Chữ Nhân “人” trong tiếng Hán có nghĩa là “người”, chỉ gồm 2 nét cơ bản nhưng lại ẩn chứa rất nhiều đạo lý thâm sâu. Đúng là viết chữ Nhân thì dễ nhưng làm người thì thật là khó.

Chữ Nhân là thể hiện của Đạo

Theo chiết tự tiếng Trung, kết cấu chữ “人” (nhân) gồm một nét phẩy và một nét mác. Cũng theo lý luận của Đạo gia, phía bên trái là dương bên phải là âm. Bởi vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải để hợp thành chữ “人” (nhân); đây cũng chính là thể hiện của Đạo.

Nguyên lý thái cực cho rằng tương ứng với âm dương lần lượt là vật chất và ý thức. Đối chiếu với con người chúng ta thì chính là thể xác và tinh thần. Trong đó tinh thần là thuộc về dương, thể xác hay thân thể người là thuộc về âm; dương là thể (chủ thể, chủ ý thức), âm là dụng (thân thể, ứng dụng).

Như thế đối với con người mà nói, tinh thần mới thực sự chính là bản thân mình. Thân thể con người vì có tinh thần mới sống và hoạt động. Bởi vậy trong cách viết chữ “人” (nhân) nét phẩy thường dài còn nét mác thường ngắn; nét phẩy thường cao còn nét mác thường thấp.

Nếu một người theo đuổi dục vọng, truy cầu tiền tài vật chất quá độ, rơi rớt hết cả tinh thần, đạo đức, thì đã không còn là một người bình thường nữa; kiểu người như vậy chính là “âm thịnh dương suy“. Cách viết của chữ  “人” (nhân) sẽ bị đảo ngược trở thành chữ “入” (nhập). “Nhập” chính là nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt; cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.

Làm người thì nên đơn giản một chút

Chữ nhân “人” trong “Khải thư” và chữ “nhân” trong giáp cốt văn (chữ khắc trên mai rùa và xương thú thời nhà Thương, Trung Quốc, thế kỷ 16 -11 TCN) vào 3.000 năm trước đều là 2 chữ vô cùng đơn giản không có gì thay đổi. Chỉ là chữ “nhân” trong giáp cốt văn mới nhìn thì giống như con người thực sự; hai tay rủ xuống ở trước ngực, cúi khom người xuống. 

chữ nhân là gì; chữ nhân trong nho giáo; chữ nhân trong tiếng trung
Chữ Nhân trong giáp cốt văn (ảnh Epoch Times)

Mọi thứ trong cuộc sống quả thực rất phức tạp; bao chủng loại người, bao chủng loại quan hệ. Ấy vậy mà cả hai chữ “nhân” ở mỗi thời đều vô cùng đơn giản; phải chăng nó đang thể hiện triết lý nhân sinh rằng giữa nhân thế vô thường này thì làm người càng đơn giản thì càng có thể trở thành người chân chính?

Về 2 nét cấu tạo nên chữ Nhân thì có một vài cách giải thích thú vị như sau:

Chữ Nhân: Một nét biểu thị sự phát triển, một nét biểu thị cho sự già yếu

Đời người chính là một quá trình trao đổi, thay cũ đổi mới; cái mới không ngừng được sinh ra và cái cũ không ngừng bị đào thải đi. Con người chỉ có không ngừng thu nạp những vật chất mới được sinh ra và loại bỏ đi những thứ mục nát thì mới có thể sửa cũ thành mới; phát triển khỏe mạnh.

Một nét biểu thị cho sự tiến lên, một nét biểu thị cho sự thoái lùi

Đời người tựa như leo núi, từng bước từng bước mà leo lên. Nhưng khi đã lên đến đỉnh núi thì lại từng bước từng bước hướng xuống. Những người kiên trì leo được lên đến đỉnh cao là người đáng kính; nhưng lên đến đỉnh cao mà không lưu luyến địa vị; có thể lên được xuống được mới là người đáng trân quý.

Một nét biểu thị cho niềm vui, một nét biểu thị cho phiền não

Niềm vui và phiền não, hạnh phúc và khổ đau đều song hành tồn tại; có thể khích lệ nhau tiến lên. Con người khi trải qua phiền não thống khổ mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc của cuộc đời.

chữ nhân trong ngũ thường; chữ nhân trung quốc; đạo làm người
Hai nét một cao một thấp cũng là thể hiện của âm dương (ảnh Pinterest)

Chữ Nhân: Một nét là thuận cảnh, một nét là nghịch cảnh

Cuộc đời có thuận cảnh và nghịch cảnh; thậm chí nghịch cảnh còn nhiều hơn thuận cảnh. Trong cuộc đời, đa phần toàn là những việc không như ý; chính là để xem chúng ta đối mặt như thế nào. Có thể vượt qua nghịch cảnh thì bạn mới tìm được giá trị của bản thân cũng như ý nghĩa của cuộc sống

Một nét là trả giá, một nét là thu hoạch

Nếu bạn trả giá nhiều hơn một chút thì đương nhiên bạn cũng thu hoạch được nhiều thành công hơn một chút. Đôi khi mất đi không phải là điều đáng buồn; không phải là một loại tổn thất mà lại là một loại kính tặng, hiến dâng…

Một nét là quyền lợi, một nét là trách nhiệm

Mỗi người đều có quyền lợi làm người nhưng cũng phải gánh vác trách nhiệm làm người.

chữ nhân trung quốc; đạo làm người; đạo làm người của Khổng Tử
Hai nét bổ trợ cho nhau tạo nên một chữ Nhân hoàn chỉnh (ảnh cidianwang)

Một nét là bản thân, một nét là người yêu thương

Vợ chồng là “trợ thủ đắc lực” của nhau. Tay trái xách đồ vật mệt mỏi, không cần mở miệng nhắc nhở, tay phải cũng tự nhiên đưa qua xách thay. Tay trái bị thương cũng không cần kêu la, cầu cứu, tay phải tự nhiên sẽ gánh vác thay cho tay trái.

Chữ Nhân: Một nét là bạn bè, một nét là đối thủ

Quá trình phát triển của một người không bao giờ tách xa khỏi bạn bè; có nhiều bạn bè sẽ có nhiều con đường. Có đôi khi bằng hữu chính là đối thủ mà có khi đối thủ lại chính là bằng hữu. Có bằng hữu và đối thủ, cuộc đời mới không hết động lực.

Một nét là nửa đời trước, một nét là nửa đời sau

Nửa đời trước bén rễ, nảy mầm, nở hoa. Nửa đời sau kết quả, thu hoạch, cất trữ. Đường đời mặc dù dài nhưng điều quyết định có khi chỉ là mấy bước cuối cùng.

Hai nét dài ngắn bổ trợ cho nhau tạo nên một chữ Nhân hoàn chỉnh; con người cũng thuận theo đó mà có một nhân sinh vẹn toàn.

Tổng hợp