Xuân về Tết đến, mỗi năm đều như thế. Chỉ có điều, dư vị Tết thì càng ngày càng thay đổi, mai một. Những nét đẹp văn hoá truyền thống dần dà chẳng được ưa chuộng nữa. Không rõ vì nó đã “quá già nua” chẳng phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại, hay vì người ta mải mê kiếm tìm điều gì mà trót lỡ bỏ quên? Thế rồi, Tết xưa mãi mãi chỉ là Tết xưa ở trong tiềm thức của mỗi người. Còn Tết nay, hay Tết sau… đều khoác cho mình bộ áo mới. Mới đến nhiều người còn ngơ ngẩn, đến chẳng còn thân quen…

Những ngày cuối năm cận kề, đâu đó vang lên khúc nhạc đón chào năm mới nhộn nhịp, khiến lòng người không khỏi xốn xang. 

Vậy là một năm nữa lại sắp qua đi, Tết đã ghé sát bên cửa. Những dư vị của Tết bất giác sống lại trong miền kỉ niệm của tôi.

Tết vẫn đều đặn lặp đi lặp lại. Nhưng dư vị Tết hình như cũng đã khác theo thời gian. Là mai một, nhạt nhòa theo số tuổi của chúng ta, hay loãng dần theo sự phát triển của xã hội, con người? Tôi cũng không rõ hết!

Chỉ rõ, ký ức của tôi về Tết xưa thật ra luôn đẹp và yên bình hơn Tết của những năm sau này. Có lẽ, Tết của những đứa trẻ vô ưu vô lo, nên hưởng Tết trọn vẹn đúng nghĩa. Còn lớn lên rồi, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm ràng buộc… bị cuốn vào mê mải, nên Tết cũng oải, cũng trở nên thiếu vị… Phải chăng?

Ngày 28 trong ký ức của tôi là phiên chợ Tết. Ngày đó còn nghèo lắm, chợ không mở thông suốt như bây giờ. Mọi thứ cũng khan hiếm nữa. Cho nên chỉ chờ đến Tết, nhà nhà người người có gì bán sẽ mang đi. Cả cái Tết chợ sẽ không mở, nên cũng nhà nhà người người cần mua cái gì cũng phải mua cho đủ để dành… “ăn Tết”.

Tết xưa và những dư âm nhạt nhòa
Một góc chợ Tết xưa, chụp ngày 1/2/1994 – Hà Nội (ảnh minh họa: Pinterest)

Chợ Tết trong mắt tôi là những gánh hàng hoa đủ màu, là mớ mùi già về nấu nước thơm tắm gội, là trái bóng bay con thỏ chỉ dám nhìn chẳng dám xin mua, là chiếc bánh rán nóng hổi thơm ngậy…

Chợ Tết trong mắt tôi khi đó còn là bộ áo mới, đôi dép mới… Mua về cái là phải mặc thử rồi chạy nhanh ra đường ngó xem có ai không, họ có thấy mình có đồ mới không… Cứ ngây thơ hồn nhiên như vậy.

Tết, mỗi nhà có cành mai cành đào, hoặc cây quất, và chục bánh chưng… Không thể thiếu. Nhất định đói nghèo cũng phải có để “có không khí Tết”. 

Mẹ thì hối hả mua đồ sắp đồ, bố thì ở nhà hối hả dọn dẹp, rồi chờ mẹ về cùng sắp sửa cái ban thờ cho tươm tất. Cứ tất bật cả lên!

Tết xưa và những dư âm nhạt nhòa
Khung cảnh phòng khách ngày Tết với các vật dụng quen thuộc của những năm 90 (ảnh minh họa: Ninh Nấu)

Sáng 29, gà mới gáy canh ba canh bốn, đã nghe cả xóm rục rịch rục rịch. Ồ, thì ra là họ đụng lợn. Cả xóm chung nhau con lợn “ăn Tết”. Những đứa trẻ cứ ngủ ngon, sáng dậy là xúm lại được chia khúc đuôi, miếng lòng. Nó quây quần, đầm ấm đến lạ.

Thường thì sáng 29 sau khi đụng lợn xong, thì nhà nhà người người sẽ gói bánh chưng. Vì làm gì có tủ lạnh mà trữ thịt. 

Thế là cả xóm lại thơm lừng mùi rơm củi, mùi lá dong lá chuối, mùi đỗ gạo… Nhà gói nhiều chạy qua nhà gói ít xin… gửi luộc. Nhà không gói thì chạy qua nhà khác “gói chung”. Cả xóm tưng bừng. 

