Từ xưa, âm nhạc vốn được coi là để tán dương Thần Thánh, và các nhạc cụ như những sứ giả thiêng liêng chuyển tiếp lời Thần.
Âm nhạc kết nối con người và Thiên Thượng
Bất kể là dân tộc, chủng tộc, hay người đến từ vùng nào trên thế giới, dường như mọi người đều hiểu được cảm xúc mà ngôn ngữ âm nhạc phổ thông truyền đạt. Ví dụ, ở Trung Quốc cổ đại, các học giả và nhà thông thái đã sử dụng âm nhạc để hướng cảm xúc của con người theo hướng tích cực và nâng cao nhân cách đạo đức của họ; đưa họ đến gần hơn với Chúa Sáng Thế.
Thật thú vị khi biết rằng ký tự truyền thống của Trung Quốc cho niềm vui (樂: Lạc) tương tự như ký tự cho âm nhạc (樂: Nhạc). Ngoài ra, theo suy nghĩ của người Trung Quốc cổ đại, âm nhạc và y học có một mối liên hệ không thể tách rời. Âm nhạc êm dịu được biết đến với đặc tính chữa bệnh từ thời kỳ đầu của nền văn minh Trung Quốc. Ký tự “y học” (藥: Dược) được bắt nguồn từ âm nhạc, với bộ “Thảo” – 艹 ở trên cùng.
Kể từ quá khứ xa xôi, loài người đã sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau – đơn giản hay phức tạp – trong vô số bối cảnh xã hội và văn hóa. Chúng cũng đóng vai trò thiêng liêng kết nối con người với Thiên Thượng khi chúng được chơi với trái tim thành kính, ngoan đạo. Điều này làm cho âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một phương tiện cho tâm linh, và là một cách để khám phá và thờ phượng Chúa.
Dưới đây là một số nhạc cụ cổ xưa trên thế giới và sự kết nối tâm linh của chúng.
1. Cái mõ
Mõ (Mộc ngư: Cá gỗ) là một nhạc cụ gõ truyền thống của Trung Quốc; thường được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo của Phật giáo. Ban đầu, mõ được chế tác theo hình một con cá đang há miệng, tượng trưng cho sự canh giữ của một con cá và nhắc nhở mọi người phải lưu tâm và tỉnh thức.
Nhạc cụ này thường được chơi trong một buổi lễ cùng với những chiếc chuông cầm tay — hai chiếc chuông giống hệt nhau được gắn bằng một sợi dây — và một chiếc bát chuông bằng kim loại. 3 nhạc cụ hòa quyện tạo nên một bầu không khí thiêng liêng đến nỗi chúng như đưa người nghe đến một ngôi chùa Phật giáo xa xôi.
2. Kèn Trumpet
Kèn Trumpet được biết đến như một nhạc cụ quan trọng. Nó không chỉ là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất được thế giới biết đến mà còn được trích dẫn nhiều lần trong Kinh Thánh. Sách Khải Huyền đề cập đến bảy chiếc kèn. Trong đó âm thanh của sáu chiếc kèn đầu tiên biểu thị sức mạnh của sự ăn năn đối với loài người; tiếng kèn thứ bảy báo hiệu sự xuất hiện của Chúa Sáng Thế và sự trị vì đời đời của Ngài trên thế giới loài người.
Các loại kèn Trumpet đã được sử dụng trong chiến tranh như một công cụ phát tín hiệu. Người ta tin rằng những chiếc sừng cổ đại làm bằng ngà và sừng động vật là tiền thân của kèn hiện đại.
3. Chuông
Trong các nền văn hóa truyền thống, âm thanh tốt lành được tạo ra từ tiếng chuông, dù lớn hay nhỏ. Nó báo hiệu sự bắt đầu và kết thúc của một sự kiện quan trọng.
Cả trong văn hóa phương Đông và phương Tây, chuông đều mang một ý nghĩa thiêng liêng; và khi được đánh lên, âm thanh của chúng sẽ kết nối con người với Thần thánh. Trong truyền thống Phật giáo, âm thanh của những chiếc chuông lớn tượng trưng cho tiếng nói của Đức Phật — đấng giác ngộ. Trong một số tôn giáo châu Á, người ta nói rằng những năng lượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ chỉ bằng tiếng chuông chùa.
4. Đàn nhị
Với hơn 4.000 năm lịch sử, đàn nhị hay “đàn vĩ cầm Trung Quốc” là một loại nhạc cụ giữ vị trí quan trọng trong âm nhạc Trung Quốc. Nó được chơi với phần trên cùng của cổ hướng lên trên — hoặc hướng lên trời. Âm nhạc của nó gợi lên những cảm xúc từ bi trong lòng người chơi cũng như người nghe.
