Thán phục, trầm trồ là cảm giác khi bạn đang ở trước một thứ gì đó vĩ đại, vượt ngoài hiểu biết hiện tại của bạn về thế giới. Thật kỳ diệu khi loại cảm xúc này còn giúp tăng cường hệ miễn dịch của chúng ta. 

Những thứ khơi nguồn cho cảm xúc thán phục, trầm trồ

Con người có thể cảm thấy thán phục trước sự uyên thâm của triết học, trước những phát hiện khoa học, âm nhạc, thiết kế trực quan, tinh thần và tôn giáo; thậm chí là trước những nhận thức cá nhân, thành tựu ấn tượng, và những khoảnh khắc giác ngộ. Hay chỉ đơn giản là khi tìm hiểu về những con người đầy thú vị cũng có thể kích thích loại cảm xúc này.

Nghiên cứu cho thấy khi xem các video về nhân vật truyền cảm hứng như Mẹ Teresa, có thể kích thích cảm giác thán phục, kính ngưỡng này. Để xác định nguồn gốc phổ biến nhất của loại cảm xúc này, Dacher Keltner – tác giả của cuốn sách “Sự thán phục: Khoa học mới về những điều kỳ diệu hằng ngày và cách nó có thể thay đổi cuộc sống của bạn” – đã tiến hành một thí nghiệm yêu cầu người tham gia từ khắp nơi trên thế giới viết những câu chuyện khiến họ cảm thấy thán phục, trầm trồ. 

sự trầm trồ; sự kinh ngạc; sự cảm thán
Mẹ Teresa (ảnh: BBC)

Trong số 2.600 câu chuyện được thu thập, nguồn gốc phổ biến nhất của cảm xúc này là vẻ đẹp đạo đức: Đức hạnh và phẩm chất vượt trội biểu thị bởi sự thuần khiết và thiện ý trong suy nghĩ và hành động .

Điều này bao gồm việc chứng kiến lòng dũng cảm, sự tử tế, sức mạnh, hoặc khả năng vượt qua khó khăn của người khác. Chẳng hạn như câu chuyện về những người dám hy sinh mạng sống để cứu người lạ hoặc những hành động tử tế trong các thảm họa, thậm chí bao gồm cả những cảm xúc khi chứng kiến sự khởi đầu hoặc kết thúc của cuộc đời.  

Nhiều người mẹ cho rằng việc sinh con là nguồn cảm xúc thán phục lớn nhất. Keltner đã ghi lại trong cuốn sách của mình về một người mẹ Nhật Bản: 

“Tôi vô cùng xúc động trước nhận thức và trách nhiệm khi trở thành cha mẹ, cũng như giá trị quý báu của cuộc sống. Từ giờ trở đi, tôi cảm thấy mình sẽ sống hết mình chỉ để bảo vệ cuộc sống này.”

Một bà mẹ người Nga chia sẻ rằng sau khi sinh con, bà chỉ muốn “ôm trọn cả thế giới.” Những người cha cũng cảm thấy trầm trồ, xúc động trước sự xuất hiện của những thiên thần nhỏ bé. Một người đàn ông từ Indonesia viết:

“Tôi không thể tin được món quà tuyệt vời và xinh đẹp mà Chúa đã ban cho vợ tôi, và tôi chỉ biết mỉm cười, cảm thán và biết ơn Chúa vì đã ban cho chúng tôi một cậu con trai.”

Theo Keltner, tiền bạc và tài sản không phải là yếu tố tạo nên cảm xúc này. Trong nghiên cứu, không có ai nhắc đến laptop, Facebook, hay smartphone của mình, cũng không ai nhắc tới đôi giày Nike mới mua, chiếc Tesla, hay túi xách Gucci. Keltner viết: “Sự cảm thán, cảm xúc thán phục này xảy ra trong một lĩnh vực tách biệt với thế giới trần tục của vật chất, tiền bạc, sự chiếm hữu, địa vị xã hội—một miền cảm xúc vượt ra ngoài sự tầm thường mà nhiều người gọi là sự thiêng liêng.”

Một ngôn ngữ mà ai cũng hiểu

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature phát hiện rằng, ở 12 khu vực khác nhau trên thế giới; cảm giác thán phục khiến khuôn mặt của mọi người biểu lộ một phản ứng đặc biệt; giống như các biểu cảm chung mà ai cũng hiểu, như vui vẻ, hài lòng hoặc đau đớn.

Trong các nền văn hóa khác nhau, khi ai đó cảm thấy thán phục; chẳng hạn như khi ngắm pháo hoa hoặc sao băng, khuôn mặt họ sẽ biến đổi với những biểu cảm giống nhau: Lông mày nhướng cao, mắt mở to như thể đang cố gắng ghi nhớ mọi chi tiết của cảnh tượng ngoạn mục đó. Cằm hạ xuống, miệng hơi mở, như thể bị đóng băng trong khoảnh khắc kinh ngạc không thốt nên lời. Một nụ cười nhẹ nhàng dần nở trên khóe môi họ, và đầu hơi nghiêng ra sau, như thể có một lực vô hình kéo họ ra.

Tăng cường hệ miễn dịch là gì; Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách nào
(ảnh minh họa: Shutterstock)

Một nghiên cứu đã thử nghiệm các âm thanh biểu lộ 16 cảm xúc khác nhau. Bao gồm sự kinh ngạc, giận dữ, sợ hãi và buồn bã; ở 10 nền văn hóa khác nhau, thậm chí cả tại một ngôi làng xa xôi ở Bhutan. Những âm thanh biểu lộ sự kinh ngạc như “whoa” và “wow” được nhận ra với độ chính xác khoảng 90%, làm cho sự kinh ngạc, trầm trồ trở thành một trong những cảm xúc được nhận diện dễ dàng nhất trên thế giới.

Cảm giác thán phục giúp tăng cường hệ miễn dịch

Như chúng ta đã biết, cytokine đóng vai trò như một tín hiệu hóa học giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra phản ứng viêm để tiêu diệt vi khuẩn và làm lành vết thương.

Tuy nhiên, khi cytokine phản ứng quá mức, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như viêm khớp, Alzheimer và trầm cảm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thuật ngữ “bão cytokine” trong COVID-19 được dùng để chỉ những tình trạng bệnh nặng và hậu quả xấu.

Những nghiên cứu mới đây đang bắt đầu nhận ra vai trò của những cảm xúc tích cực đối với sức khỏe thể chất của chúng ta. Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Emotion, đã chỉ ra rằng những cảm xúc tích cực, như niềm vui và tình yêu, có thể làm giảm mức độ cytokine interleukin-6 (IL-6) – một chỉ số của mức độ viêm trong cơ thể. Tuy nhiên, yếu tố dự đoán lớn nhất giúp giảm mức cytokine, gấp ba lần so với niềm vui, chính là cảm giác thán phục.

Một nghiên cứu kéo dài 22 ngày được công bố trên tạp chí Scientific Reports, đã tiến hành quan sát những người trưởng thành và các chuyên gia y tế trong suốt đại dịch COVID-19. Nghiên cứu này phát hiện rằng, càng cảm nhận nhiều sự kinh ngạc khiến họ thán phục, trầm trồ, người ta càng ít cảm thấy căng thẳng và có ít triệu chứng sức khỏe thể chất hơn (chẳng hạn như đau đầu và khó ngủ).

Các nghiên cứu này cho thấy loại cảm xúc này có thể có lợi cho những người bị viêm và trong những thời kỳ căng thẳng cấp tính hoặc mãn tính như trong đại dịch COVID-19.

Keltner nói rằng, loại cảm xúc này giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm khả năng mắc các bệnh tim mạch, bệnh tự miễn, tiểu đường, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), lo âu, cũng như những cơn đau nhức thường ngày.

Tăng cường khả năng kết nối xã hội và giảm bớt cái tôi

Sự thán phục cũng khiến con người cảm thấy gắn kết xã hội hơn, trở nên tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn; cảm nhận cuộc sống có ý nghĩa và giảm bớt cái tôi hơn.

Giáo sư Yang Bai của Đại học California–Berkeley và nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành một nghiên cứu tại Công viên Quốc gia Yosemite. Trong vài ngày, họ đã tiếp cận hơn 1100 du khách từ 42 quốc gia. Khi đang ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn của thung lũng Yosemite, những người tham gia được yêu cầu vẽ hình của chính mình trên giấy và viết từ “me” (tôi) bên cạnh bức vẽ.

Nhóm nghiên cứu đưa ra yêu cầu tương tự đối với những du khách tại Fisherman’s Wharf ở San Francisco, một điểm du lịch nổi tiếng.

Cảm xúc trầm trồ, thán phục giúp tăng cường hệ miễn dịch
(ảnh minh họa: The Epoch Times)

Những người tham gia ở Yosemite đã vẽ hình của mình nhỏ hơn tới 33%, và từ “me” cũng nhỏ hơn. Theo các nhà nghiên cứu, kích thước của hình vẽ và độ lớn của từ “me” là những chỉ số khá chính xác để đánh giá mức độ tập trung vào bản thân của mỗi người.

Sự thay đổi trong cách nhìn nhận về bản thân này có thể tạo ra những ảnh hưởng xã hội rõ rệt. Trong một thí nghiệm, những người tham gia đã dành một phút để ngắm những cây đại thụ cao lớn, sau đó họ có xu hướng giúp đỡ người làm rơi bút nhiều hơn so với nhóm những người nhìn vào một tòa nhà khoa học hiện đại.

Những người trải nghiệm cảm xúc thán phục cũng nhận ít tiền hơn khi tham gia nghiên cứu, họ ít đòi hỏi và không quá tự cao; điều này cho thấy cảm xúc này có thể thúc đẩy hành vi xã hội; giảm chủ nghĩa vị kỷ và giảm sự chú trọng vào lợi ích cá nhân.

Anousheh Ansari, một du khách đã được bay vào vũ trụ, cô chia sẻ cảm xúc cảm thán tột độ khi ở ngoài không gian: 

“Trải nghiệm thực tế vượt xa tất cả những gì tôi tưởng tượng và thật khó để diễn đạt bằng lời…  Nó làm cho mọi thứ trở nên nhỏ bé, khiến bạn nghĩ rằng mọi thứ đều có thể giải quyết được; kể cả những điều có vẻ lớn lao và không thể đạt được như hòa bình trên Trái Đất… Chúng ta có lẽ đều có thể làm được. Không vấn đề gì cả. Nó mang lại cho con người một loại năng lượng, một sức mạnh, và tôi đã trải nghiệm điều đó.”

Có lẽ vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi sự cảm thán khiến chúng ta trở nên tâm linh hơn. Trong một nghiên cứu năm 2013, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những người tham gia đã chứng kiến một điều gì đó trầm trồ, cảm thán, có điểm số tâm linh cao hơn so với những người không trải qua điều đó.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những trải nghiệm này tăng cường động lực của chúng ta trong việc lý giải thế giới, kích thích các niềm tin siêu nhiên. Sự kích thích tâm linh này càng làm tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất.

Keltner lưu ý rằng, chúng ta có thể tìm kiếm cảm giác này bằng cách tiếp cận cuộc sống với sự hiếu kỳ, khám phá những kỳ quan thiên nhiên thường bị bỏ lỡ và những hành động nhân ái cảm động của con người xung quanh ta.

Theo The Epochtimes