“Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”, đôi khi bày ra trước mắt, nhưng hồng trần cuồn cuộn, hỏi thế nhân mấy ai có thể nhận ra?
Tâm hướng về Phật Pháp
Tôi tên là Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1968. Tôi sinh ra ở một vùng quê, từ nhỏ đã quen với công việc ruộng đồng. Lớn lên đến tuổi thì nhập ngũ, hết nghĩa vụ quân sự, tôi lại thi và vào học tại trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân.
Ra trường tôi về công tác tại công ty cổ phần Kính Đáp Cầu. Đến năm 2008 thì tôi bỏ ra ngoài thành lập công ty cổ phần Gạch Đại Kim. Làm chung với tôi còn có hai cổ đông nữa. Nhưng công việc rất khó khăn, rồi các cổ đông đã nhượng lại toàn bộ cổ phần cho tôi. Thế là một mình tôi làm từ đó đến giờ, vẫn miệt mài sản xuất.
Năm 2011, tôi mua một máy tính bảng, nên rất hay vào mạng. Tôi thích đọc các bài viết của bên Phật giáo. Từ đó tôi đam mê về Phật Pháp. Tôi tự học và nghiên cứu Phật Pháp theo các bài viết của các nhà sư, theo mấy cuốn giáo trình Phật Học Căn Bản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam xuất bản cho chương trình Đại Học Hàm Thụ.
Lúc bấy giờ tôi có suy nghĩ, Đức Phật quyết tâm tu 6 năm thôi là đã tu thành rồi; cứ cho rằng mình kém thì cũng chỉ mấy chục năm có lẽ cũng tu thành, trí huệ sẽ khai mở. Sau đó tôi đã nói với vợ tôi rằng, khi nào công việc kinh doanh ổn hơn, tôi sẽ lên thiền viện Phượng Hoàng ở xã Nham Sơn bên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang để tu học nghiêm túc theo các khóa tu học ở đó.
Tôi nghe đến Pháp Luân Công nhưng còn nhiều nghi ngại
Nhưng đến năm 2016 tôi tình cờ được người cháu nói với tôi rằng, cháu xem cái video thấy người ta nói Sư Phụ Lý Hồng Chí như là Phật Di Lặc ấy. Lúc đó tôi không tin, vì trong đầu tôi đã dung nạp kiến thức bên Phật giáo cũng khoảng 5 năm rồi. Mà theo quan điểm bên Phật giáo, thì khi nào tuổi thọ con người giảm xuống còn khoảng 8 – 10 năm thì lúc đó Đức Phật Di Lặc mới hạ thế độ nhân.
Nhưng rồi tôi cũng bảo đứa cháu gửi mail cho tôi cái video ấy để xem. Mãi khoảng hai tuần sau tôi mới xem. Nhưng xem được khoảng 6 – 7 phút tôi lại bỏ, vì tôi cũng không đặt tâm xem lắm. Vả lại tôi thấy nó không phù hợp với quan điểm của tôi lúc bấy giờ. Tôi cho rằng, cái người làm ra cái video ấy chắc cũng không phải người tu, nên họ cũng hiểu nông cạn thôi. Tôi nghĩ vậy nên bỏ giữa chừng và không xem nữa.
Mãi khoảng mấy tuần sau, tôi chợt khởi lên ý nghĩ, sao mình không tìm hiểu Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) xem sao, xem xem nó là thế nào. Và tôi vào mạng, vào trang web của pháp môn (phapluan.org). Khi tìm hiểu tôi thấy giới thiệu rằng cuốn Chuyển Pháp Luân là có nội hàm cao hơn và là cuốn chính để chỉ đạo tu luyện môn Pháp này. Tôi nghĩ rằng mình đã có 5 năm nghiên cứu Đạo Phật rồi, nên rất tự tin chọn đọc luôn cuốn Chuyển Pháp Luân.
