Tâm và tướng có liên quan mật thiết với nhau. Người xưa thường nói “tâm sinh tướng”, “tùy tâm chuyển tướng”, điều này có nghĩa là gì? Từ trí tuệ cổ nhân có thể biết làm thế nào để ngoại hình đẹp và vận mệnh tốt.
Vẻ đẹp tâm hồn tuy không thể nhìn thấy được; nhưng sẽ bộc lộ ra sức cuốn hút tự nhiên ở hình tướng. Nhất cử nhất động, từng ý từng niệm trong cuộc sống, qua thời gian lâu dần sẽ ngưng kết và cố định lại ở trên khuôn mặt. Điều này cũng có nghĩa là: “Có ở bên trong thì ắt hiển hiện hình tướng ra bên ngoài”.
Tâm là gì?
Trong tiếng Hán chữ tâm (“心”) có 3 dấu chấm tượng trưng cho 3 cuống tim, là chỉ trái tim của một người. Hàm ý của chữ tâm là mọi việc chúng ta làm đều xuất phát từ bên trong. Phật gia và Đạo gia đều nói đến tâm, với ý nghĩa tinh thần; được thể hiện qua ý thức, tư tưởng, suy nghĩ của một người.
Tâm tốt nghĩa là tư tưởng tốt, trong lòng chứa thiện niệm; thể hiện ra bên ngoài là đối xử chân thành, tốt bụng, bao dung, độ lượng; hành động nghĩ cho người khác, thái độ nhẫn nại trước nghịch cảnh.
Trong chữ đức (“德”) thì chữ Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức; ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi. Muốn có đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Vậy mới nói chữ tâm có thể quyết định mọi chuyện xảy ra trong đời một người.
Tướng là gì?
Trong tướng thuật thì tướng là chỉ tướng mặt, còn đại thể là toàn bộ vẻ ngoài, dung mạo.
Trong tiếng Hán chữ tướng dùng để chỉ tướng mạo, hình dáng của người. Nhân tướng học của Trung Quốc cổ đại nghiên cứu về tướng mạo con người trong đó có tướng người, tướng khuôn mặt, tướng ăn, tướng nói, tướng cười, tướng ngủ…Còn trong giới tu luyện người ta nhìn nhận tướng là chỉ phong thái của một người được biểu đạt thông qua cử chỉ, hành động, lời nói, ánh mắt. Người có tướng tốt chính là người có phong thái cao mà phong thái lại xuất phát chính từ nội tâm.
Tâm sinh tướng nghĩa là gì?
Tâm thế nào thì tướng thế ấy. Tâm ở bên trong, tướng ở bên ngoài. Vẻ bề ngoài của một người phản ánh ra nội tâm bên trong của người đó.
Người có lòng từ bi, bao dung vạn vật, thiện đãi người khác thì nhìn là thấy hiền lành, nhã nhặn, dễ chịu. Từ họ toát lên một loại năng lượng tích cực như hào quang tỏa sáng, khiến người gặp gỡ thấy thoải mái ngay cả khi chưa nói chuyện.
Ngược lại, một người thường hay phàn nàn, trong lòng chất chứa thù hận thì khuôn mặt khó ưa. Nếu trong suy nghĩ là sự ích kỷ, giảo hoạt, so đo thì cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, càng tiếp xúc càng thấy khuôn mặt dẫu đẹp cũng không có cảm tình.
Tại sao nói tâm sinh tướng?
Nếu trong lòng dễ chịu, vui vẻ thì lượng máu chảy về phía bề mặt da sẽ tăng lên. Lòng thanh thản bao dung, cách nhìn rộng mở, ý niệm quang minh chính đại giúp ngũ tạng yên định, khí huyết hài hòa, từ đó thân thể khỏe mạnh, phản ánh ra nét mặt bình ổn, thần sắc hồng hào. Khi người khác nhìn vào sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái và muốn kết giao cùng.
Người hay có những trạng thái cảm xúc mất thăng bằng như căng thẳng, ức chế, chi li tính toán, mưu đồ việc ác, thường bị rối loạn nội tiết khiến cho lượng máu cung cấp cho da sẽ giảm đi. Theo đó, sắc mặt khô sạm, nhăn nheo. Tâm tình không tốt kéo dài trong một thời gian còn gây mất ngủ, ngủ không ngon, thần kinh suy nhược và làn da bị lão hóa. Khuôn mặt của người này trở nên xấu xí, dữ tợn.
Ý nghĩa của câu nói tâm sinh tướng đó là nhấn mạnh vai trò quyết định của “tâm” đối với “tướng” của con người. Có thể nói tâm là “nhân” của tướng, còn tướng là “quả” của tâm.
Tâm sinh tướng có đúng không?
Bấy giờ là thời triều đại nhà Đường, Bùi Độ thuở nhỏ sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, trên đường gặp một vị tướng số. Vị này nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng; ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết; bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu dưỡng, hành thiện tích đức .
Mấy ngày sau, Bùi Độ nhặt được trên núi Hương Sơn một chiếc đai ngọc của nữ nhân và tìm trả cho người ta, nhờ thế mà cứu được tính mệnh cha mẹ cô gái ấy. Hôm sau ông gặp lại vị tướng số hôm nọ.
Vị này trông thấy Bùi Độ có ánh mắt trong sáng, thần thái đã khác hẳn, liền nói sau này Bùi Độ sẽ làm quan đại thần trong triều. Vị tướng số bèn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện: “Tấm thân bảy thước chẳng bằng khuôn mặt bảy tấc; khuôn mặt bảy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc; cái mũi ba tấc chẳng bằng một khối tâm”.
Quả nhiên Bùi Độ sau làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là danh tướng toàn tài, đương thời đã thành danh “huân cao trung nguyên, vang danh biên ngoại”. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”, uy danh đức độ của ông sánh với Quách Phần Dương. Bùi Độ có 5 người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lĩnh hơn người.
Làm thế nào để có ngoại hình đẹp và vận mệnh tốt?
Khi suy nghĩ, tâm tính bên trong thay đổi thì vẻ ngoài, dung mạo cũng sẽ thay đổi theo. Tướng mạo không phải cố định từ khi sinh ra, mà nó là kết quả của quá trình tu tâm và hành động lâu dài.
Một người thường tu tâm dưỡng tính chính là:
Trong lòng luôn biết ơn
Người có thể hiểu được ân huệ của người khác thì nội tâm luôn tràn đầy lòng biết ơn. Họ biết ơn hết thảy. Từng người trong cuộc đời, từng sự việc trôi qua đối với họ đều mang một ý nghĩa nhân sinh.
Tâm thường chứa ý niệm biết ơn cũng giống như đóa hoa sen thơm ngát, mọc lên giữa bùn nhơ mà vẫn tỏa hương cho đời. Từ trong ra đến ngoài, dung mạo sao có thể không dịu dàng, xinh đẹp như hoa.
Kết giao với người lương thiện
Cổ nhân dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, cho nên ở gần người lương thiện; tự nhiên theo thời gian suy nghĩ và hành động của bạn cũng hướng thiện.
Trái tim của những người có tấm lòng trắc ẩn giống như ngọn đèn chiếu sáng tứ phương; không chỉ sưởi ấm cho chính họ mà còn sưởi ấm những người khác. Giao lưu và làm việc cùng những người tốt khiến chúng ta cảm thấy ấm áp, hạnh phúc từ trong tâm.
Có niềm tin Thần Phật
Một người tin Thần Phật nhất định sẽ tin vào thiên lý “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Họ hiểu rằng có nhân quả báo ứng, cho nên không thể hàm hồ hành động hại người. Trong suy nghĩ của họ chính là “Trên đầu ba thước có thần linh”. Vì vậy, từng suy nghĩ, hành động, lời nói mặc dù có thể còn thiếu sót nhưng đều được đặt trong tiêu chuẩn khuôn phép.
Người có tâm hướng Phật chính là đang ở trong tu tâm dưỡng tính. Càng kính sợ Trời đất mà nghiêm khắc với bản thân thì dung mạo của họ sẽ càng thể hiện ra nét hài hòa, nhân ái, từ bi.
Xem thêm: