Những lời dạy của tổ tiên đều chứa đựng nội hàm trí tuệ to lớn trong việc đối nhân xử thế, để lại những bài học đắt giá cho hậu thế.
- 9 bài học đối nhân xử thế cần ghi nhớ trong cuộc sống
- 12 thói quen tích cực giúp bạn xây dựng lối sống lành mạnh
- Người bói toán thời xưa kết nối với Thần linh để đưa ra lời giải chính xác
6 điều đối nhân xử thế không bao giờ lỗi thời
1. Đấu gạo dưỡng ân, gánh gạo dưỡng thù, Người sống ỷ lại thì không thể giúp mãi
Nếu bạn giúp đỡ một người trong lúc họ gặp khó khăn nhất, chẳng hạn như cho họ một đấu gạo, họ sẽ cảm kích và coi bạn như ân nhân. Tuy nhiên, khi bạn tiếp tục giúp đỡ họ thêm, họ dần xem đó là điều hiển nhiên và có thể đòi hỏi nhiều hơn. Rồi đến lúc vì lý do nào đó bạn không thể giúp đỡ tiếp, họ có thể cảm thấy thất vọng, thậm chí oán giận bạn.
Người ta cũng thường nói rằng, “dục vọng giống như nước biển, càng uống càng khát.” Ham muốn giống như một cơn ngứa trong tâm trí. Có thể chịu đựng nỗi đau trong chốc lát, nhưng khi ngứa, càng muốn gãi, càng khó chịu và mong muốn được thỏa mãn nhiều hơn.
2. Nhất nghệ tinh – nhất thân vinh. Hãy chọn lấy một lĩnh vực để dồn tinh lực làm cho tốt nhất
Ông bà ta từng dạy rằng “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Điều này có nghĩa là khả năng và sức lực của con người có giới hạn, nếu muốn thành công trong một lĩnh vực cụ thể, họ cần tập trung học hỏi sâu và kỹ lưỡng kiến thức liên quan. Nếu cố gắng học mọi thứ, kết quả cuối cùng có thể sẽ là không thành thạo bất kỳ lĩnh vực nào. Vì vậy, chọn một ngành và dồn toàn bộ công sức vào đó mới có thể đạt được thành công.
3. Đưa đò đưa qua sông, xây tháp xây đến đỉnh. Làm việc gì cũng cần có thủy có chung, làm cho đến bước cuối cùng.
Thuyền phải tới bến mới giúp người sang sông, tháp phải xây tới đỉnh mới được coi là hoàn tất. Trong mọi việc, điều quan trọng là phải làm đến nơi đến chốn, hoàn thành trọn vẹn từng bước.
Không phải ai cũng có thể đi hết con đường dài trăm dặm. Sự thất bại thường không phải do thiếu tài năng hay kém may mắn, mà là do thiếu kiên trì đi đến cùng.
4. Không xuống đáy biển thì không biết nông sâu, chưa có con thì chưa hiểu lòng cha mẹ.
Đứng ngoài cuộc để phán xét một sự việc rất dễ, nhưng khi chính mình đối mặt với hoàn cảnh đó, ta mới thực sự thấu hiểu. Một người nếu chưa làm cha mẹ sẽ khó mà hiểu được những hy sinh to lớn mà cha mẹ đã dành cho con cái. Chỉ khi trải qua hành trình nuôi dưỡng con cái, người ta mới thật sự cảm nhận được lòng cha mẹ.
5. Không sợ quỷ ba mắt, chỉ sợ người hai lòng
Ma quỷ đương nhiên rất đáng sợ, nhưng còn chưa đáng sợ bằng lòng người khó đoán. Do đó khi kết giao thì nhất định cần phải thận trọng. Ông bà ta có câu, “đường dài mới biết ngựa hay, sống lâu mới hiểu lòng người.” Chỉ có qua thời gian dài mới hiểu được sự thật lòng và chân thành của một mối quan hệ.
6. Đèn thường khêu thì sáng, dao thường mài thì sắc
Chỉ cần siêng năng, bỏ tâm sức thì nhất định sẽ có ngày nhận được hồi báo. Đèn nếu khêu thường xuyên thì sẽ sáng mãi, dao nếu mài liên tục thì sẽ bén. Dù là ở nhà, nơi làm việc hay bất kỳ đâu, sự siêng năng và tận tâm sẽ luôn mang lại kết quả xứng đáng. Tài năng dù lớn đến đâu, nếu không chăm chỉ, kiên trì, cũng sẽ không thể phát triển một cách toàn diện.