nhưng người vợ không hề có một lời trách móc. Cô lặng lẽ ký giấy bảo lãnh khoản nợ khổng lồ cho anh.

Vợ chồng họ dịu dàng với nhau trong mưa gió, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn. Cuối cùng, anh đã trả hết nợ nần. Hai vợ chồng họ sống một cuộc sống hòa thuận, tươi đẹp.

Khi gặp phải vấn đề, ngàn vạn câu “tất cả đều do lỗi của anh” không bằng một câu “em sẽ ở bên anh”.

Sau mỗi lần chồng thất bại trở về, người vợ không hề oán trách mà chỉ an ủi động viên chồng. (Ảnh minh họa: Internet).

Vợ chồng ở trong mọi hoàn cảnh đều cần sự đồng tâm đồng lòng. Người xưa nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Giữa vợ chồng luôn cần sự thấu hiểu, rộng lượng, không oán trách, và không buộc tội.

3. Phong thủy tốt nhất của gia đình: Không trách con cái

Để khám phá sức mạnh của ngôn ngữ, hãng nội thất danh tiếng của Thụy Điển – IKEA đã tiến hành một thí nghiệm tại một trường học ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). 

Tại khuôn viên nhà trường, người ta mang đến hai chậu cây xanh được đặt trong lồng kính, được chăm sóc nghiêm ngặt giống nhau với cùng lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời.

Chỉ là hai chậu cây sẽ được đối xử khác nhau. Một chậu cây sẽ nhận được lời khen ngợi từ mọi người mỗi ngày; trong khi một chậu cây khác sẽ nghe thấy những lời lăng mạ mỗi ngày.

Hai cái cây được chăm sóc giống nhau ngoại trừ việc một cái cây bị miệt thị hàng ngày (bên trái) và một cây được khen ngợi hàng ngày (bên phải).

Sau 30 ngày thử nghiệm, cây được tưới tắm trong tình yêu thương và sự khích lệ vẫn phát triển mạnh; trong khi cây bị tấn công bởi bạo lực bằng lời nói khô héo và chuyển sang màu vàng.

Thực tế, một đứa trẻ cũng giống như chậu cây. Vô vàn lời buộc tội và chỉ trích sẽ biến thành những con dao sắc nhọn, cứa vào trái tim đứa trẻ và để lại những vết thương lâu dài cho chúng.

Lời chỉ trích để lại vết thương lâu dài cho trẻ

Khi Trương Ái Linh nhớ về mẹ mình, khuôn mặt giận dữ của mẹ luôn hiện lên trong tâm trí cô.

Một lần, khi có khách ở nhà, Trương Ái Linh thấy thiếu một chiếc ghế. Cô bé đã tự mình tìm ghế mang đến. Nhưng mẹ cô lại hét lên trước mặt tất cả những người khách: “Con làm gì vậy? Đồ con lợn!”

Khi Trương Ái Linh ốm yếu bị sốt thương hàn nặng, người mẹ không ngừng phàn nàn: “Con thật tồi tệ! Con chỉ giỏi làm người khác mệt mỏi, đáng nhẽ mẹ không nên quan tâm đến con.”

Miệng lưỡi như dao của người mẹ càng ngày càng đẩy cô bé Trương ốm yếu ra xa.

Lời chỉ trích giống như lưỡi dao sắc nhọn làm tổn thương trái tim trẻ sâu sắc (ảnh: Shutterstock).

Khi mẹ cô ốm nặng ở London vào những năm cuối đời và hy vọng rằng con gái có thể đến thăm, cô chỉ gửi một ít tiền.

Có câu nói: “Một đứa trẻ thà bị cây xương rồng đâm còn hơn nghe người lớn chế nhạo”.

Vết thương thể xác có thể chữa lành, nhưng vết thương lòng, làm sao lành được?

Lời nói và việc làm của cha mẹ có thể mở cửa sổ tâm hồn cho trẻ

Liang Qichao, “ông bố bỉm sữa nổi tiếng nhất Trung Quốc”, luôn bao dung với con mình.

Một ngày nọ, cô con gái thứ hai Liang Sizhuang chán nản vì chỉ đạt thứ 16 trong kỳ thi, nhưng ông bố Liang Qichao đã an ủi con gái: “Cha rất hài lòng với điểm số của con. Thực sự là thua thiệt với bạn bè khi đứng thứ 16 trên tổng số 37 người. Nhưng con không cần phải lo lắng, con chỉ cần học tập chăm chỉ.”

Ông thường nói với các con: “Sau này có thành tựu hay không tất nhiên phụ thuộc vào tài năng của các con. Nhưng các con hãy tự hỏi bản thân mình đã chăm chỉ chưa. Đừng đòi hỏi kết quả, hãy làm hết khả năng của mình”.

Vàng bạc châu báu vốn đều không phải là kho báu thực sự, chỉ có nhân cách mới là báu vật lớn nhất cha mẹ để lại cho con cái (ảnh: meeyland).

Lúc nào ông cũng dịu dàng, điềm đạm trước mặt con cái. Chịu ảnh hưởng của gia phong như vậy, 9 người con của ông đều thành đạt.

Cha mẹ nói lời cay nghiệt làm tổn thương con. Cha mẹ dịu dàng và bao dung sẽ giống như ngọn gió xuân ấm áp cho đời con may mắn. Không khí gia đình thân thiện và gần gũi là món quà tuyệt vời nhất cha mẹ có thể dành cho con cái của mình.

Phong thủy tốt nhất của gia đình là sự hòa thuận

Có người từng nói với nhà văn Dương Giang rằng: “Vợ chồng ông một người là học giả, một người là nhà văn, đó quả là thành tựu lớn”.

Dương Giang dửng dưng đáp rằng: “Với tư cách là một nhà văn, tôi cho rằng thành tựu lớn nhất của tôi là có một gia đình tốt”.

Tựu chung lại, gia đình sống hòa thuận, êm ấm là hạnh phúc lớn nhất của đời người. Phong thủy tốt nhất của gia đình chính là: không trách cha mẹ, không trách bạn đời, không trách con cái.

Nguồn: Aboluowang

Xem thêm: