Đời người gặp lúc hoan ca hay thất bại thì quan trọng nhất vẫn là giữ vững được bản thân, thái độ đối đãi với hoàn cảnh sẽ quyết định cảnh giới của một người.
Về thái độ đối với nhân sinh, học giả Thôi Tiển (1478 – 1541) thời nhà Minh đã đưa ra “Lục nhiên huấn”, rất đáng cho người đời sau học hỏi, 6 lời giáo huấn đó là: Tự xử siêu nhiên, xử nhân ái nhiên, hữu sự trảm nhiên, vô sự trừng nhiên, đắc ý đạm nhiên, thất ý thái nhiên.
Tự xử siêu nhiên, ý tứ là giữ mình thanh tịnh, bàng quan với ngoại vật. Năm Gia Tĩnh thứ 14 (năm 1535), Thôi Tiển nhàn rỗi ở nhà tại An Dương, quan phủ địa phương thanh lý 300 mẫu ruộng, đang định lấy phần thuế thu được ở nơi này tặng cho vị học giả đức cao vọng trọng là Thôi Tiển. Thôi Tiển kiên quyết từ chối không nhận, ông quan niệm mình làm mình hưởng, sống thanh bần qua ngày, không vì tiền bạc mà động tâm, không vì ham muốn hưởng thụ vật chất mà đánh mất tiết tháo, đây cũng đủ để thể hiện phẩm cách “tự sử siêu nhiên”.
Xử nhân ái nhiên, ý tứ là đối đãi với người khác thì hòa ái, thân thiết, ôn hòa hiền hậu. Thôi Tiển lúc làm quan ở Nam Kinh, kết giao với một vị bằng hữu tên là Mai Thuần. Năm Gia Tĩnh đầu tiên, lúc Thôi Tiển đảm nhiệm chức Quốc tử giám tế tửu ở Nam Kinh, thì Mai Thuần đã qua đời. Bởi vì nhà nghèo, con trai của Mai Thuần không thể phụng dưỡng bà nội, đành phải bán sách mưu sinh. Thôi Tiển biết được thì lấy một phần lương của mình để tiếp tế cho Mai gia. Sau khi mẹ Mai Thuần qua đời, Thôi Tiển lại chuẩn bị quan tài để khâm liệm. Khiêm tốn đối xử với người khác, lấy việc giúp người làm niềm vui, điều này thật thích hợp để giải thích cho câu “xử nhân ái nhiên”.
Hữu sự trảm nhiên, ý tứ là khi có chuyện thì quyết đoán như chém đinh chặt sắt. Vào năm Chính Đức, Vương Đình Tương bị vu khống và bị nhốt vào lao ngục. Hoạn quan Lưu Cẩn quyền thế hiển hách, trước giờ vẫn rất ghét nhóm người Vương Đình Tương, Thôi Tiển, nhưng Thôi Tiển không sợ uy thế của Lưu Cẩn, tự mình đến nhà ngục thăm Vương Đình Tương, cũng nghĩ cách để cứu Vương Đình Tương, cuối cùng Vương Đình Tương cũng được thả ra. Về sau Thôi Tiển còn viết một bài văn và khen ngợi Vương Đình Tương là “Tồi uổng phạm nan”, tức là vì để sửa chữa sai lầm mà chấp nhận bản thân gặp phải nguy hiểm. Kỳ thực, 4 chữ này mà dùng vào việc Thôi Tiển giải cứu Vương Đình Tương thì chẳng phải rất phù hợp hay sao?
Vô sự trừng nhiên, ý tứ là lúc không có việc gì thì giữ tâm yên tĩnh như mặt hồ. Từ năm Gia Tĩnh thứ 3 (năm 1524) đến năm Gia Tĩnh thứ 18 (năm 1539) là thời kỳ Thôi Tiển ở nhà không có việc gì. Thôi Tiển mỗi ngày không đọc sách thì cũng dạy học trò. Ông còn làm ruộng ở quê, ngày ngày vợ đưa cơm ra đồng, bạn bè vui cười hát điệu dân ca, quả là một bức tranh cuộc sống điền viên yên bình.
Đắc ý đạm nhiên, ý tứ là là vào lúc đắc ý thì vẫn cứ điềm đạm, hài hòa, không bị cuốn theo danh lợi. Mùa xuân năm Gia Tĩnh thứ 18 (năm 1539), Thôi Tiển sau 16 năm ở ẩn tại quê nhà thì con đường làm quan đã bắt đầu có bước ngoặt, ông đầu tiên là đi Bắc Kinh nhận chức Chiêm sự phủ, không lâu sau thì được đề bạt làm Lễ bộ hữu thị lang ở Nam Kinh, bậc quan tam phẩm. Tuy nhiên, Thôi Tiển đối với việc làm quan thì coi rất đạm nhạt, ông nói rằng bản thân thích đọc sách và sáng tác, nhưng nếu làm quan thì cũng sẽ tận hết trách nhiệm. Trước khi nhận chức, ông đi bái tế mộ của cha mẹ và thề rằng, nếu ông đánh mất sự thanh bạch, a dua xu nịnh, làm hại hiền lương, thì không còn mặt mũi nào gặp lại cha mẹ.
Thất ý thái nhiên, ý tứ là vào lúc thất ý thì vẫn thản nhiên như thường, gặp biến không sợ hãi. Năm Gia Tĩnh thứ 3 (năm 1524), Thôi Tiển bị bãi chức phải trở về quê, nhưng ông không có vì vậy mà đau buồn, ông vẫn bình thản đọc sách và dạy học trò. Ông nói rằng, biến cố đột nhiên xuất hiện trước mặt mà không dao động tâm chí, giả như người vào lúc nguy nan mà có thể làm được như thế, thì cũng sẽ không gặp phải tai họa gì.
Theo Vision Times