Đối nhân xử thế là gì? Người thời nay đã hiểu sai thế nào?
Đối nhân xử thế là gì? Có phải là cách ứng xử khéo léo cho vừa lòng người? Người ngày nay đã hiểu sai nguyên nghĩa của cổ nhân như thế nào?
Trí tuệ cổ nhân là một kho tàng vô giá. Trong đó bạn có thể tìm thấy nghệ thuật xử thế, đạo lý làm người, nguyên tắc tu dưỡng bản thân… Tất cả chỉ gói gọn trong vài chữ thoạt nhìn tưởng đơn giản mà cô đọng, súc tích và đầy gợi mở.
Nội dung chính
Đối nhân xử thế là gì?
Đối nhân xử thế viết theo tiếng Trung là 为人处世. Chữ 为 có hai nghĩa hán việt là vi (làm) và vị (vì). Nếu theo nghĩa vị (tức là vì) thì có thể hiểu là vì người mà xử thế. Tức trong giao tiếp với người thì trước hết cần phải nghĩ cho người khác.
Tuy nhiên, ngày nay nếu tìm thông tin trên mạng “Đối nhân xử thế là gì?”, bạn sẽ nhận được câu trả lời là cách ứng xử khéo léo để được lòng người, có lợi cho mình. Bản chất đã hoàn toàn sai so với nguyên nghĩa vốn có ban đầu.
Người xưa chú trọng tu dưỡng bản thân để trở thành người có khí chất, tầm nhìn, có nội hàm, biết buông bỏ lợi ích cá nhân, sống vì người khác. Bởi cổ nhân cho rằng đạo lý đối nhân xử thế cũng chính là đạo lý tu dưỡng bản thân cho tốt.
Đối nhân xử thế trong trí huệ của người xưa
Người xưa nói, chuyện trong thiên hạ 8,9 phần là không như ý. Hành trình trong kiếp nhân sinh của mỗi người có lẽ không thiếu những giai đoạn va vấp, nhấp nhô túng quẫn. Ta nên dùng tâm thái nào để đối diện? Người hiện đại ngày nay không dễ lý giải. Còn cổ nhân xưa lại có trí huệ, lý lẽ riêng.
1. Trạm cao (Đứng ở trên cao)
Vương An Thạch thời Bắc Tống từng nói: “Bất úy phù vân già vọng nhãn, chỉ duyên thân tại tối cao tầng”. (Dịch nghĩa: Phù vân trên núi không che được tầm nhìn của người leo núi. Bởi thân họ nay đã ở tầng cao nhất rồi).
Phù vân trên núi có thể che khuất tầm mắt người leo. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng thế. Có quá nhiều những “áng mây” che mất tầm nhìn. Những quan niệm hủ bại sai lệch, hay những câu chuyện phiếm xáo rỗng vô vị đều có thể che mờ tầm nhìn của chúng ta. Chúng gây trở ngại cho ta nhận ra phương hướng đúng đắn. Phản tỉnh chính mình, đâu thực đâu hư mới chính là điều sáng suốt.
Khi một người có thể đứng trên đỉnh núi, thì những phù vân kia giờ đã không còn là “vật cản đường” nữa mà đã thành “thảm trải bước chân”. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Khi đặt vị trí của mình trên một tầm cao, mọi phù vân chỉ là hoa cỏ bên đường. Chúng chỉ góp phần tô điểm cho cuộc sống chúng ta mà thôi. Khi đặt mình trên một tầm cao nhất định, chúng ta sẽ định hướng được tương lai chuẩn xác hơn.
Một người tâm mang hoài bão ắt sẽ có được tấm lòng bao dung thiên hạ. Họ sẽ chẳng vì được mất của bản thân mà tâm mang sầu não. Có câu: “Tâm người bao cao, cảnh giới bấy cao” cũng chính là ý này.
2. Vọng viễn (Nhìn xa)
Cổ nhân có câu: “Đi một bước, nhìn mười bước” . Bạn có thể nhìn xa tới đâu sẽ quyết định bạn có thể đi được bao xa. Người không có tầm nhìn xa, tất tìm kiếm những điều nhìn thấy được ở gần. Chỉ tìm những điều lợi lộc trước mắt, không có ngày mai.
Kiếp nhân sinh như một vũ đài rộng lớn. Nếu muốn vũ đài tương lai của mình muôn hoa đua sắc, thì cần phải phá vỡ trạng thái hiện tại. Bạn cần bỏ đi tâm ẩn dật, đưa tầm nhìn xa rộng hơn.
Cổ nhân giảng: “Giang hải bất dữ khảm tỉnh tranh kỳ thanh. Lôi đình bất dữ điểu tước tranh kỳ thanh”. Dịch nghĩa: Sông biển không cạnh tranh trong sạch với giếng hồ. Sấm sét không cạnh tranh tiếng kêu với chim tước”.
Biển rộng mênh mông vô bờ bến. Sấm sét có thể gọi mưa bão về. Tất cả đều vì chúng biết mình đang gánh vác điều gì, và có tầm nhìn rộng lớn, khoáng đạt.
Dù có năng lực đến đâu nhưng không có tầm nhìn bao quát, con người ta cũng sẽ trở nên tầm thường, không chí tiến thủ.
3. Quảng vấn (học vấn rộng)
Cổ nhân giảng: “Đa kiến giả thức quảng, bác lãm giả tâm hồng”. Dịch nghĩa: Người gặp nhiều tất có nhận thức rộng. Người uyên bác tâm tất bao la.
