Tinh tế là gì? Tinh là những gì tinh túy thuần khiết nhất; tế là vi tế, nhỏ bé. Tinh tế nghĩa là có thể cẩn thận để ý đến những điều nhỏ nhặt nhất.
- Tâm tĩnh, mọi việc sẽ tĩnh theo – triết lý của Dương Vương Minh
- Chữ Nhân (人) ẩn chứa đạo lý thâm sâu đời người
Tinh tế đến từ những việc nhỏ bé
Nói đến tinh tế, tôi nghĩ ngay đến câu ‘làm việc lớn chớ quên tiểu tiết’ và ‘muốn làm việc lớn đừng câu nệ tiểu tiết’; thế này thì chẳng phải mâu thuẫn với nhau rồi hay sao? Tôi nghĩ không mâu thuẫn vì nó chỉ là từng giai đoạn khác nhau của sự việc.
Khi bạn đang phải làm một việc gì đại sự thì có thể thông cảm khi có một vài sai sót nào đó. Nhưng lúc bình thường không có gì nguy cấp thì nhất định không được quá xuề xòa; nó có thể là mầm mống của tai họa.
Tôi nhớ đến anh hùng Quan Vũ (Quan Vân Trường) trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Ông có thể là anh hùng trên trận mạc, bách chiến bách thắng, qua 5 ải chém 6 tướng; có thể cùng huynh đệ uống rượu say ngã sa trường. Nhưng ông lại là một người rất tinh tế.
Trong một lần thua trận không còn cách nào khác, Quan Vũ buộc phải ‘hàng nhà Hán chứ không hàng Tào Tháo’, nhưng cũng bị bắt về dưới trướng của Tào Tháo. Tào Tháo muốn tìm mọi cách để thu phục nhân tâm của Quan Vũ để ông không tìm cách trở về với Lưu Bị nữa.
Trong lúc đi đường và nghỉ lại ở một trạm xá, Tào Tháo muốn làm rối loạn lễ vua tôi nên đã để Quan Vũ và hai chị dâu ở cùng một nhà. Quan Vũ thấy vậy liền thắp đuốc đứng gác ngoài cửa từ tối đến sáng; sắc mặt không lúc nào tỏ ra mệt mỏi. Quan Vũ thực sự thể hiện được là một người trọng lễ. Người tinh tế thường là người hiểu chữ “lễ”, biết cách cư xử cho phải đạo.
Sự tinh tế giữa những người bạn
Câu chuyện của những người bạn thân: Một cô bạn tìm tôi và ngồi lặng lẽ khóc. Đó là thời điểm khủng hoảng khi cùng lúc mất việc, chia tay người yêu. Cô kể, cô mới đi uống cà phê với 2 người bạn chơi rất thân từ nhỏ. Hai người bạn ấy thi nhau kể về thành công của họ. Một người mới được nhà chồng cho đất và chuẩn bị làm nhà. Người còn lại cũng đang làm việc với mức thu nhập cao ở thành phố lớn, chuẩn bị đi du học…với rất nhiều sự tự hào khác nữa.
Cô bạn tôi nói: “Đáng lẽ tôi nên mừng cho thành công của những người bạn. Nhưng không hiểu sao càng nghe họ kể về sự thành công, tôi càng buồn và càng cảm thấy mình là kẻ thất bại”. Tôi hiểu cảm xúc của cô. Khi người ta hạnh phúc, nhìn đâu cũng thấy niềm vui. Nhưng khi đang trong khủng hoảng, thì rất dễ cảm thấy tủi thân.
Nếu 2 người bạn kia tinh tế một chút, đừng đem sự thành công ra nói suốt buổi. Nếu biết nói ít đi 1 chút về sự thành công của mình, thể hiện sự quan tâm đến người kia, hẳn họ sẽ đem đến niềm hạnh phúc cho những người còn lại. Nhưng chỉ thiếu đi một chút tinh tế, họ đã vô tình gây tổn thương cho bạn mình.
