Ông nội quỵt nợ sát nhân, 40 năm sau con cháu phải bồi hoàn
Mắt Thần như điện, báo ứng không sai. Tuy kẻ sát nhân, trộm cướp không để lại dấu vết, nhưng ông Trời sẽ không tha cho kẻ hành ác.
Quỵt nợ, sát nhân mang lại tai họa cho con cháu
Vào thời nhà Tống, có một người dân làng tên là Phùng Tứ ở Phủ Châu (phía đông tỉnh Giang Tây), gia đình nghèo khó không thể sinh sống tiếp ở đây, nên bèn cùng vợ và 6 người con trai đến huyện Nghi Hoàng (nay là thành phố Phủ Châu, tỉnh Giang Tây), nhờ cậy một gia đình giàu có, giúp ông làm ruộng, các việc tay chân và quản lý điền viên.
20 năm sau, người con út của Phùng Tứ cũng lấy vợ, nhưng cuộc sống chỉ đủ trang trải chi phí. 6 người con trai đều cường tráng, lực lưỡng, nên trong huyện ai cũng sợ họ. Sau đó, người con trai thứ 5 bị bắt và bỏ tù vì tội trộm cắp tài sản, chịu hình phạt đánh bằng gậy và xỏ khuyên tai, cả gia đình bị trục xuất khỏi huyện Nghi Hoàng. Người con trai thứ 6 bị một vết thương ở đùi, đã lâu không lành.
Lúc trước, ở Phủ Châu, Phùng Tứ đã hỏi một thầy tướng số tên Hoàng về những chuyện hung cát sắp tới, ông Hoàng nói: “Ồ, bây giờ phải xử lý làm sao mới được? nhà của ông đời trước đã làm một chuyện giết người hủy xác, đã bị vạch trần rồi. Có 2 con ma đang đợi ở cổng và sân. Mặc dù bình thường ông rất cẩn trọng đề phòng nhưng đã quá muộn. Nếu con chó của ông sinh ra hai con chó đực màu đen, đó sẽ là lúc thảm họa xảy ra, và phần còn lại tôi không biết”.
Kể từ đó, Phùng Tứ lo lắng không thôi, dù có làm gì thì cũng không thể an tâm được. Ông âm thầm nói cho người khác biết rằng:
“Quẻ bói của ông Hoàng thực sự đáng kinh ngạc! Cha tôi khi còn sống đã mưu sinh bằng nghề nung đồ gốm. Ông từng vay 20.000 đồng từ 2 thương gia và hẹn thời gian để trả nợ.
Nhưng đến kỳ hạn mà ông không chịu trả, nên 2 thương gia đến lò gốm ép cha tôi trả nợ. Đó là nơi hẻo lánh, hoang vắng, xung quanh không có bóng người. Vì việc trả tiền nên cha tôi đã cãi nhau với 2 thương nhân.
Sau đó, ông cùng những người thợ lò đã giết chết 2 thương gia kia, rồi bỏ xác vào lò nung để tiêu hủy xác, người ngoài không ai biết chuyện này. Sau này cha tôi sống đến già và qua đời mà không có chuyện gì xảy ra. Nhưng không ngờ việc làm ác này lại là quả báo cho con cháu của ông!”
Năm thứ 2, con chó mực của Phùng Tư nuôi đã đẻ 2 con chó đực. Mặc dù rất ghét 2 con chó này, nhưng lại không dám giết chúng. Nửa năm sau, người con thứ 5 sắp bị kiện, vết thương trên đùi của người con trai thứ 6 được thầy thuốc cho là do ma quỷ gây ra, nên không thể chữa khỏi.
Một ngày nọ, khi người con trai thứ 6 đóng cửa và ngủ trưa ở nhà, nhìn thấy 2 người cầm cán tre và khiêng lồng vào nhà, anh vô cùng kinh hãi. Hai người đó lên giường, ấn chiếc lồng tre vào vết thương trên đùi của anh, anh đau đến không chịu nổi. Không lâu sau, anh treo cổ tự tử và vợ anh cũng treo cổ tự tử theo.
Con trai thứ 2 và con trai thứ 4 vì tái phạm tội trộm cướp mà chịu hình phạt xăm chữ vào mặt. Cuối cùng, gia đình Phùng Tứ vô cùng thảm hại, lưu lạc mỗi người một nơi. Phùng Tứ cuối cùng phải đi xin ăn trên đường, muốn chết cũng không xong. Lúc này đã là 40 năm trôi qua kể từ khi cha ông giết chết 2 vị thương gia kia.
Người đời sau bình luận rằng: Hung thủ giết người vốn là cha của Phùng Tứ. Tuy có thể sống đến già, nhưng con cháu lại phải chịu quả báo. Có thể thấy, nhân quả báo ứng cũng phức tạp, vòng vo nhưng cuối cùng không ai thoát khỏi được. Kẻ hành ác tất sẽ gặp tai họa.
Dưới đây là một ví dụ khác về người đầy tớ đã trộm tài sản của chủ và bị quả báo.
Trộm cắp không để lại dấu vết, bị trời giáng tội
Vào thời nhà Minh, có một thư sinh trường Quốc Tử Giám tên là Từ Ngũ Hồ, có một ái thiếp tên là Kim Thị. Khi xuất giá, cô đã mang theo rất nhiều của hồi môn, nhưng sau đó lại không có con cái. Khi Từ Ngũ Hồ hấp hối, ông đã cho Kim Thị 20 mẫu đất và một vài gian nhà lầu. Đồng thời ra lệnh cho một người hầu tên là Từ Mỗ hầu hạ Kim Thị.
Không lâu sau, Từ Mỗ lại có suy nghĩ đen tối. Nhân lúc Kim Thị trở về nhà mẹ đẻ, Từ Mỗ lục lọi và lấy tất cả vàng bạc, châu báu và tài sản của người chủ, rồi phóng hỏa đốt nhà để xóa sạch dấu vết. Khi Kim Thị từ quê trở về và nhìn thấy căn nhà cũng như toàn bộ tài sản của mình biến thành tro bụi, bà chỉ biết khóc.
Từ Mỗ mừng thầm trong lòng, tưởng rằng âm mưu của mình đã thành công, liền nói với người ngoài: May mắn căn phòng hắn ở không bị cháy, nên anh ta đã dẫn theo đám bạn nhậu của mình đến Miếu Thành Hoàng để tạ ơn. Một nhóm người tụ tập uống rượu, khi cuộc nhậu đã lên đến đỉnh điểm, bỗng có một vị Thần xuất hiện bên cạnh người hầu và mắng rằng: “Ác nô trộm tài sản của chủ, đốt nhà và xúc phạm ta, tội đáng chết, không thể tha thứ được.”
Mọi người đều sửng sốt, quỳ xuống lạy phủ phục dưới đất. Khi Kim Thị biết chuyện, bà cũng chạy đến Miếu Thành Hoàng, tâm sự với Thần linh, đồng thời hỏi những đồ ăn trộm được cất giấu ở đâu. Thần trả lời: Cất trong nhà vệ sinh. Sau đó, bà vào nhà vệ sinh kiểm tra thì quả nhiên lấy được một chiếc túi vải, toàn bộ đồ thất lạc đều ở đó.
Còn Từ Mỗ thì cứng đờ trên mặt đất, rất lâu sau mới tỉnh lại. Sau đó, anh ta thậm chí không thể ăn nổi một hạt cơm và chết vì đói.
Theo Epoch Times