Mặc dù chỉ có hai dây, nhạc cụ có vẻ ngoài khiêm tốn nhưng đầy biểu cảm này truyền tải nhiều cảm xúc và nó có thể bắt chước âm thanh, từ tiếng chim kêu cho đến tiếng hí của ngựa. Nó có thể được chơi riêng lẻ, như một phần của dàn nhạc, hoặc đi kèm với các ca sĩ.
5. Đàn lia
Một dạng đàn lia (Lyre) cổ xưa đã được nhắc đến trong Cựu Ước như là nhạc cụ của David. Âm nhạc êm dịu của ông có tác dụng chữa lành cho vua Saul.
Nhạc cụ này cũng đã được miêu tả nhiều lần trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại. Truyền thuyết kể rằng, chính Hermes – sứ giả của Chúa – người đã phát minh ra cây đàn lia đầu tiên từ mai rùa và cây sậy. Hermes trao đổi nó với Vua Apollo – vị thần âm nhạc; bởi vì Hermes đã trộm gia súc của Apollo và khiến cho ông nổi giận.
6. Trống Buk
Trống Buk đã được sử dụng trong âm nhạc văn hóa Hàn Quốc từ thời cổ đại, có từ thời Tam Quốc Triều Tiên (57 TCN – 668 SCN). Cả hai mặt của trống buk được sơn theo truyền thống với biểu tượng âm dương; trong khi thân thùng bằng gỗ được tô màu với các hình vẽ rực rỡ của rồng.
Có một số loại trống buk đã được sử dụng trong cả âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian của Hàn Quốc. Trống được chơi bằng một thanh gỗ ở một bên; hoặc đánh mặt trái bằng tay trái và mặt phải bằng gậy.
7. Shakuhachi
Shakuhachi là một loại sáo thổi cuối (end-blow) truyền thống của Nhật Bản; thường được làm từ gốc của cây tre. Ban đầu được sử dụng cho mục đích thiền định; âm nhạc shakuhachi được liên kết với sự giác ngộ tâm linh cá nhân hơn là các buổi biểu diễn công cộng. Tuy nhiên, bây giờ nó cũng được chơi trong các buổi hòa nhạc.
Theo Tai Hei Shakuhachi , loại nhạc cụ truyền thống này có khả năng tạo ra “nhiều âm thanh của thiên nhiên”; từ mưa nhẹ mùa hạ đến gió thu thổi qua rừng trúc; tiếng kêu chói tai của vịt trời đến dòng nước chảy đầu xuân tạo nên sự yên tĩnh như mặt hồ trên núi.
8. Shankh
Một loại nhạc cụ hơi được làm bằng vỏ ốc xà cừ, shankh đóng một vai trò rất quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo của Ấn Độ. Trong văn hóa Ấn Độ, shankh biểu thị sức mạnh của các vị Thần và chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Người ta cũng tin rằng âm thanh tốt lành được tạo ra khi thổi shankh có khả năng tiêu diệt cái ác và tội lỗi. Shankh với vẻ ngoài khiêm tốn nhưng là một nhạc cụ quan trọng từng được sử dụng ở Ấn Độ cổ đại như một chiếc kèn chiến tranh.
9. Oud
Oud là một nhạc cụ Ả Rập nổi bật giúp giữ cho những truyền thống cổ xưa được lưu truyền. Nó là một nhạc cụ dây cần đàn với cổ ngắn và thân hình quả lê. Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Ả Rập và đã xuất hiện trong nhiều nghiên cứu lịch sử.
Theo Nazih Ghadban, một giáo sư đã nghỉ hưu từ Lebanon, người chế tạo nhạc cụ thủ công, nguồn gốc của nó có từ 5.000 năm trước. “Oud luôn ở đó, nó chứng kiến mọi sự kiện; Những thăng trầm trong nền văn hóa Ả Rập. Đó là lý do tại sao nó được nhắc đến trong nhiều cuốn sách lịch sử,” Ghadban nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
10. Mridangam
Mridangam (“thân đất sét” trong tiếng Phạn) là một loại trống hai mặt được chơi bằng các ngón tay và cả hai lòng bàn tay. Ở một số vùng của Ấn Độ, nó còn được coi là một nhạc cụ của các vị Thần.
Ban đầu, nó được tạo ra từ đất sét, nhưng bây giờ nó được làm từ một khối gỗ duy nhất. Nguồn gốc chính xác của mridangam không rõ ràng; tuy nhiên, nó được nhìn thấy trong một số kiến trúc và bức tranh cổ. Ở miền Nam Ấn Độ cổ đại, mridangam là một trong những nhạc cụ gõ chính để thông báo sự bắt đầu của chiến tranh; vì người ta cho rằng âm thanh thánh thiện của nó sẽ che chở cho Nhà vua và quân đội của ông.
Ngày nay, những “sứ giả thiêng liêng” vẫn không ngừng tiếp nối sứ mệnh của mình, đưa con người đến gần hơn với Thần.
Theo The Epoch Times