Người quân tử khác kẻ tiểu nhân ở chỗ, dù khốn cùng cũng không rời xa đạo lý. Vì vậy, người quân tử giữ lễ nghĩa nghiêm cẩn cả trong những điều kiện dễ dãi.

Trong xã hội truyền thống, con người coi trọng “Lễ”. Lễ thể hiện sự cẩn thận, cung kính trong từng lời nói, việc làm. Đặc biệt, người quân tử càng chú trọng đạo lý, không thể vì lợi mà hành động tùy tiện, cũng tuyệt không phải vì không ai nhìn thấy mà thất lễ.

Vậy người quân tử giữ lễ nghĩa như thế nào? Hãy xem hành động của họ trong thanh vắng, nghĩa là ở những tình huống dễ dãi nhất.

Hứa Hành không ăn lê

Trong sách “Thiên Tự Văn” có chuyện “Hứa Hành không ăn lê”, là một ví dụ cho hành động của người quân tử giữ lễ nghĩa.

Cuối thời Nam Tống, binh mã loạn lạc, xã hội bất an, đạo tặc thổ phỉ xuất hiện cướp bóc khắp nơi. Một buổi chiều nọ, Hứa Hành và 7, 8 cậu bé đang chơi đùa, đột nhiên nghe thấy có người gào to: “Thổ phỉ ở Tây Sơn tới đấy”.

Hứa Hành và đám bạn vội chạy về. Đương lúc giữa hạ, trời nóng như lửa, chạy một hồi lâu, cả đám thở không ra hơi. Vẫn còn may là thổ phỉ chưa tới nơi. Đám bạn đều khát tới miệng khô lưỡi cháy.

Một cậu bé tên Từ Lượng vui vẻ kêu lên: “Lê kìa, các cậu mau tới đây!”. Đám trẻ nhảy cẫng lên, lao tới cây lê. Chỉ thấy trong một cái sân hoang tàn có hai cây lê cổ thụ, quả chín vàng ươm treo khắp cây.

Trên khoảnh đất đó, đồ đạc ngổn ngang, cửa sổ hé mở, xem ra vì gặp cướp nên chủ nhà đã sớm bỏ chạy chẳng thấy tung tích.

Từ Lượng trèo lên cây, hái một quả thật to cắn trước, rồi hái các quả khác ném xuống cho các bạn. Cả đám nhỏ hi hi ha ha tranh nhau nhặt lê ăn, vô cùng vui vẻ.

Vì sao chỉ mình Hứa Hành không ăn lê?

“Ồ, sao chỉ mình Hứa Hành lại ngồi một chỗ không ăn lê nhỉ?”. Từ Lượng ngạc nhiên, hỏi Hứa Hành: “Cậu không khát ư?”. Hứa Hành lắc đầu: “Có khát chứ, nhưng lê không phải của mình, sao có thể tùy tiện ăn đây?”.

Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
Người quân tử ví như ngọc quý, ngọc thà vỡ nát chứ không chịu uốn cong mình (ảnh minh họa: Kknews).

“Ôi cậu ngốc thật đấy! Nay binh mã loạn lạc, chủ nhân cây lê này vốn đã chẳng biết đi đâu rồi; vì sao lại không ăn?”.

Hứa Hành không nhận quả lê đưa tới, nói: “Lê tuy tạm thời không có chủ; nhưng trong lòng chúng ta tuyệt đối không thể làm bừa! Làm người cần hết sức thành thực. Những quả lê này dù thế nào cũng không phải của chúng ta, ăn rồi, có khác gì lũ trộm cướp đâu? Vì thế, tôi có khát đến mấy đi nữa thì cũng không thể ăn những quả lê này“.

Hứa Hành, cậu bé không ăn lê nên bị lũ bạn coi là ngốc khi đó, về sau này trở thành một học giả, chính trị gia kiệt xuất, luôn được người đời tôn kính.

Lưu Tấn thắt đai lưng

Chuyện dẫn từ Chánh Kiến. Vào thời Nam Bắc triều, có người tên là Lưu Tấn, tự Tử Kính. Năm Thái Dự (472 SCN) ông từng làm quan cho Hoàng đế nhà Minh, là một vị quân tử rất có đức độ. Ông là người học thức uyên bác, đối với người khác rất cung kính, thận trọng, chính trực ngay thẳng; ông và người anh trai Lưu Hiến, cả hai đều được người đời vô cùng kính trọng.

