Tết Trung Thu có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước. Trong chữ Hán chữ Thu – 秋, gồm chữ Hòa 禾 nghĩa là cây lúa, và chữ Hỏa 火 nghĩa là lửa, biểu thị mùa lúa chín là mùa thu.
Nguồn gốc ra đời tết Trung Thu
Trong “Thuyết văn giải tự” viết: “Thu, hòa cốc thục dã”, nghĩa là: “Mùa thu là lúc mà lúa và ngũ cốc chín”. Tháng 8 âm lịch là giữa mùa thu, các giống ngũ cốc lần lượt chín, thu hoạch. Người nông dân vui mừng mùa màng bội thu, làm lễ tạ ơn Trời Đất, tạ ơn Thần Nông, lễ tạ ơn ông bà tổ tiên.
Cho nên, con người dùng các loại ngũ cốc chế biến ra các loại thực phẩm như bánh, các loại hoa quả để lễ cúng tế. Tháng 8 âm lịch là giữa thu nên gọi là Trung Thu. Ngày rằm lại là ngày giữa tháng. Do đó dần dà, người ta định ra ngày rằm tháng 8 là Tết Trung Thu, với khởi nguồn là tạ ơn Trời Đất, Thần Nông, ông bà tổ tiên sau vụ mùa bội thu.
Đến khi có văn tự ghi chép thì Trung Thu được ghi chép sớm nhất vào thời nhà Chu. Trong “Lễ ký” có chép: “Thiên tử mùa xuân tế lễ Thần Mặt trời. Mùa thu tế lễ Thần Mặt trăng”.
Tương truyền thời cổ đại, nước Tề có người con gái xấu xí là Vô Diêm. Cô từ nhỏ thường thành kính bái mặt trăng. Khi trưởng thành, cô được vua tuyển vào cung vì có đức hạnh xuất chúng. Nhưng do cô xấu xí nên chưa bao giờ được vua sủng ái. Một năm vào đêm rằm tháng 8, vua nhìn thấy cô dưới ánh trăng, thấy cô xinh đẹp xuất chúng. Sau đó lập cô làm hoàng hậu. Từ đó mọi người học theo thành tục đêm rằm Trung Thu bái mặt trăng. Và Tết Trung Thu ra đời từ đó.
Truyền thuyết về Tết Trung Thu
Truyền thuyết Hằng Nga bôn nguyệt
Ngọc Hoàng có mười người con trai. Một ngày kia, họ đều biến thành mười mặt trời, khiến mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Ngọc Hoàng lệnh cho các con quay về nhưng không ai nghe lời. Ngài bèn mời Hậu Nghệ đến.
Hậu Nghệ có tài bắn cung, đã bắn hạ chín mặt trời. chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng thấy chín con trai của ông đã chết bèn trừng phạt Hậu Nghệ bằng cách đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.
Thấy Hằng Nga đau khổ vì mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường tìm thuốc trường sinh. Sau hành trình đầy gian khổ, nguy hiểm, chàng đã gặp Tây Vương Mẫu. Bà cho chàng một viên thuốc. Bà dặn mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.
Hậu Nghệ mang thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Chàng dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp. Sau đó chàng có việc phải rời khỏi nhà. Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc. Đúng lúc Hậu Nghệ trở về. Sợ Hậu Nghệ nhìn thấy mình lục lọi chiếc hộp.Hằng Nga đã nuốt chửng cả viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh.
Mặc dù Hậu Nghệ muốn bắn Hằng Nga để tránh không cho nàng bị lơ lửng trên bầu trời, nhưng không thể nhằm mũi tên vào nàng. Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.
Từ đó có chuyện gọi là Hằng Nga bôn nguyệt (嫦娥奔月), là một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất trong dân gian Trung Hoa.
Hằng Nga bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng. Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh.
Mỗi năm một lần, vào ngày rằm tháng 8, Hậu Nghệ và Hằng Nga mới được đoàn tụ trong niềm hân hoan hạnh phúc. Vì vậy, mặt trăng luôn thật tròn và sáng vào ngày này để thể hiện niềm vui sum họp, đoàn viên của con người.
Hằng Nga và chú Cuội
Xưa kia có nàng tiên nữ vô cùng xinh đẹp và yêu quý trẻ nhỏ tên là Hằng Nga. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em. Nhưng tiên giới không cho phép.
Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”. Ai làm ra chiếc bánh ngon, đẹp và lạ mắt sẽ được trọng thưởng. Hằng Nga được phép xuống trần gian hỏi thăm cách làm bánh. Nàng gặp Cuội – cậu bé chuyên gia nói dóc. Cuội bày cho Hằng Nga cách bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên.
Kỳ lạ thay, những chiếc bánh ra lò có mùi thơm phức. Các em nhỏ đều tấm tắc khen ngon. Làm xong những chiếc bánh thơm ngon, Hằng Nga vui vẻ trở về cung đình để dự thi. Nhưng Cuội lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga. Cuội đã nắm lấy tay nàng, muốn giữ nàng ở lại. Một sức mạnh kỳ lạ nào đó đã kéo cả Cuội và cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Lên đến cung trăng, Cuội có thể nhìn thấy bọn trẻ đang chơi đùa. Cuội nhớ trần gian, nhớ nhà, nhớ lũ trẻ nên đôi khi lại ngồi khóc buồn bã.
Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải nhất và lấy tên là “Bánh Trung Thu”. Mỗi năm, cứ đến rằm tháng tám, nàng xin Ngọc Hoàng, được cùng chú Cuội xuống trần gian chơi với các em nhỏ. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là “Tết Trung Thu” – tết của trẻ em.
Tết Trung Thu xưa và nay
Thời Hạ, Thương, Chu, Thanh
Từ thời thượng cổ, người cổ đại rất coi trọng ngày Trung Thu, tức Tiết Thu phân. Lễ cúng trăng quy mô lớn được tổ chức để thể hiện sự thành kính của con người với Thần Phật. Đây là tục lễ có từ lâu đời trong lịch sử.
Theo “Đại Đới Lễ”, từ thời Hạ, Thương, Chu đã có nghi lễ cúng trăng vào ngày Trung Thu, được gọi là “Tịch Nguyệt”. Trong “Chu lễ chú giải” có viết “Thiên tử thường xuân phân triều nhật. Thu phân tịch nguyệt“. Tạm dịch: Thiên tử thường hướng về phía Tây cúng lễ vào tiết Xuân phân và Thu Phân. Từ thời Hạ, Thương, Chu cho đến triều Thanh, đều tổ chức đại lễ cúng tế trời đất vào dịp này. Hoàng đế sẽ cùng với các vị quan đại thần hướng về phía Tây cúng tế mặt trăng. Nguồn gốc của việc cúng trăng vào tiết Trung Thu bắt nguồn từ lễ nghi “Tịch Nguyệt” cổ vào tiết Thu Phân.
Thời Đường
Thuật ngữ “Tết Trung thu” xuất hiện vào thời nhà Đường. Vào cuối thời Đường và đầu thời Tống, có một người vô danh đã hát bài “Động Tiên Ca”. Lời rằng, “Trong gió cao, tiến gần tới Tết Trung Thu“. Năm Khai Nguyên thời Đường, đã bắt đầu có tục lệ ngắm trăng tròn vào đêm Trung Thu. Vua Đường Huyền Tông rất thích thưởng nguyệt trong cung. Nhưng trong những ngày lễ chính thức được ghi lại trong “Thông Điển” thời Đường chưa có “Tết Trung Thu”.
Thời Bắc Tống
Vào thời Bắc Tống, Tết Trung thu đã trở thành đại lễ, vui vẻ và náo nhiệt. Các cửa hàng trong kinh đô dựng lên những lầu gác đầy màu sắc. Trang trí bằng các loại cờ xí, gấm nhung, náo nhiệt. Theo ghi chép trong “Đông kinh mộng hoa lục”, “trước Tết Trung thu, tất cả các cửa hàng đều bán rượu mới cất; kết hoa nhiều màu sắc trước cửa, trang hoàng rực rỡ. Vào đêm Trung Thu, các gia đình cùng quây quần thưởng nguyệt và chơi trăng. Người dân sẽ cùng tụ tập, hát múa vui vẻ tới sáng“.
Thời Nam Tống
Nam Tống đón Tết Trung thu cũng vậy. Trong “Mộng Lương Lục”, Ngô Tự Mục có ghi chép việc ngắm trăng thưởng nguyệt vào “Tết Trung thu”: “Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8. Ngày này Thu vừa đúng một nửa, nên được gọi là “Trung Thu”. Vào ngày này, người dân Hàng Châu ngoài việc lên lầu, lên đài ngắm trăng, cấm được đi lại vào ban đêm“.
Người xưa tặng gì vào tết Trung Thu?
