Từ xưa đến nay, tổ tiên luôn hy vọng để lại một điều gì đó cho con cháu, để đường đời bớt gập ghềnh, suôn sẻ hơn. Nhưng để lại những gì cho con cháu là tốt nhất?
- Ông nội quỵt nợ sát nhân, 40 năm sau con cháu phải bồi hoàn
- Tung tin đồn nhảm hại người, kết quả con cháu chịu tai họa
Tổ tiên nên để lại gì cho con cháu đời sau và điều gì là thực sự tốt nhất cho chúng? Dưới đây là những kiến giải của một số nhân vật lịch sử.
Đừng để gia sản khiến con cháu lười biếng phạm sai lầm
Sơ Quảng sinh vào thời Tây Hán. Ông ham học từ khi còn nhỏ, những năm đầu ông dạy học trò tại nhà và có rất nhiều đệ tử. Sau khi được triều đình chiêu mộ, Hán Tuyên Đế, vị hoàng đế đức độ của nhà Hán, rất coi trọng ông, để ông lần lượt làm Bác sĩ, Thái trung Đại phu và Thái phó, ông có danh tiếng xuất sắc và được khen thưởng nhiều lần. Ông cho rằng “biết hài lòng sẽ không bị sỉ nhục, biết thích hợp và dừng lại sẽ không gặp nguy hiểm”, “thành công thân thoái là hợp với quy luật của Đạo Trời”.
“Hán Thư” có ghi lại rằng, trong 5 năm làm thầy của Thái tử (Thái phó), hoàng tử chỉ mới 12 tuổi và đã thông thạo “Luận ngữ” và “Hiếu kinh”. Vì thế ông đề nghị xin nghỉ hưu. Hoàng đế ban cho ông hai mươi cân vàng, và Thái tử ban cho ông năm mươi cân vàng nữa.
Sau khi Sơ Quảng trở về quê hương, ông thường xuyên nhờ gia đình tổ chức tiệc chiêu đãi gia tộc và bạn bè, dự định dùng hết số vàng. Hơn một năm sau, con cháu của Sơ Quảng đã nói riêng với một ông già cùng thế hệ được Sơ Quảng tin tưởng: “Con cháu hy vọng đại nhân có thể để lại một ít tài sản trong gia đình, nhưng hiện tại đại nhân thường tiêu tiền vào các bữa tiệc mời khách, gia sản sẽ cạn kiệt. Xin cụ hãy giúp thuyết phục đại nhân“.
Ông lão truyền đạt suy nghĩ của con cháu cho Sơ Quảng. Sơ Quảng trả lời: “Lẽ nào tôi hồ đồ đến mức không quan tâm đến con cháu mình sao? Vốn dĩ trong nhà có một số ruộng, chỉ cần con cháu chăm chỉ làm việc thì có thể sống cuộc sống như người bình thường. Nếu tài sản trong nhà giàu có dư dả thì chỉ khiến cho con cháu lười biếng.
Người hiền năng có quá nhiều tài sản thì sẽ từ bỏ chí hướng, kẻ ngu muội có nhiều của cải sẽ gia tăng lỗi lầm. Hơn nữa người giàu thường là đối tượng ghen tị và căm ghét của mọi người. Tôi không có gì để dạy con cháu. Tôi không muốn gia tăng lỗi lầm của chúng mà gây ra sự oán giận. Hơn nữa, số vàng này được quân chủ thánh minh ban cho tôi, nên tôi rất vui được chia sẻ ân điển của Thánh thượng với bà con và họ hàng, có thể sống nốt phần đời còn lại của mình như thế này, chẳng phải cũng được đó phải không?”
Tổ tiên để lại sự tiết kiệm có thể khiến con cháu không thiếu thốn
“Hán Thư” có ghi lại rằng Tiêu Hà, vị công thần khai quốc đệ nhất của nhà Hán, là một người tiết kiệm và có tầm nhìn xa. Khi Lưu Bang xâm chiếm kinh đô nước Tần, binh lính bận rộn cướp vàng bạc, chỉ có Tiêu Hà vội vàng thu thập tập bản đồ địa lý, tài liệu, hộ khẩu và các hồ sơ khác của triều Tần. Sau này, Lưu Bang đã sử dụng những hồ sơ này để hiểu đầy đủ về núi, sông, pháo đài, hộ khẩu, và việc phân phối các nguồn lực tài chính và vật chất trong thiên hạ, nên đã khởi tác dụng then chốt trong việc thống nhất thiên hạ.
Kế hoạch của Tiêu Hà dành cho con cháu cũng có tầm nhìn xa. Khi mua nhà, ruộng, ông nhất định phải chọn nơi hoang vắng, hẻo lánh, gia đình ông cũng rất ít xây sửa nhà. Tiêu Hà nói: “Con cháu ta nếu khôn ngoan thì sẽ noi theo lối sống thanh đạm của ta, nên trong cuộc sống không thiếu thốn; dù không khôn ngoan thì mảnh đất xấu xí mà ta mua cho chúng cũng sẽ không khiến những gia đình quyền thế cướp đoạt.” Tiêu Hà qua đời, cả hai người con trai đều được phong hầu, sống cuộc sống bình yên.