Một đêm nọ, Lưu Hiến đột nhiên nghĩ rằng có chuyện cần nhắn nhủ với em trai. Vì thế, ông đã gọi tên em trai của mình đang ở phòng bên cạnh. Vừa dứt lời, thì lập tức có tiếng sột soạt truyền đến từ phòng của Lưu Tấn. Ông nghĩ rằng em trai sẽ sớm hồi âm; ông cứ đợi và đợi, đợi mãi không thấy trả lời nên rất lấy làm kỳ lạ.

Phải một lúc sau, ông mới nghe thấy giọng nói kính cẩn của cậu em trai: “Sư huynh, huynh có chuyện gì thế?”. Ông ngạc nhiên nói với em: “Ta đã đợi khá lâu, đệ làm gì mà bây giờ mới trả lời?”

Lưu Tấn chưa thắt đai lưng chưa trả lời

Lưu Tấn vô cùng xin lỗi nói: “Bởi vì thắt lưng của đệ còn chưa buộc chặt; ăn mặc tuỳ tiện, trả lời anh như thế thật là thất lễ. Cho nên đệ mới chậm trễ một thời gian dài như vậy, thật sự xin lỗi sư huynh”.

Quân tử như ngọc quý, ôn hòa mà sáng suốt
Người quân tử luôn hành động cung kính (ảnh: Facebook).

Thì ra Lưu Tấn đã thay đồ ngủ rồi, đang nằm trên giường. Vừa nghe thấy anh trai gọi mình, ông vội vàng xuống giường, lấy bộ quần áo chỉnh tề mình hay mặc ban ngày, nhanh chóng mặc vào, thắt đai lưng, toàn thân trên dưới đều chỉnh tề đứng lên một cách kính cẩn rồi mới đáp lại anh trai.

Trong sách “Lễ Ký – Khúc Lễ” của Trung Quốc cổ đại, phần mở đầu có ghi: “Khúc lễ viết, vô bất kính”. “Vô bất kính” chỉ thái độ tôn trọng và cẩn trọng ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất. Vậy khi nghe thấy anh trai mình gọi, tại sao Lưu Tấn không trả lời trước rồi mới đi ra? Bởi vì điều mà ông một lòng nghĩ đến chính là làm người nhất định phải biết cung kính.

Người quân tử nghiêm khắc với bản thân

Chúng ta thử suy ngẫm xem, anh em ruột thịt không phải quan hệ xa cách, phòng ngủ cũng không phải là chính điện tiếp khách; thời điểm buổi tối đi ngủ càng không cần phải quá kỹ lưỡng lễ tiết trước sau. Trong tình huống như vậy, mỗi người đều nghĩ không cần quá câu thúc; cho nên ngôn ngữ hành vi cũng sẽ tự nhiên trở nên tùy ý tùy tiện.

Nhưng Lưu Tấn lại không nghĩ như vậy, ông cảm thấy bản thân mình còn đeo thắt lưng lỏng lẻo; toàn thân chưa xử lý được tốt, làm sao có thể thản nhiên trả lời anh trai? Đó chính là không lễ phép.

Lưu Tấn nghiêm khắc ước thúc bản thân, ông là người xuất sắc trong việc giáo dục phẩm đức và tu dưỡng đạo đức. Thái tử Văn Huệ ngưỡng mộ danh tiếng ông từ lâu, đã cung kính mời ông vào Đông cung nhậm chức. Lưu Tấn không phụ sự mong đợi của mọi người; ông trung thành, tận tâm, cẩn trọng, và trở thành một đại thần nổi tiếng.

Câu chuyện “Lưu Tấn thắt đai lưng” truyền cảm hứng cho chúng ta rằng, cho dù làm bất cứ chuyện gì, người quân tử giữ lễ nghĩa, nghĩa là không đánh mất lòng cung kính. Nếu một người có sự chân thành và cung kính với mọi điều nhỏ nhặt xung quanh, thì mới có thể như “Đức nhật tiến, quá nhật thiểu” nghĩa là đức hạnh ngày một hanh thông, lỗi lầm ngày một tiêu vong dần dần (trích từ Đệ Tử Quy).

Người quân tử giữ lễ nghĩa, chính là như Hứa Hành và Lưu Tấn, trong mọi hoàn cảnh đều hành động theo đạo lý.

Mời xem video: