Site icon Nguyện Ước

Sư cô bị trục xuất khỏi chùa, miệt mài tìm đạo thời mạt pháp

Sư cô bị trục xuất khỏi chùa, miệt mài tìm đạo thời mạt pháp

Sư cô Nhất Niệm một lòng hướng Phật tu hành nhưng lại bị trục xuất khỏi chùa (ảnh: Nguyện Ước)

Sư cô Nhất Niệm một lòng hướng Phật tu hành nhưng lại bị trục xuất khỏi chùa. Bà ròng rã 4 năm trời đi tìm đạo, lưu lạc sang cả nước ngoài, nhưng càng đi lại càng thêm thất vọng. Trở về Việt Nam trong nỗi chán chường, bà lại may mắn gặp được pháp môn mà mình hằng tìm kiếm.

Dưới đây là hành trình tìm đạo của  bà Đỗ Thị Trung (tức sư cô Nhất Niệm), bà mong câu chuyện của mình có thể thắp lên một ngọn lửa nhỏ dẫn đường cho những người hữu duyên đang đắm chìm trong nhân thế.  

Có duyên với Phật Pháp

Tôi là Đỗ Thị Trung, sinh năm 1955. Tôi được sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần túy Phật giáo, là chị cả của 8 đứa em. 15 tuổi tôi thường đến chùa làm công quả và học chữa bệnh. Ở chùa có phòng thuốc Đông y, khám và chữa bệnh, thầy trụ trì thấy tôi thích xem chữa bệnh, thầy hỏi: “Con có thích chữa bệnh không?” Tôi trả lời: “Dạ thích ạ!” Và thầy đã cho tôi đi học. Đầu tiên thì học và thực tập tại chùa cùng các thầy thuốc, sau đó đi học tại Viện Y học Dân tộc.

Từ đó tôi là một thầy thuốc ở phòng khám từ thiện của chùa. Hàng ngày tôi cùng làm việc với các thầy thuốc ở các nơi đến. Những lúc rảnh tôi được học giáo lý do thầy trụ trì hướng dẫn, nên tôi khá am tường lịch sử Đức Phật Thích Ca và các bài giáo lý căn bản như là nhân quả, vô thường, nghiệp quá khứ hiện tại vị lai.

Đến năm 1975, tôi lập gia đình. Năm 1976, có một con trai. Năm 1978 có một con gái. Năm 1985 có một con gái nữa là 3 đứa. Những năm chung sống cùng với gia đình thường không được vui vì bất đồng quan điểm.

Sau năm 2005, các con tôi đều đã thành gia thất, lúc này tôi quyết định giải quyết việc nhà cho ổn thỏa, gồm cả việc thuận tình ly hôn, sau đó là chia tài sản cho các con. Khi có quyết định của tòa án, tôi hướng đến việc tu luyện và xuất gia ở luôn trong chùa. 

Bị trục xuất khỏi chùa

Thời gian đầu tu hành rất tinh tấn. Nhưng chẳng được bao lâu thì trong chùa xảy ra nhiều việc rất nan giải. Sư bà tự nhiên bị đau đầu, đi chữa rất nhiều nơi, đã đến những bệnh viện lớn để chữa nhưng hoàn toàn không có kết quả, còn nặng hơn.

Một hôm có người đến bảo là bệnh này do bị trúng bùa ngải, nếu muốn hết thì phải cúng, rước thầy có khả năng cao cúng mới hết, rồi người ấy hứa sẽ giúp. Nghe qua câu chuyện tôi thật là ngao ngán. Tôi chợt nhớ những câu nói của quý thầy, quý cô mỗi khi trong chùa có vấn đề bất hảo nào đó, thì đều nói “thời mạt pháp mà, thời mạt pháp là vậy đó”, rồi cho qua, dường như an phận với thời mạt pháp. 

Riêng tôi, tôi thưa với sư bà rằng: “Con người mình bị tất cả những bất an xảy đến, như bệnh tật, công việc, không thành công, làm ăn thua lỗ v.v.  đều là từ nghiệp lực, nếu không tu tinh tấn, không tìm mọi cách để giải nghiệp, mà bỏ tiền ra thuê người cúng thì làm sao hết bệnh được. Bản thân người cúng chắc gì không có nghiệp, vậy thì làm sao họ giải nghiệp cho người khác được.”    

