Chúng ta vẫn thường cho rằng thời gian ngủ “8 tiếng” một ngày là tốt nhất, ngủ quá nhiều hay quá ít đều có hại cho sức khỏe. Có đúng như vậy không?
Thời gian ngủ mỗi người là khác nhau
Tờ “PRESIDENT Online” của Nhật đã chỉ ra rằng, khi con người ngủ có thể sắp xếp lại trí nhớ trong não, dọn dẹp một số rác không cần thiết, giúp cơ thể phục hồi, giải tỏa mệt mỏi về thể chất và tinh thần. Do đó, nếu bạn muốn bổ sung năng lượng và làm việc hiệu quả hơn thì một giấc ngủ ngon là điều không thể thiếu.
Khi được hỏi “nên ngủ bao nhiêu tiếng một ngày”? Có thể nhiều người sẽ trả lời là “8 tiếng”. Trên thực tế, thời gian ngủ thích hợp của mỗi người có thể khác nhau do sự khác biệt về gen. Có người chỉ ngủ 3 tiếng, có người lại cần ngủ 10 tiếng. Tình huống thực tế còn phụ thuộc vào tình trạng của từng cá nhân.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng, cơ thể con người có 20 gen liên quan đến giấc ngủ. Hiện nay người ta đã tìm ra có tới 351 gen thực sự ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra các yếu tố như mùa, nhiệt độ, thời gian nắng, v.v., cũng như điều kiện làm việc của não và cơ thể ngày hôm đó, tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nguồn gốc của “lý thuyết ngủ 8 tiếng”
“Lý thuyết ngủ 8 tiếng” ra đời như thế nào? Lý thuyết này lần đầu tiên được đưa ra cùng với hệ thống làm việc 8 giờ. Vào thời điểm đó, công nhân ở châu Âu và Hoa Kỳ thường làm việc 10-11 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ cuối tuần. Bởi vì thời gian làm việc quá nhiều khiến người lao động không có thời gian ngủ nghỉ bình thường, nên các sự cố do mệt mỏi xảy ra thường xuyên.
Vì vậy, phải mất nhiều thập kỷ thì người lao động mới có thể làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều với hai ngày nghỉ một tuần. Vào thời điểm đó, khẩu hiệu được công nhân hô vang là “8 giờ để ngủ, làm việc và giải trí”, điều này đã tạo ra lý thuyết về ngủ 8 tiếng.
Nick Littlehales, cựu chủ tịch Hiệp hội Giấc ngủ Anh, cho biết: Mỗi người có thời gian ngủ khác nhau và có sự khác biệt lớn giữa các cá nhân, ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều đều có hại cho sức khỏe. Việc phải ngủ đủ 8 tiếng có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và uể oải.
Thay vì lo lắng về việc liệu mình có ngủ đủ 8 tiếng hay không, chúng ta có thể tập trung vào chu kỳ giấc ngủ của mình. Nói chung, người lớn cần 4 đến 6 chu kỳ giấc ngủ hoàn chỉnh mỗi đêm. Một chu kỳ giấc ngủ kéo dài khoảng 90 phút. Nếu bạn ngủ 6 tiếng hoặc 7.5 tiếng đến 9 tiếng mỗi đêm, bạn có thể thức dậy vào cuối chu kỳ giấc ngủ.
Thời gian ngủ tốt nhất cho các nhóm tuổi là khác nhau
Các nhóm tuổi khác nhau có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới công bố, những người ngủ trung bình từ 6 đến 7,25 tiếng mỗi ngày có tuổi thọ trung bình cao nhất.
Theo kết quả khảo sát, Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (The National Sleep Foundation) đã công bố thời gian ngủ tốt nhất cho các nhóm tuổi khác nhau.
1-2 tuổi: 11-14 tiếng
3-5 tuổi: 10-13 tiếng
6-13 tuổi: 9-11 tiếng
14-17 tuổi: 8-10 tiếng
18-65 tuổi: 7-9 tiếng
Trên 65 tuổi: 7 ~ 8 tiếng
Nếu bạn thức dậy trong thời gian ngủ được khuyến nghị cho nhóm tuổi tương ứng và thức dậy với trạng thái tinh thần tốt, điều đó có nghĩa là thời gian ngủ này phù hợp với bạn và bạn có thể tiếp tục duy trì. Tất nhiên, do sự khác biệt của từng cá nhân, thời gian ngủ tốt nhất chỉ mang tính chất tham khảo.
Ngủ ít và thức khuya đều có hại cho sức khỏe
Một số người đi ngủ sớm nhưng ngủ không đủ giấc, trong khi những người khác đi ngủ muộn nhưng thường hay ngủ nướng. Hai thói quen này đã trái với quy luật đồng hồ sinh học của cơ thể, nên sẽ gây hại cho sức khỏe.
1. Ngủ không đủ giấc
Thiếu ngủ trong thời gian dài có thể dẫn đến sự tích tụ chất chuyển hóa độc hại β-amyloid trong não, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Thiếu ngủ làm tăng lượng calo hấp thụ, làm tăng nguy cơ béo phì.
2. Ngủ nướng
Một số người đi ngủ muộn và dậy muộn, nhưng họ không biết rằng ngủ nướng sẽ không bổ sung năng lượng cho cơ thể mà còn làm tăng sự mệt mỏi và buồn ngủ của cơ thể, khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng. Trong cuộc sống hàng ngày, dễ xảy ra một số cảm xúc không tốt như cáu kỉnh, lo lắng, điều này sẽ dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và bệnh tâm thần.
Kỳ thực, thời gian ngủ của mỗi người là khác nhau. Khi bạn thức dậy với tâm trạng tốt có nghĩa là thời gian ngủ này phù hợp với bạn. Hơn nữa, để có sức khỏe tốt bạn cũng cần giữ thói quen đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
Theo Vision Times