Sự tinh tế giữa vợ chồng
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người nghĩ rằng có tiền sẽ trở nên tinh tế. Nhưng chẳng lẽ người không có điều kiện thì không thể có sự tinh tế? Tới đây, tôi lại nghĩ đến câu chuyện của một doanh nhân thành đạt. Ông kể rằng, vợ chồng ông cũng trải qua những giai đoạn rất khó khăn mới có được thành công của ngày hôm nay: “Thuở cơ hàn, bữa ăn thường không có nhiều món. Vợ tôi khi đó chỉ chuẩn bị cơm canh, có món rau luộc tươi ngon chấm nước mắm ớt tỏi vì cô ấy biết tôi rất kén ăn. Đó là sự tinh tế của người vợ mà tôi luôn cảm ơn trong suốt cuộc đời mình”.
Ông cũng cố gắng đáp lại sự tinh tế đó của vợ cũng không phải bằng vật chất, mà bằng sự quan tâm từ những thứ rất nhỏ như không làm những điều vợ không thích, sẵn sàng giúp đỡ khi vợ cần… Ông chia sẻ rằng sự tinh tế không chỉ cần cho mỗi con người mà cần cho cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Bởi khi có sự tinh tế, người ta sẽ biết cách làm cho cuộc sống dễ chịu từ những hành động tế nhị, thấu hiểu người khác.
Giáo dục của gia đình rất quan trọng
Sự tinh tế chính là sự quan tâm, cảm thông với người khác. Nó là cả một quá trình trải nghiệm và học hỏi, rèn luyện bản thân.
Tôi thấy thật lạ khi ngày nay nhiều người có thể tự nhiên ngồi hát Karaoke giữa phố; đến nỗi mà cách đó cả 100 mét vẫn còn nghe thấy tiếng họ hát. Nếu từ nhỏ họ được bố mẹ dạy rằng phải tôn trọng sự riêng tư của người khác; vậy thì khi lớn lên họ có thể mở Karaoke hết cỡ như vậy để tra tấn hàng xóm hay không?
Tôi nghĩ sự tinh tế này chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của gia đình. Những chuẩn mực được cha mẹ rèn giũa từ nhỏ sẽ được chúng ta mang theo mãi về sau này.
Nếu một đứa trẻ được cha mẹ dạy phải vét từng hạt cơm thừa ở trong bát, thì sau này chúng không dễ gì mà hoang tàn phá hoại. Nếu một đứa trẻ được cha mẹ dạy yêu thương động vật thì sau này chúng không dễ gì mà sát hại người khác.
Nếu một đứa trẻ được cha mẹ dạy đi đâu cũng phải nhìn trước ngó sau, ăn trông nồi ngồi trông hướng; vào nhà người lạ đừng tùy tiện đi ra nhà sau hoặc vào phòng ngủ của người ta; vậy thì lớn lên không dễ gì mà phóng túng bản thân…
Làm sao để học được sự tinh tế?
Kể ra thì rất nhiều, nhưng không phải là chúng ta không thể học để trở nên tinh tế. Nhiều người cứ nói là quen như thế mất rồi; đây chẳng qua là lười thay đổi và chỉ muốn cố thủ với cái sai của mình.
Bạn đừng nghĩ rằng muốn làm gì thì làm. Trong xã hội nó còn có một ‘luật ngầm hiểu’; ở đó yêu cầu bạn phải tinh tế để nhận ra. Nếu bạn không thèm quan tâm đến nó thì rồi có lúc bạn sẽ thấy không còn ai muốn chơi với mình nữa.
Vậy làm sao để học được sự tinh tế? Nó đơn giản thôi, chỉ cần bạn chịu khó quan sát, chịu khó suy nghĩ cho người khác; từ từ rồi bạn sẽ trở nên tinh tế hơn.
Còn nhỏ thì học từ cha mẹ thầy cô, lớn lên thì học từ sách vở xã hội. Những lời minh triết của các bậc thánh hiền truyền thừa qua nhiều thế hệ không gì khác hơn cũng là để bạn rèn luyện bản thân và trở thành một người tốt hơn, một con người tinh tế hơn. Việc này không có gì là khó, chỉ là bạn có muốn thay đổi hay không mà thôi.