Tết xưa và những dư âm nhạt nhòa
(ảnh minh hoa: FB)

Trẻ con thích nhất được ngồi chất bánh. Nhét vài củ khoai, cái bắp ngô vào bếp, chẳng mấy mà chín. Thế là ngồi bóc thổi phù phù chia nhau. Mồm miệng đen thui đen lủi nhìn nhau cười giòn. Cái lạnh bao trùm cả bầu trời, song bếp củi vẫn cháy, tiếng cười vẫn ấm như tấm chân tình của tháng ngày đã trôi xa…

Tôi luôn thích đêm giao thừa nhất. Vì giao thừa có bữa cơm cúng tất niên và được xem pháo hoa. Bữa cơm cúng tất niên thường rất tươm tất, nhiều đồ. Cả gia đình lớn bé quây quần, cứ như nhà có giỗ. Rồi vừa ăn vừa nghe mọi người kể chuyện cũ, hay tâm tình một năm đã đi qua. Bao nhiêu nỗi lòng, bao nhiêu khó nhọc, hay muôn vàn tiếng thở dài… đêm Giao thừa cũng được trút bỏ. Vì sáng hôm sau, người ta sẽ đi chúc nhau một năm mới với nhiều điều mới mắn may…

Thời gian cứ trôi, Tết cũng cứ trôi. Bao nhiêu mùa xuân qua đi, và bao nhiêu cái Tết lại tới.

Xã hội bây giờ đủ đầy, thứ gì cũng có. Ngày nào cũng họp chợ, chẳng lo thiếu đồ. Ngành dịch vụ phát triển, mâm cơm hay chiếc bánh chưng cũng có người gói cho mang đến tận nhà. Du lịch phát triển, phương tiện giao thông thuận lợi, nhiều người cũng chọn đi du lịch dịp Tết thay vì túm tùm quây quần lại như xưa…

Tôi biết, Tết xưa hay Tết sau này thì những ai làm người lớn đều rất mệt mỏi. Quần quật cả năm, đến Tết còn bày đủ thứ để làm. Nhiều người đâm ra sợ Tết.

Song tôi vẫn tiếc. Nuối tiếc một điều gì đó xa xôi. Nuối tiếc thứ dư vị ngọt ngào mang tên sum vầy đầm ấm…

Tết ngày xưa, mọi người có lẽ là muốn tiễn đưa cái cũ, chào đón cái mới. Nó mang đúng tính chất bỏ lại quá khứ hướng về ngày mai. Vì xã hội đói quá, khổ quá. Người ta cần Tết để sum vầy, để an ủi, để chia sẻ và tiếp động lực cho nhau trên chặng đường kế tiếp.

Tết bây giờ, thực sự có thể nói đó là sự hưởng thụ. Vì xã hội phát triển nên vật chất đủ đầy rồi. 

Nhu cầu cá nhân ngày càng cao, đôi khi chỉ cần hưởng thụ cho bản thân là đủ, cầu kỳ Tết nhất làm gì. Chơi đi, ăn đi, xả stress đi… Chắc nhiều người đều muốn thế.

Song, tôi bắt gặp đâu đó những người mẹ người cha già chờ Tết, ngóng trông con cái đi làm xa trở về sum họp. Trông ngóng bữa cơm có già trẻ lớn bé, có sự ồn ã mà ngày thường mẹ cha già khát khao.

Tác phẩm “Tết đoàn viên” của họa sĩ Trần Nguyên.

Tôi bắt gặp đâu đó người anh người chị ngóng trông em đi học xa về ăn Tết. Anh chị em cùng xắn tay chuẩn bị Tết, kể chuyện thủ thỉ thù thì…

Tôi bắt gặp đâu đó họ hàng thân thiết muốn gặp nhau dịp Tết chỉ đơn giản là chào một tiếng, hay gói cho nhau mớ rau chục trứng…

Ở đâu đó, vẫn còn…

Những dư âm của Tết xưa đã nhạt nhòa. Đôi lúc tôi chỉ hoài niệm lại như thế, để rồi ngậm ngùi chênh vênh. Biết sao được. Dòng chảy hối hả của cuộc sống là như thế, mấy ai còn bận lòng nuối tiếc cái truyền thống, cái đã cũ mèm… như tôi!

Lại sắp đến Tết rồi, tôi lội ngược dòng cố gắng giữ gìn, lặp lại những “dư âm Tết xưa” cho thế hệ con cháu của mình. Bởi vì, nó sẽ là ký ức thật đầm ấm đi theo con tôi suốt cuộc đời, như đã và đang theo tôi.