Âm nhạc truyền thống: Vì sao đức tính và âm nhạc không thể tách rời?
Âm nhạc truyền thống coi trọng đạo đức, phù hợp với Thiên lý, giúp người nghe nâng cao cảnh giới tinh thần và khởi lên chính niệm.
- Nhà vua từ chối nghe thứ âm nhạc lả lướt gây mê loạn tinh thần
- Âm nhạc là bài thuốc có công dụng kỳ diệu
Trong “Nhạc ký” có viết: “Đức giả, tính chi đoan dã; nhạc giả, đức chi hoa dã”, nghĩa là: Đức tính là căn bản nội hàm của nhân tính, âm nhạc là ánh sáng bên ngoài của đức tính. Nhạc có đủ tu thân dưỡng tính, giáo hóa thiên hạ, liên kết với Thần linh, hợp với thiên địa.
Cổ nhân dùng nhạc để tu thân, lấy nhạc để cúng tế trời đất, nội dung văn hóa phong phú của nó là kết tinh của ba nhà Nho, Thích, Đạo. Đạo pháp tự nhiên hòa hợp với thiên địa, coi trọng trung chính bình hòa, dùng thiện cảm hóa, thiên nhân hợp nhất.
Nội dung chính
Nguồn gốc của nhạc
Liên quan đến nguồn gốc của nhạc thì trong “Nhạc ký” có viết: Phàm là “âm” thì đều sinh ra từ cảm xúc trực quan của con người; mà “nhạc” là liên kết với đại đạo luân thường. Âm nhạc có rất nhiều loại, có nhiều tầng thứ khác nhau. Âm hợp với đạo thì mới có thể gọi là nhạc.
Âm nhạc tầng thứ cao là thể hiện của Thiên Đạo; khiến người cảm thụ âm nhạc có thể bồi dưỡng đạo đức của mình, hàm dưỡng tâm tính. Âm nhạc thấp kém trái ngược với Thiên Đạo; khiến người nghe bị sa sút tinh thần hay ngang ngược kiêu ngạo, dần dần sa đọa.
Cho nên “Nhạc ký” viết: “Quân tử nghe nhạc để đạt Đạo, tiểu nhân nghe nhạc để cầu dục vọng. Lấy Đạo khắc chế dục vọng thì vui mà không loạn; lấy dục để át chế Đạo thì mê mờ mà không vui”; “Duy chỉ có quân tử là có thể hiểu nhạc”. Chủ trương âm nhạc cần phải có ích trong việc giáo hóa con người, chứ không phải là để kích thích giác quan. Vì vậy, đối với âm nhạc phải có sự lựa chọn, duy chỉ có quân tử mới hiểu được âm nhạc chân chính.
Chức năng của âm nhạc
Nhạc có tác dụng giáo hóa xã hội. Nhạc có âm điệu, có tiết tấu, có sức cảm hóa mãnh liệt; nghe tiếng mà lòng thuận theo, từ từ thấm nhuần vạn vật. “Có thể làm lòng dân thêm thiện, cảm động lòng người sâu sắc”. Các bậc Thánh nhân coi trọng nhất là giáo hóa nhân tâm; vì vậy rất chú trọng âm nhạc, dùng nó để thiện hóa dân chúng.
Thời xưa “nhạc” có nghĩa rộng chứ không chỉ là âm nhạc đơn thuần, mà còn là thơ, nhạc, vũ điệu. Thánh nhân sáng tác nhạc để tôn kính Thần linh. Nhạc trong lễ nghi đã trở thành cây cầu để kết nối con người và thiên địa Thần linh. Trong “Dịch thư” có viết: “Tiên vương lấy nhạc để sùng kính Đức, ân cần dâng lên Thượng đế, dùng để thờ cúng tổ tiên”.
Mọi người nghe âm thanh, mắt nhìn nghi lễ uy nghi, cử chỉ đi đứng cung kính, nói năng tất nhiên sẽ hòa ái, dâm tà khó nhập; cảm thấy trong lòng rộng rãi, khoáng đạt. Vì vậy các bậc tiên thánh chế ra lễ nhạc không phải là để thỏa mãn dục vọng ăn uống nghe nhìn, mà là để chỉ bảo nhân dân minh bạch đúng sai thật giả; trở về Thiên lý chính đạo, có thể tương kính lẫn nhau, cảm hóa trên dưới.
Âm nhạc biểu hiện ra cả ‘thiện’ và ‘mỹ’
Thánh nhân sử dụng lễ nhạc, Thiên địa Thần linh đều giúp nó xiển dương giáo hóa, thiên địa hân hoan hài hòa, vạn vật vui mừng thịnh vượng, đạt đến cảnh giới người và Thần hợp nhất. Đây cũng là mục đích chính của nhạc! Vì vậy nói “Đạo lý của nhạc quá thâm sâu”.
Khổng Tử rất coi trọng âm nhạc, bởi vì tính tư tưởng và tính nghệ thuật của âm nhạc là “thiện” và “mỹ”. Lúc Khổng Tử xem “Thiều nhạc” thì khen là “tận mỹ và tận thiện”; khiến ông “3 tháng không biết vị thịt”. Về sau, “tận thiện tận mỹ” không chỉ trở thành một câu thành ngữ, mà còn trở thành một tiêu chuẩn trong lịch sử mỹ học để nhận xét về sự thống nhất hoàn hảo giữa nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật.
Phàm là hợp với nhân đức là thiện; người biểu hiện bình hòa trung dung là mỹ. Đạo của thánh hiền cùng với cảnh giới của thánh nhân, luân lý đạo đức, đều ẩn chứa trong nhịp điệu của mỹ, khiến đạo đức thấm vào âm nhạc. Lúc này nội hàm của “thiện” và hình thức của “mỹ” đã không còn phân biệt.
Tử Hạ nói về sự khác biệt giữa nhã nhạc và âm nhạc chìm đắm
Ngụy Văn Hầu hỏi Tử Hạ: “Nhạc xưa và nhạc nay có gì khác nhau?” Tử Hạ đáp:
“Cổ nhạc là từ thời Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, Thánh hiền truyền dạy nhã nhạc. Tiết tấu bình hòa mà trang trọng, phong phú mà có ý tứ. Tiếng nhạc hài hòa, khí thế mênh mông, các nhạc cụ huyền bào sênh hoàng đều hòa tấu với nhau; nghe theo tiếng trống điều khiển. Lấy tiếng trống để bắt đầu, lấy tiếng kim nao (nhạc cụ bằng kim loại giống như hai chiếc mũ rơm) để kết thúc; vũ điệu mau lẹ, nhã mà không tục.
Trong ‘Thi kinh’ nói: ‘Âm thanh thiện lương thì yên tĩnh an định. Đức hạnh có thể chiếu sáng tứ phương, có thể hiền hòa thuyết phục dân chúng, có thể chọn thiện mà theo’. Cho nên nhạc nay, chỉ có thể gọi là âm nhạc chìm đắm. Lúc biểu diễn thì hỗn loạn, âm thanh gian xảo phóng túng. Biểu hiện ra toàn là ham muốn vật chất cuồng nhiệt. Không có chút tư tưởng nội hàm nào. Hoàn toàn trái ngược với đức, không thể gọi là nhạc được”.
Sư Khoáng ngăn chặn âm nhạc bại hoại
Sư Khoáng của nước Tấn vào thời Xuân Thu được người đời sau gọi là “Nhạc thánh”. Một lần nọ, Vệ Linh Công đến thăm nước Tấn, lệnh cho Sư Quyên trình diễn nhạc khúc. Vừa mới bắt đầu diễn tấu, Sư Khoáng liền vội vàng ngăn lại và nói:
“Mau dừng lại! Đây là điệu ‘thanh thương’, trụ vương nhà Thương bại hoại cũng là do khúc nhạc thô tục này, là âm nhạc chẳng lành. Âm nhạc là truyền bá đức hạnh, âm nhạc si mê có hại cho đức hạnh thì nhất định không được nghe!”
Tấn Bình Công vì vậy mới nói với Sư Khoáng: “Vậy ngươi diễn tấu một khúc cát tường đi”. Sư Khoáng vì vậy đã diễn tấu điệu “thanh chủy”. Chỉ thấy mây lành ẩn hiện, sương khói giăng giăng; có mấy con hạc vỗ cánh bay đến. Về sau mọi người thường dùng “Huyền hạc hàng vân” (hạc huyền diệu theo mây bay xuống) để hình dung âm nhạc mỹ diệu êm tai. Sư Khoáng còn sáng tác “dương xuân”, “bạch tuyết”, nhã nhạc cao siêu rất ít người có thể hiểu, biểu đạt chí hướng cao thượng của quân tử.
Vậy mới thấy, âm nhạc truyền thống xưa có yêu cầu rất cao về đạo đức, không chỉ người diễn tấu mà người nghe cũng phải có đức hạnh mới có thể cảm thụ được.
Theo Vision Times