Tìm được con đường tu luyện chân chính
Khi đọc, tôi ngỡ ngàng khi thấy Sư phụ Lý giảng vắn tắt nhưng rất rõ ràng về quá trình tu, quá trình tu thành và quá trình suốt 49 năm rong ruổi khắp Ấn Độ hoằng dương Phật Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đặc biệt là trước đây tôi có một số điều khó hiểu, khó liễu giải, mà không tìm được lời giải thỏa đáng ở đâu, nhưng sau khi đọc bài giảng của Sư phụ Lý thì tôi đã minh bạch ra hết. Từ đó tôi đã nghĩ ngay rằng Sư phụ Lý chắc chắn phải ở một tầng thứ rất là cao.
Tiếp đó tôi lại ngỡ ngàng khi thấy Sư phụ Lý giảng về thiên mục (con mắt thứ 3), giảng về thần thông rất rõ ràng. Điều này trước đó tôi cũng đã hỏi một nhà sư, nhưng họ trả lời tôi rằng: “nếu người mà bay được thì làm gì phải mua ô tô nhỉ?”, rồi họ cười tôi như là tôi bị mơ màng ấy.
Sau những sự ngỡ ngàng ấy, và những điều về tu luyện mà Sư phụ Lý đã giảng rất rõ ràng đó, tôi đã nói với vợ tôi rằng: “Đây mới là con đường tu luyện chân chính!”. Thế là tháng 4/2016 tôi bắt đầu bước vào tu luyện và tự tu tự luyện ở nhà.
Đại Pháp thực sự kỳ diệu
Có một hôm, khi đang ngồi luyện bài công pháp số 5 ở nhà, phần gia trì thần thông hình trụ, tôi tự nhiên hạ bớt độ cao của bàn tay bên trên xuống. Lúc đó tôi đột nhiên phát hiện ra có lực đẩy vào bàn tay ngược trở lên, rất rõ ràng. Nó như những tia xuyên qua bàn tay. Tôi còn cảm nhận thấy rất rõ cái cảm giác nhói nhói trên mu bàn tay. Tôi thấy lạ và cũng tò mò làm đi làm lại mấy lần để cảm nhận thêm. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng luyện công thật sự có tác dụng rất kỳ diệu.
Sau đó ít hôm, cháu Trang gọi điện rủ tôi ra công viên luyện công cùng mọi người. Vậy là kể từ đó tôi hòa nhập luyện công, học Pháp cùng các học viên của môn này.
Thời gian đầu bước vào tu luyện tôi rất tinh tấn. Sáng tôi dậy từ 3 giờ 30 ra công viên luyện công hơn 2 tiếng; chiều lại ra công viên luyện công hơn 2 tiếng. Tối học Pháp rất say mê. Đặc biệt tôi rất thích đọc Kinh Văn, những phần Sư Phụ giảng về vũ trụ, về lịch sử. Tôi cũng rất thích đi giao lưu chia sẻ với các đồng tu.
Càng tu học tôi lại càng hiểu ra những điều tốt đẹp, hiểu ra ý nghĩa chân chính của cuộc đời, của sinh mệnh, hiểu ra Đại Pháp vĩ đại biết nhường nào. Tôi cảm thấy thật trân quý những năm tháng của cuộc đời này.
Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe
Có một chiều thu năm 2017, khi tôi vừa kết thúc bài ngồi thiền, tháo chân ra, rất đau, nhưng tôi cũng rất vui; vì tôi biết rằng mình đã tiêu trừ được một lượng nghiệp lực, mình đang tiến lên từng bước, đang dũng mãnh bước đi trên con đường vĩ đại của sinh mệnh và vô cùng tốt đẹp này!
Nhưng cũng lúc ấy, tôi chợt nhận ra, chợt thấy thương cho bao con người; họ vẫn mải mê với những điều trước mắt, những thứ phù du nơi cõi tạm này. Tôi cũng chợt thấy tiếc cho bản thân mình, tiếc cho bao ngày tháng trôi qua mà đến giờ mình mới biết đến Đại Pháp. Đó cũng chính là nguồn cảm xúc mà tôi viết một bài thơ như thế này.
“Thân người khó được, Phật Pháp khó nghe”, đường trần thế nhiều mê đắm, biết ai còn có thể tỉnh thức để trở về ngôi nhà đích thực đây?
Thành phố Bắc Ninh, ngày 14/8/2021
‘Giá mà tôi tìm hiểu Pháp Luân Công sớm hơn’ – Tâm sự của độc giả