Tổ tiên để lại sự chính trực có thể khiến con cháu được tôn trọng
“Hậu Hán thư” có ghi lại rằng, Dương Chấn, một vị quan nổi tiếng thời Đông Hán, từng là quan Thái úy. Trong thời gian làm Thái thú Trác Quận, là người công bằng và lương thiện, không bao giờ nhận ủy thác riêng, sống một cuộc sống thanh đạm với trà và đồ ăn nhẹ đơn giản ở nhà, không đi xe ngựa. Một số bạn bè cũ và trưởng bối của ông đề nghị ông mua tài sản cho con cháu của mình, Dương Chấn nói: “Để người ta gọi chúng là con cháu của những quan lại thanh bạch, đó chẳng phải là di sản tốt nhất đó sao?” Sau này con trai cả của Dương Chấn làm quan đến chức Phú ba tướng, con giữa làm quan đến chức Thái úy, người con út dốc sức học nhiều hiểu rộng, được thế nhân ca ngợi.
“Tùy thư” có ghi lại rằng Phòng Ngạn Khiêm, người sống ở thời nhà Tùy, từng giữ chức vụ Giám sát Ngự sử, trong quá trình đánh giá quan lại toàn quốc, vì ông thanh liêm chính trực, nên được đánh giá là Thiên hạ đệ nhất. Phòng Ngạn Khiêm có tài sản của tổ tiên để lại, gia cảnh giàu có, nhưng ông rất xem nhẹ của cải, dùng tất cả tài sản và tiền lương của mình để giúp đỡ người thân và bạn bè, trong nhà không có dư tiền nên sống đạm bạc, thậm chí thường xuyên thiếu thốn vật chất, nhưng ông lại mãn nguyện.
Phòng Ngạn Khiêm từng nói với con trai mình: “Mọi người đều giàu có vì lương bổng quan, nhưng ta nghèo vì làm quan. Tài sản thừa kế duy nhất mà ta có thể để lại cho con cháu mình là 2 chữ ‘Thanh bạch’”. Sau này, người con trai duy nhất của ông là Phòng Huyền Linh trở thành công thần khai quốc, thừa tướng nhà Đường, được phong là Lương Quốc Công.
Tổ tiên tích đức có thể mang phúc lành cho con cháu
Tư Mã Quang, một vị tể tướng nổi tiếng thời nhà Tống đã nói trong “Gia phạm” rằng: “Không có tổ tiên nào không hy vọng mang lại phúc lành cho con cháu, nhưng rất ít người thực sự có thể làm được điều đó, bởi vì hầu hết mọi người chỉ biết tích lũy tiền tài cho hậu bối, cho rằng như thế là để lại tài sản cho con cháu hưởng không hết. Nhưng vì họ không hiểu đạo lý giáo dục con cháu đối nhân xử thế, cuối cùng, những tài sản mà họ gian khổ tích lũy trong mấy chục năm, đã bị con cháu vung phí chỉ trong vài năm. Con cháu còn chê cười tổ tiên ngu xuẩn, không biết hưởng thụ”.
Tư Mã Quang còn nói: “Thánh nhân xưa để lại Đức và Lễ cho con cháu, hiền nhân để lại Liêm và Kiệm cho con cháu. Ví dụ như các tổ tiên nhà Chu như Hậu Tắc, Công Lưu, Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương tạo phúc cho bách tính, tích công đức, nên đời sau là Chu Vũ Vương có được thiên hạ.” Nói cách khác, của cải ở ngoài thân thể đến rồi đi, nhưng đức hạnh, lễ nghĩa, liêm khiết và tiết kiệm lại mang trên người, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người, mà công đức tổ tiên tích lũy thì có thể mang phúc lành cho con cháu.
Trong xã hội ngày nay thường xuyên xảy ra hiện tượng con cháu tranh giành quyền thừa kế, người thân ra tòa nói xấu nhau. Còn có những cao quan một tay tham ô, một tay dùng đặc quyền kiếm chác lợi ích cho con cái, cuối cùng bị ác báo hiện thế. Điều phản ánh là sự thiếu trí tuệ, không biết để lại điều gì cho con cháu mới thực sự là điều tốt nhất cho chúng.
Theo kinh nghiệm và trí tuệ của các bậc hiền nhân xưa, bản thân làm gương dạy bảo những đức tính tốt đẹp như tiết kiệm, liêm khiết, làm việc thiện, tích đức cho cháu con, đó là di sản tốt nhất mà tổ tiên để lại cho cháu con.
Theo Minghui.org