Người đọc sách nhiều, ắt có nhiều tri thức. Tâm mang hoài bão cũng vì thế mà rộng mở hơn người khác. Hay nói cách khác, người muốn có tri thức, muốn có kinh nghiệm, là một người học bác uyên thâm, tâm hoài chí lớn ắt phải đọc cho nhiều. Xã hội phát triển là nhờ tri thức. Trí người sáng là nhờ học hỏi. Trong đó cũng bao gồm những trải nghiệm thực tế trong xã hội. Điều ta nghe, cái ta thấy, không gì là uổng phí cả. Tất cả đều tương trợ tương thành một đời cho chúng ta.
4. Thận ngôn (thận trọng lời nói)
Lưu Hướng thời Tây Hán nói: “Quân tử thận ngôn ngữ hĩ. Vô tiên kỉ nhi hậu nhân. Trạch ngôn xuất chi. Lệnh khẩu như nhĩ”. Ý nói rằng bậc quân tử cần phải chú ý thận trọng lời nói, ngôn từ; đừng chỉ biết nghĩ bản thân trước mà nghĩ người khác sau; lời nói xuất ngôn cần phải có lựa chọn. Có câu: “Một lời nói hoạch định giang sơn“. Lời đã nói ra cũng như nước đổ khỏi cốc, muốn lấy lại là điều không thể. Lời nói không đúng sẽ làm tổn thương người khác, làm hỏng đi mối quan hệ hoà hữu.
Nếu lời nói không thận trọng, nhẹ thì có thể làm mất lòng người khác, nặng thì có thể sát thương người khác. Bởi thế, lời nói ra nhất định cần phải nghĩ trước nghĩ sau. Đặc biệt là những lời nói có tính làm tổn thương đối phương thì càng phải nghĩ suy kĩ càng trước khi nói. Không những vậy, cũng không nên nói nhiều, nói nhiều ắt sẽ nói loạn. Nói lời thật không bằng nói lời đúng. Nói lời đúng không bằng nói lời tốt.
5. Tâm rộng
Tâm tĩnh vạn sự yên, tâm hoà vạn sự thuận. Người mà đầu óc bận lo suy nghĩ thiệt hơn ắt cả ngày sầu não, u buồn oán thán. Nếu như tâm khoan dung, rộng mở thì thời thời đều được vui vẻ. Có câu, lòng người rộng bao nhiêu, thế giới rộng bấy nhiêu.
Thế gian 10 phần thì có 7, 8 phần không như ý. Việc mà thuận cảnh, hợp tình, người mà hài lòng, vừa ý đó là điều khó gặp. Nếu như sống chỉ biết so đo, suy nghĩ những điều nhỏ nhặt trước mắt, vậy cuộc đời trước sau cũng chỉ là những năm tháng tâm sầu trí mỏi. Chỉ có khoan dung mới có thể đem đến cho bạn một đời tâm nhàn trí thản.
Tâm rộng một thước, đường rộng một trượng. Tâm như biến lớn, gió thuận sóng yên. Sống tùy duyên, ắt an nhiên tự tại.
6. Thần định (tinh thần an định)
Có câu: “Tâm định vạn sự yên“. Bậc quân tử thì dù núi Thái Sơn sập trước mắt cũng chẳng chau mày, chớp mắt. Làm người đừng có hễ gặp chuyện không như ý là liền tinh thần bấn loạn, gấp gáp vội vàng, gặp chuyện vui thì đắc ý quên thân.
Lão Tử từng giảng vì phúc mà gặp họa, vì họa mà gặp phúc. Ví như câu chuyện “Tái ông mất ngựa” cũng chính là ý này. Trên đời vạn sự đều được định bởi hai chữ “nhân duyên”. Họa phúc song hành, có họa ắt có phúc, có phúc ắt có họa. Thế gian vạn sự khó lường.
Một người mà hiểu thấu kiếp nhân sinh, tính cách, lời nói ắt sẽ có sự tự tin, thông đạt. Gặp nghịch cảnh, tâm cũng không loạn. Gặp chuyện vui, tâm cũng hoà bình.
7. Ý chí
Cổ nhân nói: “Lập chí không kiên, việc ắt không thành“. Làm người thì phải trước lập chí, sau lập nghiệp. Con người thành công là nhờ niềm tin chứ không phải điều kiện. Kiên định với ý chí chính là tấm vé thông hành đến đích thành công. Chỉ có một niềm tin vững chắc, một ý chí kiên cường mới có thể giúp chúng ta chiến thắng nghịch cảnh.
Khi một người không có ý chí, không có niềm tin thì cả đời cũng chỉ quay vòng trong những ngày tháng bất hạnh Một người ý chí, không sợ khổ, kiên trì, nhẫn nại, không sợ nghịch cảnh vậy thì còn điều gì có thể cản trở bước chân họ đi đến thành công?
8. Khí túc
Nhà thơ đời Đường, Lý Bạch nói: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ra cái tài của ta ắt có chỗ dùng đến). Làm người có khí chất sẽ có tự tin, tự tin nhưng không tự đại. Người có tự tin, nội tâm phong phú, có lúc thơ ca, ý nhạc, có lúc sâu lắng, hạo hãn.
Người có tự tin thuần tịnh, ắt cũng không màng cách nhìn nhận thị phi của người khác về mình; có thể xử lý được mối quan hệ giữa bản thân và xã hội thấu tình đạt lý; điềm nhiên đối đãi với vạn sự được mất quanh mình.
Người có tự tin, sẽ dám đương đầu với thế giới, dám cải biến vận mệnh, dùng sự chân thành, trí tuệ của mình để cảm động lòng người.
Hy vọng bài viết sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn mới về “Đối nhân xử thế là gì?”. Từ đó, hiểu hơn được nội hàm trí tuệ cổ nhân để lại.
Theo Vision Times