Đối nhân xử thế có thể thu phục lòng người thông qua cách nói chuyện, giao tiếp. Đó là một trong những bài học cần học trong cuộc đời. Người học và làm được điều này cũng là người biết đặt mình vào vị trí của người khác. Nhờ vậy mà có thể đối xử với người khác bằng thiện niệm.
- Thành công cần nhẫn nhịn, đức hạnh cần bao dung
- Thần nhìn nhân tâm bằng cách nào? Tại sao người quân tử đều rất thận trọng?
- Giá trị của lời nói tốt lành
Nguyên tắc khi đối nhân xử thế
Sinh thời, Đức Khổng Tử từng giảng: “Muốn đạt đến mức đối xử với người bằng lòng nhân từ, trước hết phải làm được chuyện tu sửa bản thân mình. Mỗi người không ngừng nâng cao sự tu dưỡng đạo đức của chính mình, đồng thời nâng cao cả cảnh giới tư tưởng.
Trong bất kì hoàn cảnh nào luôn nói những lời nói tốt đẹp. Cuộc sống có lúc nghèo nàn hay giàu có cũng như nhau. Con người cần biết được như thế nào là đủ với mình mà không chạy theo những thứ ham muốn dục vọng.
Khi giao thiệp với những nhân sĩ có chí hướng, bản thân mình sẽ học được những tri thức của họ. Chính vì thế ta có thể cẩn thận lựa chọn bạn bè, lựa chọn những lời cần nói và những việc cần làm.
Không những vậy, cần nêu cao tiêu chuẩn đạo đức mà làm thành những nguyên tắc đối xử ở đời của con người. Bản thân cần giữ vững tấm lòng trong sạch mà thiện tâm với người khác. Đó cũng là thể hiện biết trân quý sinh mệnh con người.
Cần tỉnh táo để nhận ra một điều rằng ‘phú quý không thể làm mê loạn tư tưởng của mình’. Hay ‘nghèo nàn cũng không thể sửa đổi hành vi phẩm chất thường ngày của bản thân’. Có thể nói là “uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm” . Như vậy mới làm một người chính nhân quân tử.
10 câu nói kinh điển về cách đối nhân xử thế thời cổ đại
1. Gặp nhau trò chuyện đôi câu, chớ nên gan ruột gót đầu phơi ra
Tăng Quảng Hiền có câu: “Phùng nhân thả thuyết tam phân thoại, vị khả toàn phao nhất phiến tâm”. Nghĩa là: “Gặp nhau trò chuyện đôi câu, chớ nên gan ruột gót đầu phơi ra”. Trong xử thế giữa người với người đừng nên nói hết ra những suy nghĩ trong lòng. Chúng ta cần có chút giữ lại cho mình. Phần giữ lại nên nhiều hơn lời được nói ra, chỉ nên nói ba phần là đủ.
Tại sao không nên nói thật hết ra? Có câu nói: Nói dài ra nói dại; nói nhiều sẽ nói hớ; kết giao bình thường không thể chia sẻ sâu. Khi tuyệt giao rồi không nên cất lời ác độc, nói chuyện phải cẩn thận, không thể không giữ mồm giữ miệng, chính là đạo lý này.
2. Thứ mà người quân tử có thể lĩnh hội được là đạo nghĩa, thứ mà tiểu nhân có thể lĩnh hội được là lợi ích
Người xưa có câu “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi’. Có nghĩa là: thứ mà người quân tử có thể lĩnh hội được là đạo nghĩa, thứ mà tiểu nhân có thể lĩnh hội được là lợi ích. Chữ “Dụ” ở đây có nghĩa là hiểu rõ, lĩnh hội. Hàm nghĩa cụ thể là giá trị quan của người quân tử và kẻ tiểu nhân khác biệt. Người quân tử hành sự đều dựa trên đạo nghĩa, còn tiểu nhân hành sự là tính toán lợi và hại.
Cái gọi là “Lợi” chính là lợi ích vật chất như tiền bạc, của cải. Cái gọi là “Nghĩa” chính là giá trị đạo đức vượt trên lợi ích vật chất như, chính là đạo nghĩa, chính nghĩa. Người quân tử hành sự lấy nghĩa làm bản chất, làm gì đều dùng ‘nghĩa’ so sánh rồi mới làm hay không.
Còn tiểu nhân chỉ coi trọng tư lợi, dùng lợi để đánh giá cân nhắc, sẽ vì lợi mà vứt bỏ đạo nghĩa. Họ làm việc gì cũng chỉ nghĩ xem có lợi ích gì, kiếm chác được gì không.
3. Đừng nghĩ việc thiện nhỏ mà không làm, đừng tưởng việc ác nhỏ mà lại chủ quan thực hiện
Trong Tam Quốc Chí có câu: “Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi”
Nghĩa là: “Đừng nghĩ việc thiện nhỏ mà không làm, đừng tưởng việc ác nhỏ mà lại chủ quan thực hiện”. Người hiện đại thường nóng vội, tham công, hám lợi. Khi gây dựng sự nghiệp, họ chỉ muốn một bước là thành tựu, một đêm là thành danh, một ngày là thành tài. Họ luôn xem “việc nhỏ” là tầm thường. Tuy nhiên, bản thân có khi lại quên mất rằng việc lớn nhờ có tích tiểu mà thành đại. Họ không xem trọng lỗi sai nhỏ. Thực ra chính sơ suất nhỏ lại có thể gây ra sai lầm lớn.