Nhưng sư bà lại chỉ nghe theo lời thầy cúng. Thầy cúng nói với sư bà rằng: “Tôi biết ai thư (yểm bùa) bà rồi, tôi thấy rất rõ, tôi chỉ ai là bà phải trục xuất người đó ra khỏi chùa nghe.” Sư bà đồng ý, thầy cúng nói: “Chính đệ tử bà đã thư bà”. Sư bà tức giận hỏi: “Ai? Ai?” Thầy cúng chỉ ngay tôi, thế là tôi bị trục xuất khỏi chùa.

Bị trục xuất khỏi chùa, bà Trung quyết tâm đi tìm pháp (ảnh: Nguyện Ước)

Ôi đúng là thời mạt pháp! Mạt pháp được nhắc đến trong các kinh điển Đại thừa, ví như trong kinh Đại Tập giải thích rằng, mạt pháp là giai đoạn tiếp sau chính pháp và tượng pháp, tức khoảng 1500 năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn. Trong kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa cũng có nói về sự suy tàn của pháp theo thời gian. Các trường phái của Phật giáo ở Trung Quốc và Nhật Bản tin rằng chúng ta đang ở thời đại cuối cùng của pháp suy thoái. Tuy nhiên, tôi nhớ trong một bài thuyết pháp cho các đệ tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, vào thời mạt pháp sẽ có một pháp khác ra đời để độ nhân. 

Là một sư cô không có chùa ở, không nơi nương tựa, không có pháp để tu, nhưng tôi cương quyết không về với gia đình. Cho dù thế nào đi nữa tôi vẫn tin rằng phải có một pháp mới ra đời. Thế là tôi đi tìm, tìm khắp nơi, đi đến đâu cũng không thấy được chân lý của cuộc sống.  

Lúc này tôi có nhận được một cuốn sách nhỏ tên là “Tìm kiếm miệt mài”, trong đó có nói về nhà sư Thích Chứng Thông, đọc xong tôi thấy rất hay. Tôi tìm địa chỉ liên lạc thì thấy sau sách có 3 số điện thoại của 3 miền Bắc, Trung, Nam; nhưng oái oăm thay, gọi điện thì không ai bắt máy, không có cách nào liên lạc. Tôi đành cất cuốn sách và nghĩ mai mốt mình sẽ tìm sau.    

Nhân duyên chưa đủ, phải lưu lạc xứ người thêm 4 năm 

Lúc này có một người bạn rủ tôi sang Thái Lan tu, nghe nói ở đó tu tốt lắm. Đến Thái Lan tôi xin vào một ngôi chùa để tu, vì là người xuất gia nên dễ được chấp nhận. Ở đây tôi được cấp một chỗ ở gọi là cái cốc. Mỗi người tu gọi là một thiền sinh. Có rất nhiều cái cốc như vậy và rất nhiều thiền sinh đến từ các quốc gia khác nhau như Mỹ, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam v.v.

Tất cả mọi người ở đó cùng nhau tu một pháp môn gọi là xổ nước. Ở cửa các cốc đều có một cái lu nước và một số chai nước 0,5 lít. Hàng ngày, bất cứ ai, kể cả trụ trì, khi đi ra ngoài nơi ở của mình, đều phải cầm chai nước lên và đổ ra từ từ, vừa đổ vừa nói xổ xổ, và nghĩ ở trong đầu là xổ hết ra những nghiệp lực, bệnh tật, tư tưởng xấu v.v. 

Tại các nhà cao tầng của các đại gia xung quanh chùa cũng có cái lu nước như vậy. Tóm lại, bất cứ ai tu theo pháp môn này, dù ở đâu cũng phải theo hình thức ấy.    

Tôi cố ở lại đây được 2 năm, vì sau khi bị đuổi khỏi chùa ở Việt Nam thì đâu có chỗ để tu. Tôi lúc nào cũng suy nghĩ, mình đã tạo bao nhiêu nghiệp lực, tạo bao nhiêu tội, mà chỉ xổ như vậy là sẽ tiêu trừ được nghiệp đã tạo ra từ bao đời, rồi đạt được mục đích của người tu là giác ngộ giải thoát hay sao? Sao dễ quá vậy? Và thế là tôi lại âm thầm đi tìm pháp môn khác.

Trời đất mênh mông, biết tìm pháp nơi đâu? (ảnh: Nguyện Ước)

Để giải quyết vấn đề phương tiện đi lại, đi đến đâu tôi cũng mang theo cái việc chữa bệnh; thậm chí tại Thái Lan, với cái cốc nhỏ, tôi cũng dành được một chỗ để chữa bệnh cho mọi người. Tôi chữa theo cách không dùng thuốc, chỉ có khai thông huyệt đạo, châm cứu và bấm huyệt; phương pháp này rất hợp với cộng động người Việt tại Thái Lan. Người Thái có bệnh thấy vậy cũng vào xin được chữa bệnh. Tuy rằng từ thiện nhưng những bệnh nhân họ cũng gửi lại cho tôi một chút.

Tại đây tôi gặp được vài người Việt đồng cảm nên đã rủ nhau qua Myanmar để tu tập. Tôi vào một thiền viện lớn ở Myanmar, ở đây không có các cốc mà mỗi người được cấp một phòng riêng. Hàng ngày các thiền sinh có 4 thời khóa để tu. Nhưng do không có ai quản lý, tất cả đều là tự giác, nên có những người lợi dụng chốn tu hành; họ không tu nghiêm túc mà gây biết bao phiền phức; làm những người tu chân chính cũng bị ảnh hưởng.

Tôi nghĩ cứ như thế này mãi thì làm sao đạt được mục đích của người tu luyện, đúng là thời mạt pháp, nơi chốn thanh tịnh cũng không thanh tịnh thì làm sao mình tịnh được. Tôi cố ở để chờ tình hình thay đổi, chờ mãi rồi vô vọng.

Cuối cùng tôi phải quyết định đi tìm pháp ở nơi khác. Tôi đến Campuchia, ở đây sát với Thái Lan, Lào và Việt Nam, nhưng có rất nhiều người Trung Quốc. Không khí ở đây không hề yên ắng; rộn ràng nhất là từ các sòng bạc. Tôi thấy luật pháp ở Campuchia rất lỏng lẻo, do đó tôi biết rằng ở đây không có pháp để tu.

Sau gần 4 năm ròng rã lang thang đi tìm pháp, cuối cùng tôi lại phải về chốn quê hương yêu dấu. Trong suốt 4 năm đó, tôi luôn cầu xin ơn trên Thần Phật gia hộ cho tôi tìm được một pháp môn chân chính để tu.

Cơ duyên chín muồi

Vào một ngày nọ, dường như là đã đủ duyên, tôi chợt nhớ tới cuốn sách nhỏ “Tìm kiếm miệt mài” mà tôi đã có được cách đây 4 năm. Tôi lấy ra và gọi điện thoại cho người phụ trách ở miền Nam, và lần này điện thoại đã kết nối được. 

Sau khi hỏi thăm qua lại, tôi tự giới thiệu tôi là một sư cô đang tu bên Phật giáo; tôi có nhận được cuốn sách nhỏ tên là “Tìm kiếm miệt mài”, đọc qua tôi thấy rất hay, bây giờ tôi muốn vừa tu bên Phật giáo, vừa tu thêm Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) có được không? 

Bạn ấy không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà bạn ấy bảo: “Để sáng mai con chở cô lên gặp 2 vị này thì mọi việc đều sáng tỏ”. Sáng hôm sau một chiếc xe hơi đậu trước nhà tôi, xuống xe là một bạn tài xế và 2 bạn cùng đi. Các bạn đã đưa tôi ra Vũng Tàu để gặp hai học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tại đây tôi đã ngộ ra được nhiều vấn đề, đã khai mở cho tôi những bế tắc từ vô thỉ kiếp. 

Vì thời gian có hạn, các bạn phải về, và tôi cũng phải về theo. Tuy không hẹn nhưng hôm sau tôi đã tự mình tìm tòi hỏi thăm để ra Vũng Tàu gặp lại hai học viên kia, hai người họ đã chia sẻ cho tôi nhiều điều về môn tu luyện này. Từ đó tôi đã quyết định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.  

Tại đây các bạn đã tặng tôi cuốn Chuyển Pháp Luân và nói rằng đây là cuốn sách chính để chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cuốn sách có bao da rất trang trọng, kèm theo một số cuốn nhỏ, và một cái đài để luyện công. Tôi xin được ở lại để thực tập luyện các động tác và cách đọc sách Chuyển Pháp Luân.

Bà Trung đang đọc sách Chuyển Pháp Luân (ảnh: Nguyện Ước)

Tôi bắt đầu mở sách ra, trang đầu là ảnh Sư phụ, trang kế là đồ hình Pháp Luân, tiếp theo là bài Luận Ngữ. Mới đọc được đoạn đầu tiên của Luận Ngữ tôi thật sự không đọc được nữa, những câu Pháp đã chấn động tâm tôi. Trước đó tôi chỉ nghĩ rằng Pháp này lớn lắm, nhưng không ngờ lại vĩ đại đến mức như vậy. Tôi thành tâm hợp thập, xếp sách lại và thầm nói với Sư phụ:

“Thưa Sư phụ từ bi tôn kính! Hôm nay con đã đủ duyên sau 4 năm tìm kiếm miệt mài, con đã đến được với Sư phụ, với Đại Pháp. Con cảm nhận được dòng suối từ bi của Sư phụ đã tưới tẩm lên những mảnh đời khô cằn đau khổ sau những năm tháng đi tìm Pháp. Vì chúng con không chấp nhận an phận với những khổ đau do thời mạt pháp, chúng con cảm nhận được là mình rất sung sướng và hạnh phúc, chúng con vô cùng biết ơn Sư phụ!

Lúc trước con đang bên bờ vực thẳm, không biết đi đâu về đâu, giữa dòng đời vô vàn trầm luân và khổ ải. Hôm nay Sư phụ đã dẫn lối con đến được với Đại Pháp, con đã biết mình phải đi đâu về đâu, và đích đến của con ở chỗ nào; thưa Sư phụ, nay con đã biết rồi!”

Tôi đọc hết sách Chuyển Pháp Luân trong 2 ngày. Do mới đọc lần đầu, nên tất cả đều chỉ lướt qua, tôi quyết định đọc lại và đọc chậm hơn. Bây giờ tôi đã hiểu được những bế tắc của cuộc sống, những thất bại của công việc và giao tế hàng ngày, là do tâm chấp trước, tâm tật đố, các loại tâm v.v. khi gặp vấn đề chỉ cần mình hướng nội tìm và đề cao tâm tính thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng hơn. Khi tâm tính đề cao thì nghiệp lực cũng được chuyển hóa.  

Bà Trung đang luyện bài công pháp thứ 5 của Pháp Luân Đại Pháp cùng với các học viên (ảnh: Nguyện Ước)

Đọc hết sách lần thứ 2, tôi thấy Pháp lý Sư phụ giảng tinh thâm huyền diệu quá, suốt nhiều năm tôi tu hành rất tinh tấn, nhưng hoàn toàn không biết những điều này.  

Sau khi tu luyện được 1 tháng thì tôi đã cảm nhận được mọi thứ trong thân và tâm tôi đều thay đổi. Về mặt thân thì các bệnh như đau lưng, bao tử, thần kinh tọa, nóng gan v.v. tự nhiên biến mất. Tôi vẫn biết Pháp này không trị bệnh, nhưng bản thân mình đừng nghĩ có bệnh, chỉ biết tu hành tinh tấn, thì Pháp sẽ quy chính lại tất cả. Còn về tâm, trước kia có ai nói nặng hoặc hơn thua với tôi điều gì thì đừng hòng yên với tôi, nhưng bây giờ đây tất cả đều là hảo sự.

Đến nay (năm 2024), tôi đã tu Pháp Luân Đại Pháp được 5 năm. Không chỉ riêng tôi, mà có những người tôi quen biết, trước tu theo pháp môn khác, nay cũng chuyên nhất tu theo Đại Pháp, vì họ nhận thấy Pháp môn Pháp Luân Công rất hay. Trải qua bao gian nan, bôn ba khó nhọc trên đường tìm đạo, chúng tôi đều thấm thía rằng, được tu trong Đại Pháp là điều may mắn nhất của cuộc đời.

=====================

Bạn đọc muốn giao lưu, chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp thì có thể liên lạc với bà Trung qua số điện thoại 0968 929 742, nhà ở phường 10, quận Gò Vấp, Sài Gòn.

(Thùy Linh, Chân Chân ghi lại theo lời kể của nhân vật)