Sống chết có số là câu cổ ngữ của người xưa. Có phải đó là cái cớ để phó mặc cuộc sống của mình. Thực ra ý nghĩa của câu “sống chết có số” không phải nghĩa như vậy.
Câu chuyện ám sát Lưu An Thế
Vào thời Bắc Tống, dưới triều vua Triết Tôn, sự căng thẳng giữa hai phe tân đảng và cựu đảng lên đến cực điểm. Lúc này phe tân pháp đang thắng thế và tể tướng Chương Đôn là người rất tàn ác. Ông sợ một ngày kia trở gió thì nguy nên đã tìm cách thanh trừng thẳng tay rất nhiều vị đại thần dưới triều Nguyên Hựu nằm trong phe cựu đảng như Tư Mã Quang, Lữ Đại Phòng, Tô Đông Pha, Lưu An Thế,….
Chương Đôn cho đày Lưu An Thế. Tuy nhiên trước khi Lưu An Thế lên đường đi đày thì Chương Đôn đã sai người đến ám sát ông. Người thứ nhất từ chối vì trọng ông. Chương Đôn lại tìm một con buôn bảo hễ ám sát được Lưu thì sẽ cho làm một chức quan to. Gia đình ông hay tin đó khóc lóc lo sợ nhưng riêng ông vẫn điềm nhiên ngồi uống rượu. Nửa đêm con buôn nọ tới cửa rình mò sắp ra tay thì không hiểu vì sao ho khạc ra máu té bất tỉnh rồi chết ngay trước cửa nhà .
Tô Đông Pha điềm nhiên chờ chết mà không chết
Tô Đông Pha năm đó đã gần sáu mươi tuổi, bị giáng chức bốn lần và chịu tội lưu đày từ cực Bắc tới cực Nam Trung Hoa. Từ Định Châu gần Bắc Bình tới đảo Hải Nam, khoảng bốn năm ngàn cây số theo đường chim bay.. Tuổi già, đau bệnh, chịu bao nổi thống khổ trên đường đi. Đến đảo Hải Nam một miền man rợ chỉ có thổ dân, khí hậu lại ẩm thấp, ông an phận ở đó.
Tới nơi thì việc đầu tiên ông làm là đục sẵn một cỗ quan tài chờ chết (ông nói trong thư viết cho bạn). Vậy mà qua mấy năm đói khát thiếu ăn, thiếu thuốc men, nhà thì dột mà sức thì suy, lại xa gia đình bè bạn, vậy mà ông vẫn sống cho đến ngày Triết Tôn băng hà, Chương Đôn bị giáng chức và bị đi đày. Ông được tha tội và còn sống mà trở về Bắc.
Đọc lại hồi ký của những người đã đi qua chiến tranh thì còn thấy nhiều hơn nữa. Có người băng mìn vượt đạn mà không hề hấn gì. Có người nằm trong rừng ngủ với đủ các loài rắn rết thú dữ. Có người đạn ghim trong thân ….mà rồi sống vẫn sống.
Muốn sống mà không thành
Thời hòa bình cũng vậy, người ta chết cũng nhiều mà nhiều người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc cũng không ít. Nếu so với thời chiến tranh thì cái sự sống chết đó cũng là “khó đoán” chẳng kém gì nhau.
Tôi được nghe kể lại nhiều lắm, chỉ xin được kể lại vài chuyện như vầy:
Có anh chàng nọ một lần đi chơi gặp thầy tướng. Ông thầy tướng nhìn thấy anh ta liền nói: “ Trong vòng mười ngày tới anh sẽ gặp tai nạn giao thông. Nạn này không phải nhỏ. Anh nên cẩn thận hạn chế đi lại.” Anh ta nghe vậy tái xanh tái lét. Những ngày sau đó anh ta không dám bước ra khỏi cửa nhà. Mọi chuyện cần đi đều nhờ cậy vợ. Đến ngày thứ chín anh ta vẫn chưa thấy gì, nghĩ chỉ còn một ngày nữa thôi là qua kiếp nạn. Tối đó anh yên tâm ra sân ngồi hút thuốc. Trong lúc mắt nhắm hồn thả theo làn khói đầu óc nghĩ ngợi bâng quơ thì một chiếc xe tải mất thắng đâm sầm vô sân nhà anh. Hậu quả anh chấn thương nặng và qua đời.
Tưởng chết cũng không chết
Lại một chuyện khác, có em bé nọ (người tôi biết) vừa mới chào đời đã bị hai bệnh rất nặng, xuất huyết não và xuất huyết dạ dày. Người ta cấp cứu tích cực cho em. Trong nhiều ngày đặt ống dẫn máu đen ngòm từ trong ruột của em ra ngoài,…bác sĩ nói tám phần không qua khỏi, hi vọng mỏng manh. Người nhà đã nghĩ tới nơi chốn cho em về yên nghỉ. Nhưng thần kỳ làm sao, sau mười tám ngày em đã vượt qua cửa tử. Trong khi đó có một em bé khác nằm cùng phòng bị bệnh nhẹ hơn, nhưng lại không qua khỏi.
Tôi có người ông, ông là cậu ruột của cha tôi. Năm nay ông đã chín mươi lăm tuổi, mắt đã mù nhưng mọi bộ phận khác đều ổn định. Nhưng riêng cái việc mù mắt cũng gây ra rất nhiều nguy hiểm. Và một sự nguy hiểm kinh hoàng nhất là một lần ông lọ mọ ra sau vườn và bước một bước vô ý mà rơi luôn xuống giếng (do thành giếng quá thấp lại không có nắp đậy) . May sao giếng đó vào mùa hè ít nước nên ông không chết chìm. Sau con cháu nghe tiếng gọi, tìm và kéo ông lên an toàn. Chân không gãy, chỉ có hơi ê và ông chỉ bị sây sát nhẹ. Tôi hỏi người nhà thì giếng đó sâu cỡ 5 mét.
Sống chết có số
Việc sống chết của một sinh mạng là điều mà chính sinh mạng đó không phải lúc nào cũng hoàn toàn làm chủ được. Nói không thể hoàn toàn làm chủ được là bởi vì trong trường hợp người ta đã quyết muốn chết thì đến lần thứ “n” nào đó người ta cũng phải chết thôi. Nếu một người quyết chết, cố chết thì rồi cũng sẽ chết được thôi. Nhưng nếu thuận theo lẽ tự nhiên thì việc sống chết ấy dường như là có một định số .
Kỳ thực “sống chết có số” không có nghĩa rằng một người nên phó mặc cuộc đời của mình, không cần đến nỗ lực. Thực ra nó có hàm ý rằng phải nỗ lực mới đạt được nhưng những điều đạt được đều là có định số, đều là có giới hạn. Mỗi người cần bình tĩnh đối diện với những điều xảy ra trong cuộc sống, nỗ lực làm việc một cách tốt nhất có thể. Còn nếu không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, lười biếng, thậm chí gian lận làm điều ác, thì những gì tưởng chừng là phúc phận có sẵn cũng theo đó mà giảm đi. Nó là một mối quan hệ hai chiều như vậy.
Con người nên hướng đến đạo Trời, làm điều thiện, không làm điều ác. Một người nếu có thể hiểu được “số phận”, họ sẽ thản nhiên đối mặt với những an bài của số phận, không vì hoàn cảnh khó khăn mà than thân trách phận; cũng không vì lợi ích mà bất chấp lương tri.
Họ có thể dùng một loại tâm thái thanh thản mà đối diện với cuộc đời bởi họ hiểu thực sự thế nào là “sống chết có số”.