Giá trị của lời nói tốt lành
Người xưa có câu “Lời nói tốt lành quý hơn ngọc trai, lời nói tổn thương còn hơn đao kiếm”. Cẩn thận lựa chọn từ ngữ khi giao tiếp là điều quan trọng trong đối nhân xử thế. Ở bất kỳ thời đại nào, ngôn ngữ được ví như cầu nối giao tiếp giữa con người với nhau. Lời nói tốt lành như một phương tiện hữu hiệu để biểu đạt tư tưởng, tình cảm tốt đẹp của con người.
- Trái tim thiện lương của cô giáo có thể cải biến cả những trò cá biệt
- Sống lương thiện là một sự lựa chọn sáng suốt
- Mỗi con người sinh ra đều có bản tính lương thiện
Lời nói tốt lành không chỉ nói lời dễ hiểu, mà cần những lời nói chân thành xuất phát từ trái tim. Một lời nói tốt lành, chân thành dễ thuyết phục và đi vào lòng người. Một lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng, uyển chuyển sẽ làm người khác cảm động. Người Việt cũng thường ví von “Chim khôn tiếng hót rảnh rang, người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe”.
Nội dung chính
Câu chuyện về sức mạnh của lời nói tốt lành
Một cặp vợ chồng trẻ mới cưới về quê thăm bố mẹ, cô con dâu nói chuyện vui vẻ với mẹ chồng trong phòng khách. Anh con trai ngồi bên thêm vào: “Vợ con cái gì cũng tốt, nhưng chân hơi dày”. Nàng dâu vốn đang tươi cười mặt sa sầm lại khi nghe chồng nói vậy.
Cô quay mặt đi, những giọt nước mắt lăn trên má. Bà mẹ chồng nhanh nhẹn đỡ lời: “Thằng ngốc, chân dày mày dạn mới đứng vững được”. Bà tiếp tục: “Mẹ thấy vợ con tốt rồi, dung nhan chỉ là thứ bên ngoài, đức hạnh mới là điều quan trọng nhất”. Cô con dâu nghe được lời nói tốt lành từ mẹ chồng liền tươi cười trở lại. Không khí gia đình trở nên vui vẻ.
Câu chuyện về lời nói tổn thương
Một đàn ếch đi ngang qua một khu rừng, chẳng may hai con ếch bị rơi xuống một hố sâu. Các con ếch còn lại vây quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng do miệng hố quá sâu, nên những con còn lại liền nói với hai con ếch rằng; các bạn chỉ còn nước chết mà thôi.
Bỏ ngoài tai những lời nói đó, hai con ếch cố hết sức để nhảy khỏi hố. Đàn ếch tiếp tục bảo chúng đừng phí sức, chúng chỉ còn nước chết.
Cuối cùng, một con ếch đã nghe theo cả đàn nói, nó tuyệt vọng bỏ cuộc và ngã lăn ra chết..Con ếch còn lại tiếp tục lấy hết sức để nhảy ra khỏi hố. Đàn ếch một lần nữa xúm lại, hét to xuống miệng hố bảo nó bỏ cuộc đi. Nghe thấy vậy, nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng, nó đã lên được miệng hố.
Cả đàn vây quanh hỏi: “Sao cậu lại có thể nhảy lên khỏi miệng hố?”.Nó đáp: “Tôi rất mệt, nhưng tôi nghĩ các cậu đã cổ vũ tôi rất nhiệt tình, nên tôi lấy hết sức để nhảy lên”. Thì ra con ếch này bị nghễnh ngãng. Vì thế, nó tưởng rằng các bạn khích lệ nó nhảy lên miệng hố.
Như vậy, lời nói có sức mạnh khôn lường. Một lời nói tốt lành có thể giúp ai đó vượt qua khó khăn, sóng gió cuộc đời. Một lời nói cũng thể kết thúc sinh mệnh một người trong cơn tuyệt vọng. Bạn hãy biến lời nói thành hạt giống, gieo vào lòng người những điều ngọt ngào, thiện lương để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Lúc nóng giận nên im lặng là lời nói tốt lành nhất
Thường khi nóng giận trong tâm chúng ta rất bức bối, muốn tìm đối phương để “xả” cho hả giận. Tuy nhiên, bạn có biết lời nói trong lúc nóng giận thường là muốn luận tội đối phương nhưng vì quá nóng nảy mà bản thân không kiềm chế được.
Hãy để một khoảng hòa hoãn cho tâm ta tĩnh lại, để suy nghĩ từ nhiều góc độ khác nhau. Trong khoảng im lặng đó cơn nóng giận sẽ dần lắng xuống, nguôi ngoai và mọi chuyện sẽ êm đẹp trở lại. Chỉ khi ta bình tĩnh mới đủ bao dung để suy xét mọi việc theo tiêu chuẩn tâm tính nhất định.Và có như vậy mới xuất ra những lời nói tốt lành.
Phân thắng bại trong lúc nóng giận thật ra chỉ là tranh hơn nhau chút “khẩu khí”. Lời nói tuy nhẹ như gió thoảng nhưng hàm ý của nó thì sâu cay có thể làm tươi tắn lòng người nhưng cũng có thể làm tàn úa một kiếp người. Trong vô minh ta thường cố gắng giành phần thắng cho mình trên cửa miệng mà quên rằng “khẩu nghiệp” thật dễ tạo.
Làm thế nào để nói lời hay, đẹp lòng người?
Người xưa có câu “mau nói mau lỗi”, điều này nhằm nhắc nhở chúng ta mỗi khi nói điều gì hãy suy nghĩ cho thật kĩ. Khi lời nói đã nói ra trên cửa miệng rồi thì rất khó để rút lại lời nói đó. Suy nghĩ cẩn trọng trước khi phát ngôn sẽ hạn chế được những lòi nói lỗi.
Trước khi định nói điều gì hãy nghĩ ” Lời nói ấy có gây tổn hại gì tới đối phương hay không?” Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người đón nhận câu nói ấy để cảm nhận.Những lời nói tốt lành luôn tràn ngập yêu thương. Chỉ có vậy mới giúp mối quan hệ giữa người với người thêm tốt đẹp.
Khi nói nên từ tốn, chậm rãi, không nói quá nhanh khiến đối phương không nghe rõ được. Lời nói sẽ phản ánh được nội tâm con người. Một người nội tâm hiền hòa sẽ phát ra lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe. Ngược lại một người nội tâm bất thiện nói ra những lời cục cằn khó nghe. Như vậy, mục đích giao tiếp không những không đạt được mà còn làm tổn thương lòng người.
Tục ngữ có câu ” Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” có ý khuyên răn con người ta nên suy nghĩ thật kĩ trước khi nói. Bởi lẽ, lời nói cùng với sức khỏe, thời gian ba việc mà khi mất đi rồi không bao giờ lấy lại được! Chúng ta đừng tiếc những lời nói tốt lành mỗi ngày bạn nhé!
Theo Epochtimes