“Dục tốc bất đạt” hay “Giục tốc bất đạt”, câu nào đúng?
“Dục tốc bất đạt” là một trong những câu nói nổi tiếng của Khổng Tử được lưu truyền đến ngày nay. Ông từng khuyên học trò của mình phải kiên nhẫn, nhìn xa trông rộng. Ham lợi ích trước mắt thì cuối cùng chỉ có thể dục tốc mà bất đạt.
- Hạt cát kiên định, cuối cùng trở thành ngọc trai
- Chữ “Nhẫn” và những tấm gương nhẫn nại lưu danh hậu thế
- “Làm người sao có thể thiếu ba điều này: Chân, Thiện, Nhẫn…”
Nội dung chính
Dục tốc bất đạt nghĩa là gì?
Dục tốc bất đạt nguyên gốc tiếng Trung là 欲速则不达 yù sù zé bù dá.
– 欲 yù: 欲 yù trong 欲望 yùwàng, nghĩa là dục vọng, ham muốn.
– 速 sù: 速 sù trong 迅速 xùnsù, nghĩa là nhanh chóng, tốc độ.
– 则 zé: 则 zé nghĩa là “thì”.
– 不 bù: 不 bù nghĩa là không.
– 达 dá: 达 dá trong 达到 dádào, nghĩa là đạt đến, đạt được.
Như vậy, “dục tốc bất đạt” giải nghĩa ra là ham muốn sự nhanh chóng thì sẽ không đạt được, nóng vội sẽ không thành công. Câu thành ngữ này muốn khuyên con người làm việc gì cũng không nên nôn nóng, vội vã.
“Dục tốc bất đạt” chứ không phải “giục tốc bất đạt”
Có một số người cho rằng “Giục tốc bất đạt” mới là đúng, do tư duy thông thường “Giục” nghĩa là sự hối thúc, giục giã. Tuy nhiên nếu như vậy thì cả từ “giục” và từ “tốc” trong câu thành ngữ đều có nghĩa “nhanh chóng”, làm cho hàm nghĩa “nhanh chóng” bị lặp đến 2 lần.
Trên thực tế, từ chính xác là “dục tốc”, trong đó “dục” mang ý nghĩa dục vọng, ham muốn. Vậy “dục tốc” nghĩa là “ham muốn sự nhanh chóng”.
Nguồn gốc câu thành ngữ “Dục tốc bất đạt”
Thời Xuân Thu có một vị quan tên Tử Hạ, ông cũng là học trò giỏi về văn học của Khổng Tử. Ông cho rằng công việc của mình tiến triển chậm chạp, tương lai mơ hồ; bèn đến gặp Khổng Tử, xin thầy giúp đỡ. Tử Hạ hỏi thầy: “Thưa thầy, làm sao để quản tốt một địa phương ạ?”
Khổng Tử nghe xong, khuyên răn học trò: “Nếu đã chọn con đường làm quan, thì con phải biết kiên nhẫn, nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến. Không được vì cái lợi trước mắt, nếu không cuối cùng chỉ có thể dục tốc mà bất đạt; thậm chí mọi nỗ lực con bỏ ra trước đó sẽ đổ xuống sông xuống biển”.
Tử Hạ sau khi nghe xong những lời này bừng tỉnh giác ngộ. Ông quay về làm việc chăm chỉ, từng bước nhẫn nại, không còn nóng lòng muốn đạt được thành quả như trước.
Câu chuyện nhỏ mang hàm ý không thể nóng vội
Một thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh với mong muốn bái sư học kiếm thuật. Anh ta cung kính hỏi vị sư phụ:
– Thưa sư phụ, nếu con luyện tập chăm chỉ thì phải mất bao lâu để trở thành một kiếm sĩ?
Vị sư phụ nói “Có lẽ 10 năm”.
– Cha con đã nhiều tuổi rồi và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chăm chỉ hơn nữa thì mất bao lâu?
Lặng yên suy ngẫm một lúc, vị sư phụ trả lời: “Trường hợp này có lẽ phải 30 năm”.
Anh thanh niên nghe thấy vậy, không được vẻ nôn nóng:
– Trước sư phụ bảo 10 năm, bây giờ là 30 năm. Con muốn vượt qua mọi khó khăn để nắm vững kiếm thuật trong thời gian ngắn nhất.
Vị sư phụ mỉm cười :”Thế thì anh cần phải ở đây 70 năm”.
Những người quá nóng nảy, làm gì cũng muốn mau chóng đạt được kết quả thì trái lại càng dễ mất thời gian và hỏng việc. Vậy nên, muốn nhanh thì phải…từ từ, dục tốc bất đạt.
“Ngày mai đến” và khoảng thời gian hòa hoãn
Vào triều đại nhà Minh, có một viên quan chuyên lo việc xử án ở địa phương, tính tình vô cùng thận trọng. Mỗi lần có người đến kiện tụng, ông đều tìm hiểu rõ sự tình. Nếu nhìn nhận việc không khẩn cấp, ông sẽ nói những người đến thưa kiện: “Hãy trở về nhà, ngày mai đến”.
Người dân trong vùng không hiểu dụng ý của ông. Họ chế nhạo ông, cho rằng ông lười biếng, không muốn giải quyết công việc. Trên thực tế, họ không biết rằng có những người đến kiện chỉ vì trạng thái tức giận nhất thời. Sau một đêm, khi bình tĩnh suy nghĩ lại họ có thể nguôi giận, hối hận và không còn muốn kiện tụng nữa. Bằng cách này, mâu thuẫn tự tiêu tan.
“Ngày mai đến” thật ra là dành cho những người đến kiện một khoảng thời gian hòa hoãn xem xét lại; và cũng cho chính viên quan thời gian để bình tâm suy nghĩ sự việc cho thấu đáo, tránh xử oan sai. Nếu có thể làm được thận trọng, không vội vàng, thì sẽ tránh được những sai lầm không đáng có.
Dục tốc bất đạt là đạo lý đúng đắn từ xưa đến nay. Con người hiện đại dễ bị cuộc sống gấp gáp cuốn đi, càng nên nhớ lấy câu này để tự nhắc nhở bản thân.