“Đạo Đức Kinh” cho rằng “quá mức” sẽ hình thành mọi điều ác, tà dâm quá mức tất có tai họa, dục vọng quá nặng tất có tai ương.
1. Yêu tiền quá mức sẽ trở nên tham lam
Tư Mã Thiên trong “Sử ký” đã viết rằng: “Thiên hạ ồn ào, đều vì lợi mà đến, thiên hạ rối rít, đều vì lợi mà đi”. Người trong thiên hạ cả ngày ngược xuôi bôn ba, cũng đều là vì lợi ích.
Bản chất của con người theo đuổi lợi ích, điều này căn bản không gì đáng trách cả. Tuy nhiên, nếu tham lam quá mức thì chính là tự mình ràng buộc chính mình, tự gây khó khăn phiền phức cho mình.
Tục ngữ có câu thế này: Làm quan sợ mất chức quan, có tiền lại sợ mất tiền. Người ta càng có thứ gì, họ lại càng sợ mất thứ đó. Ngược lại, có những người tuy gia cảnh bình thường nhưng lại sống rất thoải mái, hạnh phúc, có phải vậy không?
Con người khi còn sống trên đời mà quá tham lam sẽ dễ đánh mất chính mình.
Hãy nhìn những quan chức cấp cao đã mắc sai lầm, họ muốn tiền có tiền, muốn quyền có quyền, họ còn thiếu gì nữa? Nhưng có lẽ, lòng tham của người là vô đáy, luôn mong muốn nhiều hơn nữa. Dục vọng mê hoặc những gì họ nhìn thấy và càng mê hoặc tâm trí của họ. Những người này đang bị dục vọng trói buộc, hãy xem làm sao có được hạnh phúc trong cuộc sống đây?
Tiền tài là vật ngoài thân, sinh ra không mang theo đến, chết cũng không mang theo đi, hà cớ gì phải tham lam quá mức như vậy?
2. Ích kỷ quá mức, ngược lại sẽ chịu thiệt thòi còn lớn hơn
Có câu nói: “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Câu này là miêu tả một cách cực đoan lòng ích kỷ của con người. Tuy nhiên, ích kỷ là một cái bẫy lớn.
Những người tự cho mình là thông minh nghĩ rằng làm việc một cách vô tư là điều mà chỉ những kẻ ngốc mới làm. Nhưng những người có trí huệ từ sớm đã nhìn thấu điều đó. Người làm việc vô tư và chịu những thiệt thòi trước mắt chỉ là những thiệt hại nhỏ bé, nhưng những lợi ích trong tương lai họ nhận được lại là những giá trị to lớn hơn nhiều.
Người không vì lợi ích của mình kỳ thực ở một mức độ nhất định cũng là vì lợi ích của mình. Những người chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân có lẽ không bao giờ hiểu được điều này; họ sẽ không hiểu tại sao trong đời mình chưa từng chịu thiệt thòi nhưng cũng chưa nhận được lợi ích gì lớn.
“Vật cực tất phản”, nếu như người đó quá ích kỷ, kỳ thực cũng là đang tự mình chặt đứt một lối thoát của bản thân.
Ích kỷ chính là từng bước tách mình ra khỏi đám đông. Khi tất cả mọi người đều biết rằng bạn chỉ nghĩ đến bản thân mình. Liệu có bao nhiêu người sẵn sàng tiếp tục hợp tác với bạn? Có bao nhiêu người sẵn sàng nói chuyện với bạn?
3. Đố kỵ quá mức sẽ lấy oán báo ân
Cổ nhân nói: “Trong lòng mang điều dơ bẩn, không thích quang vinh của người khác, cho nên gọi là đố kỵ”.
Đố kỵ là một con dao, không phải là đâm vào tim người khác, mà chính là đâm vào bản thân mình.
Một số người có bản tính ghen tị, họ không muốn thấy người khác gặp điều tốt, đôi khi, họ còn lấy oán báo ân.
Bạch Thái Quan vì lòng đố kỵ mà hại chết con mình
Vào thời Ung Chính, có một người tên là Bạch Thái Quan, được biết đến là một trong “Giang Nam bát hiệp”. Sau khi ông thành danh, bởi vì vắng nhà nhiều năm, nên ông coi bốn biển là nhà.
Có một năm ông về lại quê nhà. Bởi vì xa nhà đã lâu nên không biết đường, ông bèn hỏi một đứa bé đang luyện võ ở đó, đứa bé vô tư nói cho ông nghe. Khi định thần lại, chỉ thấy lòng bàn tay của đứa trẻ đi đến đâu, lửa bắn tung tóe khắp nơi, ông toát mồ hôi lạnh.
Bạch Thái Quan thầm nghĩ: “Còn nhỏ như vậy mà công lực đã kinh người đến thế, lớn lên nhất định sẽ vượt qua ta.”
Thế là, do tâm đố kỵ mạnh mẽ thúc ép, ông đã một chưởng đánh chết đứa trẻ.
Trước khi đứa trẻ tắt thở chỉ nói một câu khiến Bạch Thái Quan cảm thấy như sét đánh bên tai và vô cùng hối hận. Đứa trẻ nói rằng: “Cha của ta là Bạch Thái Quan nhất định sẽ tìm ngươi báo thù!”.
Kỳ thực, bất kỳ ai cũng có thể trở nên hung ác, chỉ cần người đó từng nếm thử thế nào là đố kỵ.
Nó giống như khi một người ghen tị với người khác, nhưng lại hận bản thân không thể biến thành “con thú ăn thịt”. Đây là mặt đen tối nhất và ngốc nghếch nhất của con người.
Vạn sự tùy duyên
Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất là điều chỉnh tâm thái của mình, thấy người khác tốt thì không được ghen tị, cần phải biết có ơn tất báo, dùng một tấm lòng bao dung để yêu thương vạn vật trên đời.
“Đạo Đức Kinh” có câu: “Người nào có đức dày thì như đứa trẻ sơ sinh”.
Một vị Thánh nhân chân chính là người có nội tâm trong sáng, không tì vết, giống như một đứa trẻ sơ sinh, hết sức chân thành và thuần khiết, lương thiện và trong sạch. Khi mới sinh ra, con người vốn dĩ trong sáng và không tì vết. Nhưng bởi vì có quá nhiều ham muốn mà không thể lấp đầy, mới dẫn đến bi kịch của cuộc đời.
Thực ra, ở đời người ta không cần phải quá giàu sang, phú quý, chỉ cần sống hạnh phúc là đủ rồi.
Vậy nên, bạn hãy luôn mở rộng tầm mắt, không ngừng ước thúc bản thân để tránh rơi vào những cạm bẫy của dục vọng.
Theo Aboluowang