4. Chỉ cần có thiện ý, cho dù nói không chính xác cũng là vô tội
Trong Thi Kinh có câu “Ngôn giả vô tội, văn giả túc giới “.
Có nghĩa là: Người đưa ra ý kiến chỉ cần có thiện ý, cho dù nói không chính xác cũng là vô tội. Người nghe cho dù không có khuyết điểm hay sai lầm đối phương nói, cũng có thể thấy được khuyết điểm nào đó mà tự răn mình.
5. Cần cảnh giác với người không thân thiết với mình nhưng lại nói như người thân thiết
Trong Hậu Hán Thư có câu “Giao thiển ngôn thâm quân tử sở giới”. Câu này có nghĩa là: Những người có giao tình không thân thiết, sâu sắc với ta nhưng lời nói lại giống như thân thiết; người quân tử nên cảnh giác với hành vi này của họ.
6. “Dĩ ái kỷ chi tâm ái nhân, tắc tận nhân”.
Trong Chính Mông Trung Chính có câu “Dĩ ái kỷ chi tâm ái nhân, tắc tận nhân”. Câu này nghĩa là: Yêu thương, trân quý bản thân cũng như yêu thương trân quý người khác. Đó là cảnh giới cao nhất của việc làm người.
7. Người quân tử thản nhiên thư thái; kẻ tiểu nhân lo lắng, ưu sầu
Trong Luận ngữ có câu “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”
Nghĩa là: Người quân tử thì thản nhiên thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu. Khổng Tử cho rằng, người quân tử quang minh lỗi lạc, không lo âu, không sợ hãi. Họ giữ được tâm tĩnh thản nhiên trước mọi khó khăn. Người quân tử bảo trì cảnh giới nội tâm như vậy sẽ dùng cách thiện lương đối đãi với người khác.
Còn kẻ tiểu nhân thì lo được, lo mất, luôn cảm thấy người khác có lỗi với mình. Hoặc việc nào đó không có lợi cho mình luôn bận rộn tính toán so đo. Người tiểu nhân này bị các loại dục vọng và lợi ích dẫn dắt. Họ thường xuyên rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi, do đó “luôn so đo tính toán”.
8. Người quân tử hoà hợp với người khác, kẻ tiểu nhân tâm không thể hoà hợp trong tâm
Xuất xứ: Luận ngữ có câu “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”.
Khổng Tử quan niệm, “Hòa nhi bất đồng” là người quân tử khi đối nhân xử thế thì có lòng độ lượng bao dung mọi người. Tuy nhiên, bản thân vẫn kiên trì giữ vững tiết khí và đạo nghĩa của mình. Họ cùng mọi người giúp đỡ lẫn nhau chứ không a dua phụ họa quyền thế.
Tiểu nhân kết giao ắt sẽ cùng mưu lợi, dựa vào cường quyền. Ai nấy đều ôm lòng hại người lợi mình. Để đạt được tư lợi thì cả bọn về bề ngoài đoàn kết nhất trí. Thế nhưng đằng sau lưng lại liền ngấm ngầm công kích nhau, triệt hạ nhau, do đó “Đồng nhi bất hòa”.
Quân tử kết giao thanh đạm như nước. Tiểu nhân kết giao ngọt ngào như rượu. Quân tử không truy cầu. Đồng thời, sẽ không yêu cầu người khác phải giống như mình. Mỗi người giữ đặc điểm riêng của mình. Khi đối đãi bằng hữu thì người quân tử có thái độ tôn trọng lắng nghe.
Đó là loại kết giao thuần tịnh không nhiễm sắc thái công danh lợi lộc nào. Do đó xem ra rất bình thường thanh đạm như nước. Thực tế đó là một loại kết nối tâm hồn.
9. Biết mình biết người mới là người có tri thức
Trong Đạo Đức Kinh có câu “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”.
Nghĩa là: Người tự mình biết mình mới hiểu được khả năng của bản thân. Biết người là khôn, biết mình là sáng; thắng người là kẻ có sức, tự thắng mình là kẻ mạnh. Mỗi người đều có đặc điểm riêng, không ai giống ai. Mỗi người có vẻ đẹp riêng, ưu điểm riêng. Cuộc sống vốn là như vậy, bầu trời vốn là như vậy. Vì thế điều cần thay đổi không phải là hoàn cảnh mà chính là tâm thái của chính mình.
10. Đừng tự cho rằng năng lực của mình xuất sắc mà tự cao tự đại
Trong Tương Giới có câu “Bất ngạo tài dĩ kiêu nhân, bất dĩ sủng nhi tác uy”.
Nghĩa là: Đừng tự cho rằng năng lực của mình xuất sắc mà tự cao tự đại. Cũng đừng vì bản thân được thương yêu mà làm mưa làm gió, thể hiện uy quyền. Đó là cách đối nhân xử thế của bậc chính nhân quân tử.
Ngược lại những kẻ xu nịnh, thường để được lợi cho bản thân mà bất chấp mọi thủ đoạn. Kẻ đó dám đổi trắng thay đen, thêu dệt thị phi ắt sao cho thỏa mãn lợi ích cá nhân.
10 câu nói kinh điển trên của cổ nhân về cách đối nhân xử thế để lại cho hậu thế những bài học tốt đẹp. Nhờ đó giúp thu phục nhân tâm, giữ gìn được cốt cách thanh cao và lương thiện của con người.
Theo Aboluowang