Lễ cúng trăng tiết Thu phân là dịp Chu Vương thể hiện sự quan tâm với bách tính. Đây cũng là quy chế phong tục thời Chu. Thời đó, người dân kính trọng những người lớn tuổi. Trong ngày này, mọi người thường có thói quen biếu cháo cho bậc trưởng bối lớn tuổi chứ không phải bánh Trung Thu. Cháo là thực phẩm bổ dưỡng; tốt cho tiêu hóa; thích hợp cho sự hấp thu của người già. Phong tục này tới thời nhà Đường vẫn còn dư âm.
Trong cuốn “Tuế hoa kỷ lệ” của Hàn Ngạc thời nhà Đường có ghi chép, Trung Thu là thời điểm thể hiện sự kính trọng người già. Mọi người thường tặng các thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc gậy chống cho người già. Thời điểm này, bánh trung thu vẫn chưa phải là thực phẩm cần thiết của Tết Trung thu.
Đến thời nhà Tống, “bánh trung thu” đã xuất hiện. Nó không phải là loại bánh dành cho dịp tết này. Vào thời Nam Tống, “bánh trung thu” thường được bán ở chợ, tại đô thành Tiền Đường (Hàng Châu). Nó không phải là loại bánh trung nướng thơm mùi bơ mà là món điểm tâm hấp. Chu Mật thời Tống có ghi chép về các phong tục tập quấn trong “Võ lâm cựu sự.” “Bánh trung Thu là một loại “Thực phẩm hấp” giống bánh bao, nhân đậu. Đây là món ăn vặt điểm tâm phụ của người dân bình thường, được bán bốn mùa quanh năm.”
Khi nào bánh Trung thu trở nên phổ biến?
Ăn bánh Trung Thu đã trở thành một phong tục dân gian phổ biến vào dịp Tết này. Vậy việc tặng bánh bắt nguồn từ khi nào? Vào cuối thời nhà Nguyên, có lưu truyền câu chuyện dùng bánh nướng truyền tin “Ngày mười lăm tháng tám sát hại thái tử”.
Thời Minh
Vào thời Minh, Tết Trung Thu còn được gọi là “Tết đoàn viên”. Dân gian thường làm những chiếc bánh trung thu lớn hình tròn để cúng trăng, gửi gắm ước nguyện “trăng tròn, bánh tròn, người người đoàn viên”. (Trong tiếng hán chữ “Viên -圆” nghĩa là tròn có trong từ “团圆” Đoàn viên). Bánh nướng khi đó to như thế nào? Trong “Đế kinh cảnh vật lược” Lưu Đồng có viết: “Bánh có đường kính hai thước”. Sau khi cúng trăng, mỗi người trong gia đình đều phải ăn một miếng. Tặng bánh Trung Thu để chúc phúc cầu mong mọi người được “Đoàn viên”. Nhà thơ Hạ Nhật thời Minh trong “Trung Thu nhật cung thuật” miêu tả, bánh Trung Thu có màu vàng kim, được nặn hình và nướng.
Thời Thanh
Phong tục Tết Trung thu vào thời nhà Thanh kéo dài tới thời Minh Phong. Cuốn “Thanh Gia Lục” của Cố Lộc viết: “Trung Thu bán bánh gọi là bánh Trung Thu“. Trong “Yến kinh tuế thời ký. Nguyệt bính” của Phú Sát Đôn Sùng ghi chép. Bánh trung thu được sử dụng ở khắp mọi nơi để cúng trăng. Bánh trung thu có đường kính khoảng hơn một thước. Nhiều nhân vật huyền thoại như Cung trăng, Thỏ Ngọc đều được vẽ trên bánh. Sau khi thưởng nguyệt ngắm trăng, các gia đình cùng nhau thưởng thức. Mỗi người một phần, cũng để dành một phần cho những người xa quê chưa thể về đoàn viên với gia đình. Có người giữ bánh trung thu đến giao thừa mới ăn, gọi là “Bánh đoàn viên”.
Trong các tiểu thuyết chương hồi thời Thanh cũng xuất hiện hình ảnh bánh Trung Thu. Trong Hồng Lâu Mộng, một ngày trước tết Trung Thu trong Giả phủ “Bánh Trung Thu, dưa hấu đều đã có sẵn, chỉ đợi mang đi biếu”. Kèm theo là hình ảnh những người trong gia tộc này cùng ăn bánh và thưởng nguyệt, cúng trăng.
Theo The Epoch Times